Tìm hiểu về SPF của kem chống nắng
Kem chống nắng là loại thuốc dạng xịt, gel, miếng dán hay thuốc bôi… có thể hấp thụ hoặc phản chiếu một số bức xạ tia cực tím (UV) trên vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Tìm hiểu về SPF của kem chống nắng
Kem chống nắng là loại thuốc dạng xịt, gel, miếng dán hay thuốc bôi… có thể hấp thụ hoặc phản chiếu một số bức xạ tia cực tím (UV) trên vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Nhờ vậy, da được bảo vệ chống tình trạng cháy nắng, giúp phòng tình trạng sớm lão hoá da và bệnh ung thư da.
Chỉ số chống nắng SPF
Chỉ số chống nắng SPF (Sun Protection Factor) hay IP (Indice de Protection) biểu thị thời lượng bảo vệ da của kem chống nắng đối với tia UV. 1 SPF = 15 phút là khoảng thời gian chống nắng tối đa của sản phẩm nếu bạn thoa đúng độ dày 2mg/cm2 kem lên da. Ví dụ 15 SPF = 3 giờ 45 phút, có nghĩa sau 3 giờ 45 phút bạn phải thoa lại vì kem đã hết tác dụng.
Tuy nhiên, thời gian tác dụng này không ổn định do bụi bặm, mồ hôi, quần áo và nước. Kem chống nắng chỉ phát huy tác dụng khi được thoa lên da trước khi ra nắng khoảng 30 phút.
Khi chỉ số SPF tăng gấp ba lần không có nghĩa là khả năng chống tia UV tăng gấp ba. Ví dụ, kem chống nắng có SPF 20 có thể hấp thu tối đa 95% tia UV, trong khi kem chống nắng có SPF 60 có thể hấp thu tối đa 98,3% tia UV.
Ở Việt Nam, chúng ta nên chọn sản phẩm kem chống nắng có SPF trung bình. Trong thành phố chỉ cần dùng sản phẩm có độ SPF 20-30, khi đi biển mới cần dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 60 trở lên.
Chỉ số chống nắng không như quảng cáo
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) từng yêu cầu các nhà sản xuất kem chống nắng kiểm tra lại chỉ số SPF ghi trên sản phẩm nhưng lại không yêu cầu gửi kết quả báo cáo. Trong khi đó, các nhà sản xuất kem chống nắng đều tuyên bố sản phẩm của họ đều đáp ứng các thông số kỹ thuật của FDA.
Theo báo cáo của Consumer Reports – một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận của Hoa Kỳ được thành lập từ năm 1936, cho thấy hơn 40% sản phẩm kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF không đạt đến mức độ mà nhà sản xuất đã ghi trên sản phẩm.
Cụ thể, những tình nguyện viên thử nghiệm ngâm người trong nước sau khi thoa kem chống nắng và da của họ được tiếp xúc với ánh sáng cực tím.
Kết quả ghi nhận qua hơn 4 năm theo dõi cho thấy chỉ 26% các loại kem chống nắng khoáng chất vô cơ với các thành phần như titanium dioxide, oxide kẽm đạt chỉ số SPF như nhà sản xuất giới thiệu.
Trong khi đó, cũng chỉ có 58% loại kem chống nắng hoá học với các thành phần như avobenzone đạt yêu cầu về SPF quảng cáo trên sản phẩm.
Ba loại bộ lọc tia cực tím có thể có trong kem chống nắng: * Các hợp chất hoá hữu cơ có thể hấp thụ các thành phần nguy hại của tia UV (oxybenzone, sulisobenzone, avobenzone). * Các hạt vô cơ phản chiếu, tán xạ và hấp thụ tia UV (titanium dioxide, oxide kẽm, superoxide dismutase, phlebodium aureum). * Các hạt hữu cơ có thể phản chiếu, tán xạ hay hấp thụ ánh sáng (tinosorb M, tinosorb S, mexoryl XL.) Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên mọi người nên sử dụng kem chống nắng vì có thể giúp ngăn chặn ung thư da loại biểu mô tế bào gai và tế bào đáy. Tuy nhiên, kem chống nắng không ngăn chặn được hoàn toàn các bức xạ của tia UVA, do đó có thể làm tăng tỉ lệ một loại ung thư da khác là u hắc tố ác tính khi người sử dụng kem chống nắng có thể tiếp xúc với quá nhiều tia UVA nhưng không cảm nhận được. |