Hàng loạt vụ việc người khiếu kiện mang theo dao, đá… đe dọa hành hung liên tiếp diễn ra khiến cán bộ tiếp dân từ trung ương đến địa phương đang hết sức hoang mang, lo sợ.
Khiếu kiện kiểu côn đồ
Hàng loạt vụ việc người khiếu kiện mang theo dao, đá… đe dọa hành hung liên tiếp diễn ra khiến cán bộ tiếp dân từ trung ương đến địa phương đang hết sức hoang mang, lo sợ.
Ban Tiếp công dân T.Ư vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị hỗ trợ các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở tiếp công dân T.Ư bởi tình hình tại khu vực này đang có những diễn biến phức tạp.
“Công dân khiếu kiện đến trụ sở có thái độ quá khích gia tăng, nhất là các vụ việc đông người phức tạp và các trường hợp khiếu kiện chây ì, đã được các cơ quan chức năng giải quyết đúng pháp luật, nhưng công dân cố tình đeo bám khiếu kiện. Nhiều trường hợp thường xuyên căng băng rôn, khẩu hiệu, la hét, chửi bới, chặn xe cán bộ, quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, đập phá cổng”, báo cáo cho biết.
Chém nhân viên, đấm cán bộ…
Tại trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư, ngày 28.1, bà Trần Thị Thu Hiền, thanh tra viên đang làm nhiệm vụ thì bị bà P.T.T (tỉnh Thanh Hóa) dùng dao chém vào mặt và đầu gây thương tích 13%.
Từ sau vụ chị Hiền bị chém cho đến nay tình hình không cải thiện mà diễn biến xấu hơn khiến anh em hoang mang, làm việc lúc nào cũng căng thẳng. Có muốn gần dân cũng không được. Mới đây một số người đã xin nghỉ phép nói cho con đi nghỉ hè nhưng tôi biết họ sợ vì những diễn biến gần đây, vì làm việc trong môi trường không an toàn
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư
Ngày 12.5, ông Ngô Sỹ Giang, Phó vụ trưởng – thường trực tiếp công dân của Ban Nội chính T.Ư, tiếp ông N.X.T (quê Nam Định) và đã bị ông này lăng mạ, đấm vào mặt dẫn đến thương tích. Ban Tiếp công dân T.Ư cho biết ông T. đã nhiều lần vào trụ sở la hét, mang dao, mang xăng đòi tự thiêu… Công an P.Quang Trung, Q.Hà Đông đã tạm giữ để xử lý. Nhưng khi vừa được công an thả ra thì hôm sau, ông T. tiếp tục đến.
Ngày 13.5, bà N.T.N (quê ở thị trấn Long Bình, H.Long Phú, An Giang) dùng đá đập vào cổng sắt trụ sở Ban Tiếp công dân gây tiếng động lớn, khi lực lượng bảo vệ nhắc nhở thì có hành vi xô đẩy cán bộ bảo vệ trụ sở ngã. Trong lúc đó, vợ chồng ông N.V.N (H.Châu Thành, An Giang) thì chửi bới, xô xát làm cán bộ dân phòng P.Quang Trung bị thương; một số người ở tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp còn bao vây, chặn xe, đập mạnh vào xe ô tô của lãnh đạo và cán bộ Ban Tiếp công dân T.Ư.
Mới đây, lúc 6 giờ 48 ngày 24.5, khoảng 13 người là dân ở tỉnh Bạc Liêu đã bao vây, túm áo, xô đẩy, cào cấu khiến ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư, ngã ngửa, đầu đập vào gốc cây xoài trong sân trụ sở bị thương. “Từ sau vụ chị Hiền bị chém cho đến nay tình hình không cải thiện mà diễn biến xấu hơn khiến anh em hoang mang, làm việc lúc nào cũng căng thẳng. Có muốn gần dân cũng không được. Mới đây một số người đã xin nghỉ phép, nói cho con đi nghỉ hè nhưng tôi biết họ sợ vì những diễn biến gần đây, vì làm việc trong môi trường không an toàn”, ông Điệp nói với Thanh Niên…
Dọa giết cả người tiếp dân
Tại TP.HCM, sáng qua (26.5), trụ sở Văn phòng Tiếp công dân TP ở số 15 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3 đã bị một số người nhân danh khiếu kiện gây rối. Để vãn hồi trật tự, đơn vị này phải cầu cứu Công an P.6 đến can thiệp, đưa 3 người tên T.L, V.D, T.C (cùng ngụ TP.HCM) về trụ sở Công an P.6 lập biên bản.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Xử lý đơn thư khiếu nại (Văn phòng Tiếp công dân TP.HCM), cho biết: “Văn phòng vừa lập danh sách những người vi phạm trật tự ở trụ sở, trong đó có 5 trường hợp bị lập biên bản 3 lần trở lên, đặc biệt có trường hợp lập biên bản từ 5 – 7 lần vì có hành động mang tính chất hung hãn, manh động”. “Những người đi khiếu nại chính đáng thì không có vấn đề gì nhưng có nhiều trường hợp đến chửi bới, la lối, đe dọa hành hung cán bộ tiếp dân ngay tại trụ sở, bởi họ cho rằng không vừa ý với kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan thẩm quyền”, ông Hiếu nói và chia sẻ: “Cơ chế bảo vệ cán bộ tiếp dân, nói thật là chưa yên tâm chút nào. Nếu có bị đe dọa đánh đập, gây rối, sau đó công an đến can thiệp thì chuyện cũng đã rồi”.
Theo ông Hiếu, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2010, bình quân mỗi năm văn phòng tiếp khoảng 10.000 lượt người khiếu nại, tương đương khoảng 10.000 lượt đơn thư khiếu nại/năm; từ năm 2011 đến nay, số lượt người đến khiếu nại có giảm nhưng bình quân mỗi năm cũng có đến khoảng 5.000 lượt, tương đương khoảng 5.000 lượt đơn thư khiếu nại/năm. “Thật ra chức năng, nhiệm vụ chính của Văn phòng Tiếp công dân TP.HCM là tiếp nhận đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP.HCM, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết, là cầu nối giữa lãnh đạo với người dân… Tuy nhiên, nhiều người đi khiếu nại nhầm lẫn văn phòng tiếp công dân là nơi chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nên thường xuyên đến gây rối để tạo sức ép. Người khiếu nại quá khích có hành vi gây rối ở đơn vị cứ xảy ra như cơm bữa”, ông Hiếu kể.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Minh, thanh tra viên tiếp công dân (Thanh tra TP.HCM) cho biết: “Số lượng đơn thư khiếu nại gửi đến Thanh tra TP không nhiều nhưng vẫn hay xảy ra tình trạng người khiếu nại gây rối, thậm chí có trường hợp doạ giết cán bộ tiếp dân. Khoảng cách khi tiếp dân rất gần, nếu có gì bất trắc thì rõ ràng không ai trở tay kịp vì cơ quan cũng chỉ có 1 – 2 bảo vệ chung gác ở cổng. Khi cán bộ tiếp dân thì có lúc chúng tôi phải đứng vòng ngoài bảo vệ, đề phòng chuyện không hay xảy ra. Còn chuyện bị chửi bới, đe doạ.. thì anh em bị thường xuyên, có anh em khóc vì ấm ức chứ không biết kêu ai”.
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư bị người khiếu kiện xô ngã ngày 24.5
Phải giải quyết tận gốc
Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng mới đây, Ban Tiếp công dân T.Ư cho biết tất cả các hành vi vi phạm của người khiếu kiện đều đã bị lập biên bản, nhưng việc xử lý chưa dứt khoát, một số vụ việc đã bị lực lượng chức năng địa phương xử lý hành chính, thậm chí khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, nhưng do công tác phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức khiến tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ban Tiếp công dân T.Ư kiến nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ nghiên cứu đưa trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư tại Hà Nội và TP.HCM vào diện mục tiêu bảo vệ của lực lượng cảnh sát nhân dân, ngoài ra nghiên cứu tăng cường lực lượng bảo vệ tại đây.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Điệp, các giải pháp nêu trên chỉ mang tính đối phó, về căn cơ là phải giải quyết cho tốt tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân. “Thực tế hiện nay đang có những câu chuyện nghịch lý, ông tiếp dân thì không giải quyết được mà ông giải quyết lại chẳng bao giờ tiếp công dân, cho nên phải mạnh dạn thay đổi luật tiếp công dân”, ông Điệp nói. Bên cạnh đó, ông Điệp đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương ở nơi có người khiếu kiện. “Tại nhiều địa phương không thực sự quan tâm đến việc này, có những vụ chúng tôi đề nghị họ cử cán bộ lên để phối hợp nhưng họ không làm càng khiến người dân bức xúc dẫn đến các hành vi quá khích”, ông Điệp nói.