TP.HCM và Hà Nội, bao giờ hết điệp khúc mưa là ngập?
Tuần qua, mưa lớn đã gây ngập nặng chưa từng thấy trong 10 năm qua ở Hà Nội. Tại TP.HCM, những trận mưa đầu mùa cũng gây ngập nhiều nơi. Có giải pháp nào với điệp khúc “hễ mưa là ngập” hiện nay ở các đô thị?
TP.HCM và Hà Nội, bao giờ hết điệp khúc mưa là ngập?
Tuần qua, mưa lớn đã gây ngập nặng chưa từng thấy trong 10 năm qua ở Hà Nội. Tại TP.HCM, những trận mưa đầu mùa cũng gây ngập nhiều nơi. Có giải pháp nào với điệp khúc “hễ mưa là ngập” hiện nay ở các đô thị?
Đến chiều 27-5, người dân ở toà nhà HH2 – khu chung cư Spark Dương Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội) vẫn còn phải đi qua cầu tạm do nước ngập bủa vây từ trận mưa ngày 25-5 – Ảnh: Quang Thế |
Ngoài việc đầu tư đủ và đúng, năng lực quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị là vấn đề tối quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh khi trao đổi về các giải pháp.
Tuổi Trẻ đăng các ý kiến đề xuất giải pháp và mong nhận được thêm nhiều bàn luận của các chuyên gia và bạn đọc để góp phần giải quyết vấn nạn “hễ mưa là ngập” đang rất bức xúc.
* PGS. TS Lưu Đức Cường (phó viện trưởng Viện Quy hoạch nông thôn quốc gia):
Quy hoạch phải gấp rút, lâu dài
Quá trình thực hiện quy hoạch phải được làm gấp rút để tránh gây ngập úng cho những vùng trũng hay các khu vực hệ thống thoát nước đang có vấn đề. Ngoài ra sử dụng những máy bơm di động để hút nước ở nơi đông đúc dân cư những lúc mưa ngập.
Cần phải có những quy hoạch cụ thể lâu dài trong tương lai để giải quyết cả khâu ngập cục bộ, tức thời. Ngoài ra phải tạo ra những công trình có nhiều diện tích cây xanh, hệ thống mặt nước.
Sử dụng cả vật liệu thoát nước tốt khi xây dựng công trình như mặt đường phải dễ dàng thẩm thấu mỗi khi nước dồn ứ. Tránh tình trạng cống thoát vẫn đang có thể thoát được nước nhưng mặt đường lại ngập nặng…
* Ông Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):
Nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch
Với diễn biến ngày càng có những trận mưa lớn bất thường thì phải nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch.
Hệ thống thoát nước trước đây của Hà Nội có những khu vực chỉ thoát được nước với lượng mưa khoảng 100mm nhưng trận mưa vừa qua có nơi lên đến trên 200mm thì dường như nhiều vị trí gần sông, đường thoát nước cũng bị vô hiệu hóa là điều không thể tránh khỏi…
Cần nạo vét lòng sông, đánh thông những khu vực đang bị tắc, sử dụng đa dạng các loại máy bơm với công suất khác nhau để đáp ứng được với lượng nước bị dồn ứ cục bộ.
Trong quá trình chờ quy hoạch lâu dài thì phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn cần phải làm những gì, thời gian là bao lâu? Ví dụ như làm ngay các hồ điều hoà mặt nước, khơi thông dòng chảy…
Có vậy thì mỗi khi mưa đến mới không lo ngập cục bộ. Và quy hoạch lâu dài sẽ giúp người dân thủ đô không phải chịu cảnh ngập úng sau những trận mưa.
* Ông Lê Thành Công (kỹ sư thuỷ lợi):
Gia cường cống thoát nước, điều tiết nước
Chúng ta thấy ở những nơi đã được đầu tư cống rồi nhưng tình trạng tái ngập vẫn xảy ra, nguyên nhân là thiết kế cống của chúng ta đã lạc hậu – hệ thống kênh cấp 1 năng lực thoát nước tối đa hơn 95mm, trong khi những trận mưa trên 100mm ngày càng nhiều.
Để giải quyết vấn đề này, không còn cách nào khác là phải gia cường cho cống, tức là đầu tư thêm hệ thống cống lớn bên dưới hệ thống cống hiện hữu. Hệ thống cống mới này vừa tăng cường tích trữ nước hệ thống bên trên vừa được thoát nước về các giếng thu gom bơm ra sông, rạch.
Giải pháp thứ hai là việc kết nối hỗ trợ thoát nước giữa các lưu vực. Cụ thể qua theo dõi mưa hàng chục năm nay, chúng tôi thấy rằng ở TP.HCM ít khi xảy ra lượng mưa trên 100mm trên toàn TP, mà chỉ tập trung ở một hoặc hai lưu vực.
Có nghĩa là cống khu vực đó đang bị quá tải, nước ngập nhưng cống thoát nước ở lưu vực khác lượng nước thoát còn quá ít so với năng lực. Vì vậy nếu có một đường ống kết nối các lưu vực với nhau để lưu vực này có thể hỗ trợ lưu vực kia, trường hợp chênh lệch cao độ giữa hai lưu vực có thể sử dụng hệ thống bơm nước để hỗ trợ.
* TS Tô Văn Trường (chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam):
Tập trung giải quyết những bức xúc trước mắt
Nhiều năm qua, TP.HCM đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức cho công tác chống ngập nhưng hiệu quả vẫn còn là thách thức.
Nguyên nhân tình trạng ngập ở TP.HCM chủ yếu là việc đô thị hoá đã không phát triển đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị, sai lầm trong quy hoạch, phát triển ra vùng đất thấp mà không phải là vùng đất cao.
TP.HCM có địa hình tương đối phẳng, thấp, do việc đô thị hoá, nhiều khu trũng chứa nước mưa và triều trước đây đã bị san lấp làm gia tăng đỉnh triều, ngập lan rộng hơn.
Các cống tiêu thoát nước mưa hiện còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ mà hiện đã lạc hậu trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra rõ nét, những trận mưa cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều và tổ hợp mưa lớn, triều cao xuất hiện thường xuyên hơn.
Hiện nay TP.HCM đang triển khai hai quy hoạch lớn là quy hoạch 752 (lắp 6.000km cống thoát nước mưa) và quy hoạch 1547 (lắp 12 cống kiểm soát triều lớn và hơn 170km đê bao). Trong khi quy hoạch 752 làm một nửa chặng đường thì quy hoạch 1547 mới chỉ làm được một cống nhỏ là Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Theo cá nhân tôi thấy quy hoạch 1547 còn nhiều hạn chế, cần khảo sát đánh giá lại, đặc biệt nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch này từ đầu xác định hơn 11.000 tỉ đồng nay đã đội giá lên gấp sáu lần.
Trong tình hình khó khăn về nguồn vốn, nên tập trung nguồn lực cho các dự án giải quyết tình trạng ngập nước do mưa trước mắt kết hợp với các trạm bơm cho từng lưu vực nhỏ, khai thông hệ thống kênh mương cả mật độ cũng như kích thước.
Hà Nội: dự án thoát nước ngàn tỉ có khả năng bị “đánh chìm”? Dự án thoát nước giai đoạn 2 được Hà Nội phê duyệt từ năm 2006-2010 nhưng sau đó đã được điều chỉnh các hạng mục đầu tư, hạn cuối cùng phải hoàn thành là tháng 6-2016, đến nay số vốn được đội lên 8.000 tỉ đồng. Các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng dù thời gian đã cận kề tháng 6-2016, dự án nếu được hoàn thành thì cũng sẽ rất khó để giải quyết dứt điểm ngập do tốc độ đô thị hoá, biến đổi khí hậu với những trận mưa đột biến về cường độ sẽ khiến năng suất thoát nước không đáp ứng được. |
Dân kêu trời * Ông Phạm Đình Phương (63 tuổi, ở đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM): Dân ở đây mong đừng có mùa mưa! Về ở đây gần 19 năm thì có hơn nửa thời gian trên phải sống trong cảnh nước ngập. Thời gian đầu người dân rất bức xúc phản ảnh, kêu gào trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Nhưng kết quả chẳng đi tới đâu, người dân quay sang van nài các cơ quan có chức năng về chống ngập, tình trạng ngập vẫn không suy giảm bao nhiêu nên phải chịu đựng và chống chọi với ngập nước theo cách riêng của mình. Nhà nào có điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện cũng ráng vay mượn tiền nâng nền, có nhà nâng hai ba lần. Nâng nền, nhà không ngập nhưng hẻm ngập trong nước cống, bùn cặn có khi kéo dài 2-3 ngày sau một trận mưa. Nhà nào không nâng nền được thì trước mùa mưa phải chuẩn bị bao cát, ván chặn nước ngập tràn vào. Nhiều nhà không chịu được cảnh ngập nước phải bán nhà đi nơi khác nhưng có nhà rao bán mãi chẳng ai mua vì sợ ngập. Nếu người dân ở nơi khác cầu mong mưa sớm giải hạn thì người dân ở đây lại mong đừng có mùa mưa để khỏi phải đối diện với cảnh ngập kéo dài. * Ông Vương Quốc Hòa (63 tuổi, ở ngõ 165 Cầu Giấy, Q.Cầu Giấy, Hà Nội): Nghĩ đến tương lai, đừng làm manh mún Trước đây không bao giờ bị ngập cho dù mưa to đến chừng nào, từ khi khu đô thị, toà nhà cao tầng mọc lên gần ngõ nhà tôi thì nước không bao giờ thoát được mỗi khi mưa. Nước mưa rồi nước từ cống hôi thối tràn vào nhà ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình. Nguyên nhân ngõ nhà tôi thường xuyên bị ngập là do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, chắp vá khiến những khu mới được xây dựng nước dễ dàng lưu thoát, còn những nơi hệ thống cống bé xây dựng từ trước đây thì không thể đáp ứng được. Phải nghĩ đến tương lai, đừng làm manh mún. Cần phải có hệ thống thoát nước bài bản, phù hợp giữa các khu đô thị cũng như khu dân cư sống trong các ngõ hẻm thì hệ thống thoát nước mới phát huy được tác dụng. |