Trào lưu xoài lắc, muối tôm chưa kịp hạ nhiệt thì giới trẻ Sài Gòn lại nổi lên trào lưu mới là ăn mì Hàn Quốc cay 7 cấp độ và snack khói.
Đừng ‘chết’ vì sành điệu!
Trào lưu xoài lắc, muối tôm chưa kịp hạ nhiệt thì giới trẻ Sài Gòn lại nổi lên trào lưu mới là ăn mì Hàn Quốc cay 7 cấp độ và snack khói.
Suýt nhập viện vì mì cay…
Mì cay Hàn Quốc là một trong những món ăn tiêu biểu của xứ sở kim chi. Thời gian gần đây, món mì này đã làm mê hoặc đông đảo giới trẻ Sài Gòn. Và để thu hút khách hàng, không ít hàng quán tung ra các chiêu trò quảng cáo, chẳng hạn như: ăn mì cay tặng kèm trà sữa, ăn hết tô mì cay cấp độ 7 sẽ nhận được phần thưởng là 1 triệu đồng… Để chứng tỏ khả năng chịu chơi, không ít bạn trẻ đam mê ẩm thực rủ nhau đi chinh phục thử thách.
“Trời ơi, cay lắm luôn! Cay nóng phù mỏ chứ không phải kiểu cay hỗn. Đi ăn thấy có mấy bạn chơi ngông chọn mì cay cấp độ 7 mà thấy tội, cay xì khói não, mồ hôi tuôn xối xả như sông suối” hoặc “Bạn ăn được tô cấp 7 trong vòng nửa tiếng là quá VIP rồi đó. Mình ăn tô cấp 5 phải mất một tiếng mà còn chết lên chết xuống. Về độ cay thì phải nói là vừa ăn vừa khóc”, hay “Mình thử cấp 4, mới mang mì ra, húp miếng nước thôi đã toát mồ hôi rồi, bụng nóng ran luôn” hoặc “Nhân viên nói tới cấp 5 thì cỡ như sa tế, thế là đâm đầu kêu cái mì cấp 5. Hic! Siêu cay luôn, ăn mà mặt mày như con tôm lột, đũa thứ 3 là như ngồi ghế mát xa, lỗ tai ù ù, răng còn giựt giựt, chạy xe về hoa cả mắt, chỉ thấy vị cay nồng chả còn vị gì nữa, uống hết 6 bình nước”… là những chia sẻ của những bạn trẻ đã có dịp thử qua món ăn đang làm khuynh đảo giới trẻ Sài thành.
Cụ thể nhất, trên trang cá nhân của bạn có nickname Huy Trần gần đây đã cho đăng một đoạn clip thử thách ăn mì cay cấp độ 7 của một thanh niên khiến mọi người hào hứng theo dõi. Người tham gia thử thách trong đoạn clip chia sẻ: “Lúc đầu thì cay cũng nhẹ, có tí sữa vào nên lúc đó mình thấy ổn. Nhưng khoảng 1 giờ sau về nhà, mình đã phải ôm bụng cả đêm, chút xíu là nhập viện rồi. Chắc sẽ không bao giờ tham gia thử thách này nữa”.
Thật ra món mì cay mà đông đảo mọi người thưởng thức chỉ là cấp độ nhẹ, rất hiếm người có thể ăn được ở mức trung bình (cấp độ 4, 5) và hầu như rất ít người có thể ăn hết một tô mì cay cấp độ 7 như thanh niên trong đoạn clip mà nickname Huy Trần chia sẻ trên mạng.
Hàng chục quán mì cay 7 cấp độ đang gây sốt ở Sài Gòn. Nữ sinh Phạm Thị Hải Yến, ngụ quận Gò Vấp, sau khi ăn món mì cay cấp độ 7, trả lời ‘rất bình thường’ trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
Nói về hậu quả của kiểu chứng tỏ bản thân bằng cách “khích” nhau ăn mì cay của giới trẻ hiện nay, TS-BS Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: Thật ra thức ăn cay mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như có tác dụng kháng viêm, kháng sinh, giúp giảm cân và còn có thể làm tăng tuổi thọ. Tuy nhiên, ăn cay quá mức có thể làm nặng hơn tình trạng đau dạ dày do viêm, gây ra triệu chứng của trào ngược dạ dày, tổn thương vị giác ở lưỡi (cơ quan cảm nhận vị thức ăn), gây cảm giác nóng rát khi đi tiêu ở người bị trĩ (do thành phần capsaicin không bị thoái hóa ở đường ruột), gây mất ngủ…
Mức độ chấp nhận cay tùy thuộc vào mỗi người, vì thế hãy dừng ăn khi cảm giác đau do cay quá nhiều, đó là tín hiệu cơ thể không chấp nhận được mức độ cay đó. Mặc dù chưa có bằng chứng thức ăn cay gây loét dạ dày; nhưng thức ăn cay có thể kích thích ổ loét và làm nặng thêm tình trạng loét dạ dày.
… Đến phát cuồng vì snack khói
Tiếp sau món mì cay 7 cấp độ là đến món snack khói, kem khói “làm mưa làm gió”. Đây là những món ăn vặt mới, mát lạnh, thích hợp với thời tiết nóng bức. Ngay khi xuất hiện, giới trẻ Sài Gòn đã đua nhau săn lùng những địa chỉ bán snack khói để thưởng thức. Chỉ cần gõ từ hashtag #snackkhoi, hàng loạt hình ảnh, clip bạn trẻ check in với món ăn này trên Facebook sẽ ngồn ngộn hiện ra. Một số bạn còn chứng tỏ độ sành điệu khi thưởng thức snack khói bằng việc nhả khói thông qua đường mũi (giống như hút thuốc lá).
Sau khi ăn hết tô mì cay, toàn thân Vũ nóng bừng như lửa đốt, dạ dày đau thắt từng cơn, nôn ói trong nhiều giờ và suýt phải nhập viện.
Được biết, snack khói thực chất được chế biến từ khí nitơ lỏng phủ bên ngoài những viên snack đủ màu sắc thông qua hiện tượng đông kết nhanh. Tại các nước châu Âu, nitơ lỏng được sử dụng để làm lạnh nhanh các món ăn tráng miệng như kem, bánh ngọt và pha chế cocktail. Tại VN, hoá chất này cũng được sử dụng rộng rãi để làm nên món snack khói. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra e ngại vì món ăn này không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Một số cho rằng hít phải khí nitơ nhiều sẽ tổn hại cho sức khoẻ. Ăn nitơ không chết nhưng sẽ làm tổn hại đến răng, làm giòn và cơ quan vị giác trên lưỡi bị ảnh hưởng.
Gần đây, trên nhiều diễn đàn, fanpage Facebook chuyên về ẩm thực lan truyền thông tin về món ăn vặt ‘snack khói’ mới lạ, thu hút sự chú ý của giới trẻ Sài Gòn nhưng ít ai quan tâm đến phản ứng phụ của nó.
Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, nitơ lỏng có điểm sôi -196 °C được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như làm lạnh hệ thống máy tính, bảo quản tế bào trong nghiên cứu khoa học, điều trị mụn cóc… Nó cũng được dùng rất phổ biến ở các nhà hàng để làm lạnh tức thì thức ăn, đồ uống, tạo khói sương mù đầy ấn tượng khi tiếp xúc với không khí. Về bản chất, nitơ lỏng chỉ là khí nitơ vô hại được làm lạnh đến nhiệt độ nêu trên và trở thành chất lỏng. Tuy nhiên, bởi vì nhiệt độ rất thấp đó, nó có thể gây bỏng lạnh nếu không được sử dụng hoặc thao tác đúng cách. Nếu nitơ lỏng bị tràn trong không gian kín, nó có thể gây ngạt do đây là khí không màu, không mùi, không vị.
Những miếng xoài được ướp gia vị ngon ‘chảy nước miếng’ có sức hấp dẫn lạ thường với các bạn trẻ Sài Gòn.
Sử dụng nitơ lỏng được chấp nhận trong chế biến thức ăn nếu các biện pháp an toàn được áp dụng. Cần phải để khí nitơ bay hơi hết trước khi sử dụng thức ăn. Nếu nuốt phải lượng khí nitơ lỏng khoảng 1 muỗng cà phê, nó có thể đông cứng lại, dễ vỡ như thuỷ tinh hoặc trở thành khí và gây thủng ruột hoặc dạ dày (một ngụm nitơ lỏng tương đương 25 lít khí). hiếm ai có thể nuốt một lượng như vậy do bị lạnh và sẽ nhổ ra ngay. Mặc dù vậy, đôi khi vẫn có thể gặp hiệu ứng Leidenfrost (không cảm thấy lạnh ngay lập tức). Năm 2012 một cô gái ở Anh đã bị thủng dạ dày do nuốt phải nitơ lỏng từ một món ăn.