01/11/2024

Mùa hè hữu ích cho trẻ

Trẻ con phần lớn thích mùa hè. Tuy nhiên, để có kỳ nghỉ hè khoa học, bổ ích cho trẻ, không phải gia đình nào cũng làm được.

 

Mùa hè hữu ích cho trẻ

 

Trẻ con phần lớn thích mùa hè. Tuy nhiên, để có kỳ nghỉ hè khoa học, bổ ích cho trẻ, không phải gia đình nào cũng làm được. 

 

 

 

 

Có trẻ phấn chấn, vui khoẻ, cân bằng tâm lý sẵn sàng cho năm học mới nhưng không ít trẻ chán nản bởi sự xả hơi quá mức hoặc ốm đau, bệnh tật…

Để trẻ có một mùa hè sảng khoái, thư giãn và cũng là cơ hội cho trẻ học thêm một môn nào đó, có một số lưu ý đến các bậc phụ huynh sau đây:

1. Xả hơi vừa phải

Xả hơi vừa phải là việc phụ huynh lưu ý. Cho con thư giãn nhưng phải hợp lý, không thay đổi quá nhiều thời gian sinh hoạt hằng ngày của con, chẳng hạn thời gian ngủ mỗi đêm, thời gian vui chơi giải trí, thời gian lao động, giúp việc trong gia đình…

Thực tế, một số trẻ được cha mẹ cho xả hơi quá mức, nhất là dành quá nhiều thời gian chơi game online. Điều này có thể không tốt khi trẻ nghiện game online.

Theo TS giáo dục Nguyễn Minh Thức, nếu có điều kiện, cha mẹ có thể cho con tham gia nhiều hơn vào những việc trong gia đình như lau chùi nhà, sắp xếp đồ đạc trong gia đình. Hoặc có thể cho con được lao động chân tay một cách phù hợp, qua đó con trẻ hiểu được giá trị của lao động, yêu thích lao động và đồng thời còn rèn luyện thể lực.

2. Học mà chơi – chơi để học

Chủ trương mùa hè là được thư giãn và thoát khỏi áp lực học hành. Tuy nhiên cũng không đồng nghĩa với việc bỏ qua chuyện học hành mà phải học với tinh thần “Học mà chơi – chơi để học”.

Mùa hè, cha mẹ nên cùng trẻ sắp xếp kế hoạch hợp lý để trẻ có thời gian ôn tập mỗi ngày, mỗi tuần, đồng thời có thể thư giãn một cách sảng khoái. Một số nội dung có thể nên trang bị cho trẻ trong dịp hè như hội hoạ, ngoại ngữ hoặc tham gia các lớp kỹ năng sống.

Lưu ý, không nên cho trẻ học chữ trước. Một số chuyên gia tâm lý nhấn mạnh việc học chữ trước bao giờ cũng để lại hậu quả không tốt, bởi khi học trước thường làm cho trẻ mất hứng thú khi bước vào năm học mới, tâm lý “coi thường” vì đã biết trước, coi thường bạn bè hoặc khả năng chú ý bị phân tán.

3. Rèn luyện thể lực, 
kỹ năng sống

Một số trẻ có nguy cơ béo phì vì ít vận động. Do đó, cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia các lớp thể thao để trẻ có điều kiện giảm cân hoặc rèn luyện một số kỹ thuật, động tác võ thuật cơ bản nhằm tự vệ.

Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho trẻ học kỹ năng sống là rất cần thiết. Cha mẹ nên chọn các trung tâm uy tín để đăng ký cho con theo học, giúp con rèn kỹ năng, như kỹ năng bơi lội, kỹ năng đồng cảm, chia sẻ với người khác, kỹ năng giải quyết các tình huống như bắt cóc, xâm hại…

4. Về quê trải nghiệm

Trải nghiệm ở quê là điều kiện để trẻ có thể mở rộng hiểu biết của bản thân. Các em có thể hình dung ra được các mối quan hệ làng xóm nghĩa tình, những cánh đồng lúa bát ngát, được tận mục sở thị những con vật như trâu bò, chim chóc, sâu bọ… mà nếu ở thành thị nhiều trẻ chỉ học trên giấy.

Về quê, các em sẽ hình dung ra được những cảnh trong truyện cổ tích, từ đó trí tưởng tượng của các em phong phú và sinh động hơn. Đồng thời trẻ được chơi với bạn bè cùng tuổi, được thể hiện tình cảm với ông bà, họ hàng, qua đó cảm xúc của trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN