01/11/2024

Ngành giáo dục đã làm cho học sinh mất vui

Có một vấn đề lâu nay em cảm thấy khó hiểu về ngày khai giảng. Đó là học sinh phải đi học trước cả tháng trời, thầy cô bạn bè đều chơi thân với nhau hết rồi, vì vậy ngày khai giảng chỉ có tính hình thức thôi.

 

Ngành giáo dục đã làm cho học sinh mất vui

Có một vấn đề lâu nay em cảm thấy khó hiểu về ngày khai giảng. Đó là học sinh phải đi học trước cả tháng trời, thầy cô bạn bè đều chơi thân với nhau hết rồi, vì vậy ngày khai giảng chỉ có tính hình thức thôi.




 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đó là chia sẻ của Nguyễn Dương Kim Hảo, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM). “Nếu có đề bài yêu cầu tả cảm xúc của em trong ngày lễ khai giảng thì em không có những cảm xúc thật để viết”, Hảo nói.
Theo Kim Hảo, học sinh thì đương nhiên thích có một kỳ nghỉ dài để nghỉ ngơi sau một năm học và cũng là thời gian để thực hiện các dự án của mình, vì ngày thường em phải đi học, học bài và làm bài tập, nên không còn nhiều thời gian để thỏa sức đam mê, nghiên cứu thêm.
Chị Bạch Phương Uyên, phụ huynh tại tỉnh Ninh Thuận, cho biết trong khoảng thời gian học trước gần 1 tháng (tháng 8), học sinh cứ lên rồi về, học nửa buổi rồi lại nghỉ thêm một tuần, điều này chỉ làm mất thời gian cho phụ huynh đưa đón con. Và một điều tệ hại hơn, là khi học trước rồi khai giảng sau thì sự háo hức, chờ đón ngày tựu trường của học sinh sẽ không còn nữa, không khí của ngày tựu trường cũng phần nào giảm bớt.
Chị Uyên bức xúc: “Vậy thì học trước khai giảng để làm gì? Chúng ta luôn đưa ra khẩu hiệu Mỗi ngày đến trường, đến lớp là một ngày vui, mà ngày khai trường học sinh còn không cảm thấy vui vẻ nữa thì xem ra ngành giáo dục đã làm cho học sinh mất vui. Tôi nghĩ, để học sinh nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè cho các em có điều kiện vui chơi, giải trí cùng gia đình sau 9 tháng học thực sự cũng mệt mỏi là tốt nhất. Ngày xưa, học sinh ở quê như tôi chỉ học một buổi nhưng được nghỉ hè 3 tháng mà vẫn thấy hiệu quả tốt đấy thôi. Thậm chí lúc đó, điều kiện vật chất thiếu thốn đủ thứ nhưng học sinh học rất giỏi và giỏi thực sự chứ không vì thành tích gì cả”.
Ủng hộ ý kiến cho học sinh nhập học sau lễ khai giảng ngày 5.9, ông Nguyễn Tuấn Anh, một phụ huynh ngụ Q.10 (TP.HCM), cho rằng đối với tuổi học trò, cảm xúc ngày đầu tiên tới trường rất bồi hồi, khó tả. Đó là ngày bạn bè gặp nhau sau thời gian dài xa cách, ngày nhìn lại ngôi trường, gặp lại thầy cô, thấy được sự thay đổi và rồi biết bao câu chuyện kể nhau nghe, đem quà tặng cho nhau. Không khí vui vẻ, mọi người hăng hái đi dự ngày khai giảng chứ không dự khai giảng như là một hình thức bắt buộc như hiện nay.
“Tôi rất ủng hộ lễ khai giảng diễn ra đúng ngày và để các em có thể nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, thời gian đó sẽ rất hữu ích cho các em thể hiện niềm đam mê, rèn luyện kỹ năng sinh hoạt ngoài trời. Điều đó hỗ trợ rất nhiều cho con đường phía trước khi các em đặt chân vào giảng đường đại học, để mai này các em không phải trở thành một con người thụ động khi bước ra khỏi môi trường học đường”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Còn cảm nhận của Lê Thị Quỳnh Như, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu): “Việc học xong rồi mới khai giảng có chút gì đó hụt hẫng, mất đi sự hào hứng của học sinh. Theo em, ngày khai giảng cũng phải là ngày đầu tiên mà các bạn gặp lại trường lớp, thầy cô, bạn bè sau kỳ nghỉ hè, như thế mới có cảm giác hào hứng”.

Lê Thanh