Nghệ sĩ họp kín với Bộ VH-TT&DL vụ “bán rẻ” VFS
Sáng 23-5, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện có cuộc gặp “kín” với nhiều nghệ sĩ xung quanh việc cổ phần hoá Hãng phim truyện VN (VFS).
Nghệ sĩ họp kín với Bộ VH-TT&DL vụ “bán rẻ” VFS
Sáng 23-5, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện có cuộc gặp “kín” với nhiều nghệ sĩ xung quanh việc cổ phần hoá Hãng phim truyện VN (VFS).
NSND Trà Giang trong phim Chị Tư Hậu - một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh VN do Hãng phim truyện VN sản xuất năm 1962 – Ảnh tư liệu |
Cuộc gặp có sự tham dự của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, NSND Minh Châu, NSƯT Đức Lưu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát… NSND Trà Giang cũng bay từ TP.HCM ra dự cuộc gặp này.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN – cho biết:
“Trong cuộc gặp này, các nghệ sĩ kiến nghị với bộ trưởng về việc cổ phần hoá Hãng phim truyện VN. Vừa qua, 50 nghệ sĩ TP.HCM đã soạn thảo một bản kiến nghị về vấn đề này. NSND Trà Giang bay từ TP.HCM ra trình bộ trưởng đơn kiến nghị và thư thỉnh cầu của các nghệ sĩ.
Trong đơn, các nghệ sĩ đề nghị không được cổ phần hóa Hãng phim truyện VN một cách “rẻ mạt” như vậy. Bộ trưởng đã nhận đơn và hứa sẽ rà soát”.
Tuy nhiên sau cuộc gặp, các nghệ sĩ đều từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp kín, ông Phan Đình Tân – chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL – cho biết:
“Bộ không khuyến cáo các nghệ sĩ không được trả lời báo chí về cuộc họp kín sáng 23-5, mà đó là do các nghệ sĩ tự cảm thấy kiến nghị của các nghệ sĩ hiện nay đang được lãnh đạo bộ xử lý, đến nay chưa có kết quả cho nên chưa ai nói gì.
Tự họ cảm thấy bây giờ chưa nói được gì, bởi sau cuộc gặp, lãnh đạo bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu, cân nhắc để xử lý việc này”.
Ông Tân cũng nói thêm trong cuộc họp, các nghệ sĩ đề đạt nguyện vọng cân nhắc việc cổ phần hóa Hãng phim truyện VN làm sao đáp ứng tâm tư nguyện vọng của mọi người. Nguyện vọng này được các nghệ sĩ thể hiện bằng văn bản kiến nghị.
Trước đó, Hãng phim truyện VN được định giá 30 tỉ đồng và Bộ VH-TT&DL lựa chọn Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) là cổ đông chiến lược khi mua xong 65% VFS với giá 20 tỉ đồng.
Việc này khiến dư luận và báo chí đặt câu hỏi phải chăng VFS đang bị bán rẻ?. Bởi ngoài những khu đất vàng, VFS còn có cơ sở máy móc thiết bị, nhà cửa kiến trúc với 94 cán bộ công nhân viên…
Các chuyên gia luật cũng cho rằng nếu khẳng định VFS có giá trị thương hiệu bằng 0 là sự phủ nhận toàn bộ những gì bao thế hệ nghệ sĩ đã gây dựng trong thời gian qua.