27/12/2024

TP.HCM cần được “cởi trói” để cất cánh

TP.HCM có đủ tiềm năng để tăng trưởng một năm hai con số, nhưng hiện có những cơ chế mà TP.HCM không vượt qua nổi, làm kìm hãm sự phát triển. Chuyện bé bằng móng tay mà xin cơ chế nửa năm chưa xong thì làm sao đột phá được.

 

TP.HCM cần được “cởi trói” để cất cánh

 

TP.HCM có đủ tiềm năng để tăng trưởng một năm hai con số, nhưng hiện có những cơ chế mà TP.HCM không vượt qua nổi, làm kìm hãm sự phát triển. Chuyện bé bằng móng tay mà xin cơ chế nửa năm chưa xong thì làm sao đột phá được.

 

 

 

 

TP.HCM cần được “cởi trói” để cất cánh
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM chiều 20-5 – Ảnh: Quang Định

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã nói thẳng thắn như vậy tại buổi làm việc giữa Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo TP.HCM vào chiều 20-5.

TP.HCM thiếu đường 
cao tốc

Theo ông Thăng, TP.HCM hiện gặp rất nhiều vướng mắc. Điển hình là cơ chế thu ngân sách và quy định về phân cấp nguồn thu được áp dụng chung cho cả nước, không có chính sách đặc thù nào áp dụng riêng cho TP.HCM, trong khi TP.HCM có rất nhiều dự án cần nguồn tài chính.

Hơn nữa, trong khi Hà Nội được ưu tiên đầu tư giao thông cửa ngõ, hàng loạt tuyến đường cao tốc như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai… nhưng TP.HCM chẳng có gì cả. Như vậy làm sao thu hút nhà đầu tư?

“Cần quan tâm vốn ODA, vốn trung ương, chứ hiện nay kết nối như vậy sao có nhà đầu tư?” – ông Thăng đặt câu hỏi. Cũng theo ông Thăng, lâu nay cứ nói kinh tế vùng nhưng thật ra có cơ chế gì đâu.

Do đó, TP đề xuất được cấp lại một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự kiến các mức 8-10-12% trong tổng thu và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho TP bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển, kết nối liên vùng, tác động tích cực đến sự phát triển của TP và các địa phương lân cận.

Ngoài ra, đề nghị cho phép TP nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn TP phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.

Phân cấp cho TP được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan thuộc trung ương quản lý và phân chia tỉ lệ phần trăm, trong đó TP được hưởng 50% đối với khoản thu này.

Phân chia tỉ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước trung ương đại diện chủ sở hữu cho ngân sách TP được hưởng 50%.

TP cũng kiến nghị giữ nguyên cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP từ số tăng thu ngân sách trung ương. Trong năm 2015 số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM đạt 109,08% dự toán, do vậy TP.HCM một lần nữa đề xuất Chính phủ thưởng cho TP hơn 10.000 tỉ đồng như quy định.

Ngoài ra, TP phải được giữ lại nguồn thu từ việc cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do UBND TP làm chủ sở hữu.

Nhiều giải pháp tốt nhưng hơi “kẹt”

Dù đánh giá TP.HCM đưa ra “nhiều giải pháp tốt”, nhưng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng một số đề xuất cũng hơi “kẹt” trong điều kiện hiện nay.

Đó là các vấn đề phân cấp lại nguồn thu, sử dụng quỹ dự trữ tài chính, cho phép TP giữ lại nguồn thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do UBND TP làm chủ sở hữu, cơ chế chỉ định nhà đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng…

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng cho rằng TP đang xây dựng cơ chế đột phá ra ngoài những cái hiện nay, bởi dù được xem là đầu tàu nhưng TP.HCM đang phải vận hành cơ chế toa tàu nên không thể kéo đoàn tàu được.

Theo ông Thăng, phải coi sự phát triển của TP.HCM là nhu cầu của Chính phủ và các bộ ngành chứ nếu không lại quy định nọ kia, tạo cơ chế xin cho.

“Đề nghị Chính phủ cho TP chủ động cùng một số chuyên gia am hiểu về TP.HCM xây dựng cơ chế đột phá trên cơ sở chủ động. TP vì cả nước và cùng cả nước thì trung ương cũng tạo điều kiện thêm cho TP. Đừng sợ phân cấp uỷ quyền thì mất quyền. Người ta leo cây người ta không sợ mà ở dưới sợ” – ông Thăng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí ủng hộ quan điểm cho rằng cơ chế đột phá là cần thiết với các địa phương có điều kiện đặc biệt, nhưng cũng “mong TP thông cảm và chia sẻ” với tình hình khó khăn chung của đất nước.

Cả nước hiện chỉ có 13 tỉnh thành có ngân sách điều tiết được về trung ương, trong đó chủ yếu là TP.HCM 
và Hà Nội.

Theo ông Chí, nhiều tỉnh thành thu cả năm chưa đạt 1.000 tỉ nhưng chỉ riêng nuôi bộ máy đã mất 4.000-5.000 tỉ đồng rồi. Do đó, đề xuất cấp lại số thu xuất nhập khẩu 8-10-12% ổn định trong 10 năm là rất khó bởi theo luật, ngân sách trung ương hưởng 100%, không thể để lại cho các địa phương.

Cũng ủng hộ chuyện phải “cởi trói” cho TP.HCM cất cánh, ông Lê Mạnh Hà – phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – cho rằng TP cần đột phá vào lĩnh vực nhạy cảm là đất đai, bên cạnh đó phải cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông Hà, nguyên tắc là không được hình sự hoá các quan hệ kinh tế, hạn chế kiểm tra doanh nghiệp.

“Hiện nay việc kiểm tra, nhũng nhiễu doanh nghiệp rất lớn. Đề nghị TP chỉ đạo, nhất là công an không được hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Yêu cầu chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm và khi ra quyết định thanh tra phải báo cáo cấp trên, như vậy ai cũng sợ. Vụ quán cà phê Xin Chào xuất phát từ chuyện thích kiểm tra là kiểm, rồi sau đó hình sự hoá lên” – ông Hà nhấn mạnh.

Chủ động đề xuất các chính sách vượt “khung”

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị TP chủ động chuẩn bị đề án trình Chính phủ thí điểm một số vấn đề phát sinh và quy định vượt các quy định hiện nay.

“Phải có đề án trình Chính phủ xem xét cho áp dụng càng sớm càng tốt theo đúng tinh thần nghị quyết 16” – ông Huệ nói.

Ông Huệ cũng yêu cầu TP phối hợp với Bộ Kế hoạch – đầu tư và Ban Kinh tế trung ương để xây dựng cơ chế điều phối giữa các địa phương trong vùng, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ TP.

Theo ông Huệ, TP.HCM cần chủ động nghiên cứu phối hợp các bộ trình Chính phủ xem xét quyết định các vấn đề phân cấp mạnh hơn, tăng ngân sách, quyết định các khoản thu chi, quy hoạch thu chi, thẩm quyền xử phạt hành chính…

Cũng theo ông Huệ, TP cần rà soát lại vấn đề nhà đất của các cơ quan, tập đoàn, tổng công ty, bộ… Đơn vị nào có trụ sở mới mà không trả trụ sở cũ dứt khoát phải đòi cho bằng được, chỉ tên ra. Ông Huệ cho rằng nếu làm được, TP nên đề xuất cho TP bởi nguồn lực đất đai, tài sản công rất lớn trong khi chúng ta phải đi vay từng đồng.

Đặc biệt, ông Huệ yêu cầu cơ quan hải quan phải kiểm soát giá tính thuế vì hiện thất thu rất nhiều thuế.

“Nhiều hộ lớn mạnh mà toàn thuế khoán, mà lại rất thấp. Do vậy phải xem xét lại. Riêng nguồn này có thể thu mỗi năm hàng chục ngàn tỉ.

Chúng ta không điều tiết thêm mà mở rộng cơ sở thu sao cho bình đẳng chứ doanh nghiệp thì thanh tra, kiểm tra suốt ngày, trong khi kinh tế phi chính thức nhiều, không thống kê, hạch toán, thất thu rất nhiều.

Nhà nước tạo mọi điều kiện cho kinh doanh nhưng phải thực hiện nghĩa vụ thuế, TP phải đi đầu việc này” – ông Huệ nhấn mạnh.

ÁNH HỒNG – MAI HOA