Mất ngủ vì đau mãn tính
Không chỉ khốn khổ vì đau, nhiều người còn thường xuyên mất ngủ, trầm cảm vì đau. Muốn cơn đau mãn tính khỏi hẳn trong 5-7 ngày là không thể nhưng nhiều người vẫn cố gắng tìm kiếm biện pháp điều trị đau dứt điểm.
Mất ngủ vì đau mãn tính
Không chỉ khốn khổ vì đau, nhiều người còn thường xuyên mất ngủ, trầm cảm vì đau. Muốn cơn đau mãn tính khỏi hẳn trong 5-7 ngày là không thể nhưng nhiều người vẫn cố gắng tìm kiếm biện pháp điều trị đau dứt điểm.
TS.BS Nguyễn Minh Anh khám kiểm tra đau cho một bệnh nhân – Ảnh: L.TH.H. |
Theo TS.BS Nguyễn Minh Anh – trưởng đơn vị chuyên sâu về điều trị đau Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đau là một cảm giác khó chịu với mọi người. Trong đó, đau mãn tính là chứng đau dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần làm cho cơ thể bị phá huỷ về thể lực và tâm lý.
Đau “kỳ lạ”
Tại đơn vị điều trị đau Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, vừa qua đã tiếp nhận những trường hợp bệnh lạ liên quan đến đau mãn tính.
Những người bệnh này phải trải qua chứng đau buốt khó chịu, dai đẳng, đến rất nhiều bác sĩ khám và điều trị nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Có người bị cơn đau hành hạ hơn 10 năm, phẫu thuật rất nhiều lần, tốn kém chi phí điều trị nhưng không trị dứt điểm được căn bệnh kỳ lạ.
Điển hình là một bệnh nhân nam 37 tuổi, được chẩn đoán bị đau thần kinh thẹn.
Theo lời kể của anh, anh bị đau vùng bẹn rất nhiều, đau lan từ bẹn xuống phần trong của đùi, lan xuống bộ phận sinh dục và bị đau bỏng rát cả hậu môn.
Trước khi đến Bệnh viện Đại học Y dược TP, anh đã điều trị nội khoa, qua cả Singapore để chích phong bế thần kinh thẹn nhưng không cải thiện.
Sau đó, qua tìm hiểu trên mạng, anh tìm đến một bệnh viện ở Pháp để mổ giải ép dây thần kinh thẹn. Mổ xong, bệnh cải thiện anh về nước. Chỉ vài ngày sau khi về VN, anh bị đau dữ dội hơn trước, nên thấy thất vọng và suy sụp tinh thần.
Một bệnh nhân nữ 45 tuổi cũng được chẩn đoán bị đau đám rối tạng. Khi đến khám bệnh, bệnh nhân than đau bụng dưới dữ dội, đã đi khám phụ khoa và không có bệnh lạc nội mạc tử cung, ứ tai vòi…
Bệnh nhân còn được khám tổng quát, nội soi, chụp cộng hưởng từ (MRI)… nhưng không phát hiện bất thường gì.
Ngoài ra, đơn vị điều trị đau còn tiếp nhận điều trị một số bệnh nhân bị đau rất nhiều ở phần vai bên phải, hạn chế vận động khớp vai sau tai biến liệt nửa người.
Có trường hợp bị đau do di chứng sau phẫu thuật cột sống hơn 10 năm, khiến bệnh nhân bị đau từ vùng dưới ngực lan xuống chân bên phải, rất khó chịu.
Trên ba tháng là đau mãn tính
Theo TS Minh Anh, cảm giác đau thường xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương của các mô tế bào. Đau là dấu hiệu của bệnh tật và phải tìm nguyên nhân để chữa. Đau mãn tính là chứng đau dai dẳng tái đi tái lại nhiều lần làm cho cơ thể bị phá huỷ về thể lực và cả về tâm lý.
Người bệnh đau mãn tính thường bị đau kéo dài trên ba tháng, phải đi điều trị nhiều nơi, nhưng chứng đau vẫn không khỏi hoặc không giảm.
Đau mãn tính ảnh hưởng xấu đến các hoạt động thể lực, học hành, ngủ, các quan hệ gia đình – xã hội và có thể dẫn đến buồn phiền, trầm uất, mất ngủ, mỏi mệt, thay đổi tâm tính.
Người bệnh bị đau dai dẳng kéo dài trên 3 tháng, đã điều trị mà không dứt hoặc điều trị hết ngay giai đoạn đó nhưng vẫn tái đi tái lại trong vòng 3 tháng đều thuộc vào nhóm đau mãn tính.
Đau mãn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi trên 40. Những bệnh đau mãn tính thường gặp như đau cột sống, đau khớp, đau đầu, đau sau Zona (loại bệnh đặc thù của đau mãn tính, thời gian điều trị kéo dài), đau sau tai biến (thường gặp viêm dính khớp)…
Phối hợp nhiều phương pháp
Do đau mãn tính có nhiều nguyên nhân, liên quan đến nhiều chuyên khoa, nên việc điều trị đau mãn tính phải kết hợp nhiều phương pháp (phương pháp đa mô thức) và người bệnh cần được hỗ trợ, tư vấn về tâm lý, hiểu căn nguyên đau của mình.
Theo TS Minh Anh, tuỳ tình trạng bệnh lý, người bệnh sẽ được điều trị theo từng bước, từ điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu đến thực hiện các thủ thuật và phẫu thuật, song hành với các biện pháp tâm lý thích hợp.
Ví dụ người bệnh bị thất bại trong điều trị thuốc nhưng chưa đến mức phẫu thuật, sẽ được áp dụng các thủ thuật trong điều trị đau như tiêm thấm mặt khớp dưới sự hướng dẫn của hệ thống máy C-Arm điều trị đau cột sống, đặt điện cực kích thích dây thần kinh ngoại biên, đốt dây thần kinh bằng sóng cao tần điều trị đau cột sống, đau khớp cùng chậu, đau dây thần kinh số V, xử lý nhân đệm bằng sóng cao tần, đặt điện cực kích thích tủy sống điều trị đau…
Không chỉ điều trị bằng thuốc, làm thủ thuật, với người bệnh đau mãn tính, vai trò của tâm lý trị liệu rất quan trọng do người bệnh đau mãn tính đều có các vấn đề rối loạn về tâm lý, từ lo âu nhẹ đến rối loạn trầm cảm nặng, có cảm giác về bệnh tật.
Việc tư vấn tâm lý giúp người bệnh kiểm soát đau, thích nghi với tình trạng hiện tại và kiên trì trong việc điều trị hơn. Bác sĩ phải cung cấp lộ trình điều trị cho người bệnh, những khó khăn sẽ gặp và phương pháp giải quyết.
Tâm lý của người bệnh thông thường chỉ muốn khỏi đau càng sớm càng tốt nên đa số người bệnh khó kiên nhẫn điều trị theo một bác sĩ, thường chạy lòng vòng tìm bác sĩ khác ngay khi thấy bệnh không thuyên giảm, dễ mất lòng tin trong việc điều trị.
Để điều trị đau hiệu quả, bác sĩ cần tư vấn rất kỹ cho người bệnh và người bệnh cần kiên nhẫn, tin tưởng bác sĩ, không tự ý bỏ điều trị.
Theo TS Nguyễn Minh Anh, có những loại đau không thể phòng ngừa được như đau sau bệnh Zona, đau do thoái hoá ở người lớn tuổi… Điều trị đau tốt nhất là dùng thuốc và có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, thể dục vừa phải. Để phòng ngừa đau, khi ngồi cần chú ý giữ tư thế cột sống thẳng, không khuân vác vật nặng trên 20kg, không mang giỏ xách nặng trên 6kg, không ngồi lâu quá 45 phút, không nằm gối cao quá 10cm, vận động phù hợp theo lứa tuổi… |