05/11/2024

Điện ảnh nhà nước kêu cứu

Vụ việc tám doanh nghiệp phim Việt gửi tâm thư kêu cứu còn chưa khép lại thì hội thảo do Bộ VH-TT&DL về phát hành chiếu bóng nhà nước lại cho thấy một thực trạng có vẻ như đau lòng hơn!

Điện ảnh nhà nước kêu cứu

 

Vụ việc tám doanh nghiệp phim Việt gửi tâm thư kêu cứu còn chưa khép lại thì hội thảo do Bộ VH-TT&DL về phát hành chiếu bóng nhà nước lại cho thấy một thực trạng có vẻ như đau lòng hơn!

 

 

 

 

Điện ảnh nhà nước kêu cứu
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có lẽ là bộ phim được nhắc đến nhiều lần nhất tại hội thảo, vì dù đã chiếu xong nhưng các trung tâm PHPVCB địa phương vẫn rất khó tiếp cận được bản phim để chiếu ở quê mình – Ảnh: ĐPCC

Tên đầy đủ của hội thảo này là Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành – phổ biến phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng (PHPVCB) các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Hội thảo được tổ chức hai ngày, một ngày tại Hà Nội: 31-5, và tại TP.HCM 2-6.

“Cuối cùng bài toán vẫn là phải có phim để chiếu, nếu không có phim chiếu thì Thủ tướng có ra hàng trăm văn bản vẫn mất rạp thôi!

Ông Trần Cảnh Tuệ (tổng giám đốc Vina Cinema, phó chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam
phía Nam)

Nỗi khổ khó tin của chiếu bóng – phát hành phim nhà nước

Mỗi khán giả ở TP đang bỏ khoảng 80.000-100.000 đồng cho một vé xem phim tại rạp tiêu chuẩn chắc sẽ không thể tưởng tượng được con số 10.000 đồng phụ cấp cho một nhân viên chiếu bóng lưu động mỗi đêm đi chiếu phim.

Đây là con số mà ông Phạm Thanh Lâm – giám đốc Trung tâm PHPVCB Bến Tre – đưa ra, có chú giải con số này thực hiện theo thông tư 33/TT-BVHTTDL năm 2006.

Nhưng hạ tầng mới chính là nỗi khổ đầu tiên và… nan giải nhất mà đại diện các trung tâm chiếu bóng phát hành địa phương tố khổ ở hội thảo. 58 cụm rạp đang hoạt động nhưng chất lượng gần như đều không đạt tiêu chuẩn tối thiểu.

Hải Phòng có ba rạp ở vị trí trung tâm nhưng phòng chiếu xuống cấp, dột ngấm, cách âm không đảm bảo, không mở cửa được ban ngày vì nếu mở cũng chỉ có 2-4 khán giả – ông Bùi Thế Lâm (giám đốc Trung tâm PHPVCB Hải Phòng) cho biết.

Yên Bái có hai rạp với 850 chỗ ngồi nhưng mỗi đêm cũng chỉ phục vụ được khoảng 20-30 khán giả là con số “tàn nhẫn” mà ông Vũ Trọng Hướng (giám đốc Trung tâm PHPVCB Yên Bái) chia sẻ, bởi lẽ ban ngày rạp lại do đơn vị khác sử dụng, rạp cũng chỉ có quạt trần chứ không có máy lạnh hay thông gió!

Đất Tây Đô (Cần Thơ) còn có thực trạng đáng kinh ngạc hơn khi thậm chí Công ty CP Điện ảnh Cần Thơ không có rạp, họ phải đi thuê điểm chiếu từ chỗ này qua chỗ khác, công ty hiện chỉ còn… bốn lao động.

Chính hạ tầng như vậy nên dẫn đến việc rạp nhà nước nếu còn hoạt động thì chỉ hoạt động cầm chừng, hạ tầng yếu, khán giả không đến, không có kinh phí tái đầu tư nên không theo kịp sự thay đổi của công nghệ.

Đa số các rạp vẫn tồn tại máy chiếu phim nhựa 35 li (loại phim hầu như đã không còn ai sản xuất), một số rạp khá hơn có máy chiếu kỹ thuật số HD nhưng chuẩn này cũng không được chiếu các phim vòng một do nhà phát hành lo ngại về việc không mã hoá được phim như chuẩn DCP 2K (phổ biến ở các rạp tiêu chuẩn) nên dễ dẫn đến việc mất bản quyền.

Cái khó bó cái khôn. Trong khi thị trường điện ảnh Việt có mức tăng trưởng kinh ngạc với con số khoảng 105 triệu USD năm 2015, doanh thu của rạp nhà nước – cụ thể là rạp Phố Hiến (Hưng Yên) trong bốn tháng đầu năm 2016 chỉ… 45 triệu đồng là một so sánh đáng suy nghĩ.

Nhưng không hẳn cứ nhà nước là… đói!

Mô hình trung tâm chiếu phim quốc gia tại Hà Nội (NCC) đã là một mô hình đáng ngưỡng mộ khi tập thể lãnh đạo NCC đã tự chủ từ rất sớm để con số doanh thu 150 tỉ đồng của NCC trong năm 2015 làm… choáng váng các đại biểu có mặt trong hội thảo.

Cách nào để họ không những tồn tại mà còn phát triển rất mạnh, không những còn tên mà còn thành một thương hiệu đáng gờm trong hệ thống rạp tại thủ đô?

Không có đại diện tại hội thảo phía Nam, nhưng bà Ngô Phương Lan (cục trưởng Cục Điện ảnh) đã điểm một số nét chính của mô hình theo bà là xứng đáng trở thành tấm gương cho tính chủ động trong hoạt động thay vì chờ đợi cơ chế, kêu khổ rồi xin – cho như các doanh nghiệp điện ảnh nhà nước ở các địa phương đang thay nhau than vãn. “Đây là mô hình cần nhân rộng” – bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Năm 2008, NCC còn là một cơ sở chiếu phim xuống cấp nghiêm trọng với máy chiếu 35 li, trang thiết bị chênh lệch rất lớn so với các hệ thống rạp tiêu chuẩn mới kinh doanh ở Việt Nam như Galaxy, Megastar (CGV).

Nhận thức rất nhanh việc phải tìm lối thoát, NCC bắt đầu bằng việc thay đổi diện mạo bên ngoài bằng cách mời tư nhân vào hợp tác kinh doanh. Sảnh chờ của NCC đẹp hơn và phong phú khi có các quầy bán nước ngọt, bắp rang bên cạnh các quầy bán vé.

Chỉ sau bốn tháng quyết định mời tư nhân, NCC đã thay đổi bất ngờ, sau một năm khán giả đến rạp tăng gấp đôi.

Được đà, NCC tiếp tục gọi vốn xây cơ sở vật chất, dự kiến gọi 34 tỉ thì đã có đến 80 tỉ đồng. Họ dùng nguồn vốn tư nhân để từ bốn phòng chiếu, nâng cấp rồi phát triển thêm năm phòng chiếu nữa thành chín phòng chiếu.

Trong số 85 tỉ đồng để nâng cấp xây mới rạp NCC, kinh phí nhà nước chỉ chiếm 13 tỉ đồng. Nếu như doanh thu 2008 là 17 tỉ đồng thì đến 2015 chỉ sau bảy năm, doanh thu đã gần gấp 10 lần với 150 tỉ đồng!

Cầu cứu – xin – cho 
có thoát khó?

Là hội thảo về giải pháp nên yêu cầu các đại biểu là lãnh đạo đến từ các trung tâm chiếu bóng phát hành phim địa phương ngoài việc kêu khổ, kêu khó thì phải tự đề xuất giải pháp nhưng đa số các giải pháp mà địa phương nêu ra lại phụ thuộc vào cấp trên thay vì tự chủ.

Đề nghị Nhà nước can thiệp vào việc điều tiết nguồn phim có lẽ là đề xuất được nêu ra ở hầu hết các ý kiến. Việc không được chiếu phim vòng một đã khiến các đơn vị phát hành chiếu bóng địa phương lâm vào cảnh không cạnh tranh được doanh thu, khó khăn luẩn quẩn.

Để khắc phục vấn đề trên, các đơn vị điện ảnh địa phương lại tiếp tục đề xuất cần đầu tư cho thiết bị chiếu phim công nghệ mới thay thế các thiết bị cũ lạc hậu, xây hoặc nâng cấp rạp.

Vấn đề này, bà Ngô Phương Lan cho biết địa phương phải chủ động như trong đề án quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2030 đã nêu rõ.

Ông Vương Duy Biên (thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) nói thêm một ví dụ ở Quảng Ninh, nhân việc tổ chức Liên hoan phim Việt Nam 18, tỉnh đã cấp kinh phí cho Trung tâm PHPVCB Quảng Ninh máy chiếu tiêu chuẩn KTS mấy tỉ đồng nhưng sau liên hoan phim, các rạp thuộc hệ thống này không phát huy được hiệu quả nên tỉnh lại thu hồi.

Vì 40% doanh thu từ bắp rang và nước ngọt…

Theo ông Nguyễn Anh Quảng – giám đốc Công ty CP điện ảnh EVC, hệ thống rạp nhà nước hay than phiền về việc họ phải chịu khoảng 60% phí thuê phim, thêm 20% phí thuê thiết bị nữa thì doanh thu sẽ còn lại rất nhỏ… nhưng thực tế nguồn thu đến từ bắp rang hay nước ngọt ở hệ thống rạp liên doanh lên đến 40% doanh thu và nguồn thu này không phải chịu phần trăm nào phát hành hay thuê phim. Có lẽ rạp nhà nước nên kinh doanh theo cách này thì sẽ phát triển tốt hơn.

Coi trọng chất lượng rạp chiếu, ông Trinh Hoan đến từ HK Films (đồng sản xuất Em là bà nội của anh, Mỹ nhân kế…) cho rằng nếu hệ thống phòng chiếu phim nhà nước chịu đầu tư máy chiếu đạt chuẩn, khoá mã an toàn để tránh việc mất bản quyền phim… thì không có lý do gì mà các nhà sản xuất không tìm đến rạp nhà nước, thậm chí là tìm đến đầu tiên!

Theo thống kê trong đề dẫn hội thảo của bà Ngô Phương Lan, hiện tại ở VN, Nhà nước đang có 58 cụm rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu, trong đó có 50 phòng chiếu (tổng số 22.531 ghế) có thiết bị chuẩn 2K, 38 phòng chiếu HD.

Số rạp hiện đang không hoạt động là 10 và số rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng là 25.

CÁT KHUÊ ([email protected])