23/12/2024

Làm sao bỏ thuốc lá?

Với trên 41% nam giới trưởng thành nghiện thuốc lá và xếp trong nhóm 15 quốc gia có số người nghiện thuốc lá cao nhất thế giới, số phòng tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiện có ở VN rất ít ỏi và tốc độ giảm số người hút thuốc đang rất chậm.

 

Làm sao bỏ thuốc lá?

 

Với trên 41% nam giới trưởng thành nghiện thuốc lá và xếp trong nhóm 15 quốc gia có số người nghiện thuốc lá cao nhất thế giới, số phòng tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiện có ở VN rất ít ỏi và tốc độ giảm số người hút thuốc đang rất chậm.

 

 

 

 

Làm sao bỏ thuốc lá?
Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá khi có phụ nữ và trẻ em bên cạnh – Ảnh: Quang Định

 

 

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), dù biển cấm hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện treo khắp nơi nhưng nhiều người vẫn hút thuốc.

Thản nhiên hút thuốc nơi công cộng

Một người đàn ông đi từ trong bệnh viện ra bãi xe, một tay dắt con gái, một tay cầm điếu thuốc. Tầm 11g trưa 25-5, ở một dãy ghế đá dọc lối đi, có hơn chục người đàn ông đang phì phèo điếu thuốc và nhả khói mù mịt, già có, trẻ có. Một thanh niên ngồi hút ngay khu vực vui chơi dành cho trẻ em. Các gốc cây, bồn cây và cả dọc lối đi, khu vực xung quanh ghế đá chứa đầy tàn thuốc và đầu lọc. Một người đàn ông ngồi gác chân lên ghế đá, vừa cầm tờ báo đọc, vừa hít hà hơi thuốc và nhả khói.

Khi chúng tôi hỏi một người đàn ông sao trong bệnh viện vẫn hút thuốc lá, người này nói: “Đâu phải mỗi tôi, nhiều người khác cũng hút đó. Tôi vào viện chăm người nhà, tranh thủ giờ buổi trưa, chạy ra hút một điếu. Hút quen rồi, không hút cũng thèm, tranh thủ hút điếu cho đỡ nhạt miệng”.

Trong khi đó, chị N.T.L. (32 tuổi) đang ngồi ghế đá trong bệnh viện bức xúc: “Ghế đá là nơi người nhà ngồi nghỉ, bệnh viện nhiều trẻ em mà mùi thuốc lá phả khắp nơi. Ngay chỗ cho trẻ con chơi, có người vừa trông con vừa hút thuốc”.

Không chỉ trong bệnh viện mà ở công viên, trạm chờ xe buýt, quán cà phê, nhiều người vẫn hút thuốc mặc cho một số người xung quanh có tỏ thái độ khó chịu.

Tại một quán cà phê ở Gò Vấp (TP.HCM), một nhóm nam thanh niên chuyền nhau bật lửa để châm điếu thuốc. Hai bạn nữ ngồi bàn cạnh đó cảm thấy khó chịu, sau khi lấy tay che mũi, quạt mùi thuốc lá đã phải dời sang chỗ khác ngồi.

Chị Hồng, chủ quán, cho biết vẫn có nhiều khách vào đây gọi vài điếu thuốc, có khi mua luôn cả gói. Thuốc lá lời ít nhưng để giữ mối khách, chiều lòng khách nên vẫn phải bán.

Tương tự, trong công viên Gia Định (TP.HCM), có người ngồi ghế đá hút thuốc, có người vừa đi bộ vừa hút thuốc. Sau khi rút điếu thuốc cuối cùng ra hút xong, một người đàn ông thả luôn vỏ bao thuốc lá và đầu lọc ngay ở lối đi của công viên!

Gia tăng người trẻ mắc bệnh do thuốc lá

Cách đây 8 năm, ông N.V.H. (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) bỏ thuốc lá ở tuổi 62, khi đã có triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Con rể ông H. là bác sĩ chuyên khoa về hô hấp đã nhiều lần khuyên cha bỏ thuốc, nhưng ông H. không nghe. Đến khoảng tuổi 60 và vừa mới nghỉ hưu, ông gặp một loạt bệnh lý, trong đó đáng sợ nhất là chứng khó thở.

“Mặc dù đã bỏ thuốc lá nhưng chứng bệnh của bố tôi không khỏi mà chỉ diễn tiến chậm hơn. Tuy nhiên cho đến nay chất lượng sống của ông rất kém, ông khó thở thường xuyên và phải sử dụng khí dung 6 lần mỗi ngày, thở oxy 15/24 giờ mỗi ngày, thỉnh thoảng phải thở máy”- con rể ông H. cho biết.

Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa đón một bệnh nhân nam mới trên 20 tuổi đã mắc ung thư phổi. Qua khảo sát, bệnh nhân quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng và đã hút thuốc lào từ khi mới 7 tuổi. Ông Ngô Quý Châu, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay có tới 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan tới thuốc lá, 75% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cùng có lý do tương tự.

Theo ông Châu, số người trẻ (20-30 tuổi) mắc các chứng bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, tràn khí màng phổi… có tăng hơn trước và trước đó họ đều hút thuốc lá từ khi còn ở lứa tuổi vị thành niên.

Bỏ thuốc lá bằng cách nào?

Trong một năm hoạt động đầu tiên (từ tháng 5-2015 đến tháng 5-2016), đã có 9.000 cuộc gọi đến Trung tâm tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư, có khoảng 200 cuộc gọi tư vấn cai nghiện thuốc lá tính từ cuối 2015 đến nay.

Cách đây khoảng 15 năm, khi VN bắt đầu triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, tỉ lệ nam giới trưởng thành nghiện thuốc lá tại VN ở mức trên 50%, sau đó con số này giảm xuống trên 47% và đang ở mức trên 41%. Nhưng ông Ngô Quý Châu nhận xét giảm như vậy là chậm. Một phần ông Châu cho rằng đang còn thiếu những cơ sở cai nghiện thuốc lá và sản phẩm hỗ trợ cho người nghiện thuốc lá cai nghiện.

“Muốn thay đổi hành vi ở người nghiện nặng phải có sản phẩm hỗ trợ họ, giúp họ “cắt cơn”, nhưng ở VN không có”- ông Châu cho biết.

Cũng theo ông Châu, tuy tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá còn thấp, chỉ 1,6% chị em, nhưng nữ giới lại khó bỏ thuốc lá vì khi ngưng hút thuốc, các yếu tố về chuyển h đều thay đổi, họ thấy ăn ngon hơn và chuyển hoá tốt hơn nên đa số người ngưng thuốc lá sẽ tăng cân, chị em cứ thấy tăng vài ba cân là sợ, lại hút thuốc lá.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tới đây có thể 63/63 bệnh viện tỉnh, thành phố sẽ triển khai tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thông qua các bác sĩ nòng cốt vừa được đào tạo từ Trung tâm tư vấn tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện lớn tại TP.HCM.

Hôm nay 26-5 là mở đầu tuần lễ quốc gia không thuốc lá. Thế giới mỗi năm chỉ dành một ngày 31-5 để hưởng ứng các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, còn VN dành đến 1 tuần, thế nhưng sự nửa vời luật gì cũng có nhưng không áp dụng/áp dụng không khả thi đã khiến tốc độ giảm tác hại thuốc lá xem ra còn rất chậm!

Nhiều nỗ lực nhưng kết quả còn hạn chế

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết tại Việt Nam bệnh ung thư phổi hiện vẫn đang đứng đầu (tính chung cả hai giới) về số người mắc. Nguyên nhân chính gây ung thư phổi là hút thuốc lá, ngoài ra còn do ô nhiễm môi trường như khói bụi…

Ở nữ, số người mắc bệnh ung thư phổi nhiều thứ hai chỉ sau ung thư vú. Điều này có thể là do nữ bị hút thuốc lá thụ động. Trong gia đình có người hút thuốc lá, người nữ hít phải khói thuốc này cũng sẽ bị ảnh hưởng không kém người hút thuốc lá chủ động.

Theo thống kê, vẫn có đến một nửa nam giới người Việt Nam hút thuốc lá và Việt Nam nằm trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên toàn thế giới. Điều đó giải thích tại sao ung thư phổi ở Việt Nam đứng đầu cả hai giới.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống hút thuốc lá nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Cụ thể, trong các bệnh viện đều được quy định là bệnh viện không khói thuốc. Tất cả bệnh viện cũng treo những băngrôn, bảng cấm này.

Tuy nhiên tới nay, chỉ có thanh tra sở y tế hoặc UBND của địa phương mới có thẩm quyền xử phạt những người hút thuốc lá trong bệnh viện, những nơi công cộng. Trong khi hiện nay lực lượng có quyền xử phạt này rất mỏng và họ lại có rất nhiều việc để làm. Khi gặp người hút thuốc lá trong bệnh viện, nhân viên bệnh viện chỉ thuần tuý nhắc nhở, còn những người nghiện thuốc lá bị cấm ở nơi này lại ra nơi khác hút.

THUỲ DƯƠNG

Mới có… 3 người bị phạt!

Theo ông Ngô Quý Châu, sau 50 năm triển khai phòng chống tác hại thuốc lá, ở Mỹ số nam giới trưởng thành hút thuốc chỉ còn 20%. Một phần quan trọng là họ áp dụng rất nghiêm quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng trong nhà, thậm chí một số bang còn cấm hút thuốc cả ở trên bãi biển.

Theo ông Châu, do cấm hút thuốc trong nhà, nhiều người hút thuốc lá phải ra khỏi tòa nhà đến các địa điểm cho phép hút thuốc, việc hút thuốc lá trở nên rất phiền toái.

Tại VN, quy định cấm hút thuốc lá tại trường học, bệnh viện và các địa điểm công cộng trong nhà như bến xe, bến tàu, nhà ga, rạp hát, nhà hàng… Tuy nhiên trong những năm qua, cũng mới có 3 người ở Hải Dương bị phạt do hút thuốc lá tại bệnh viện, còn lại chưa ghi nhận người hút thuốc lá ở địa điểm nào có bảng cấm hút thuốc bị xử phạt.

L.ANH – N.LOAN ([email protected])