01/01/2025

Giả danh cảnh sát PCCC để lừa đảo

Nhóm này có hàng chục người ăn mặc chỉn chu, gắn phù hiệu xưng cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM xuống các địa bàn dân cư để bán thiết bị PCCC với giá “cắt cổ”.

 

Giả danh cảnh sát PCCC để lừa đảo

 

Nhóm này có hàng chục người ăn mặc chỉn chu, gắn phù hiệu xưng cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM xuống các địa bàn dân cư để bán thiết bị PCCC với giá “cắt cổ”.

 

 

 

 

Giả danh cảnh sát PCCC để lừa đảo
Trần Đình Tài thu tiền bán bình chữa cháy tại một xưởng may gia công trên đường Đồng Đen (P.10, Q.Tân Bình) sáng 12-5 – Ảnh: Hoàng Lộc

Khoảng 10g ngày 6-5, Nguyễn Lệ Thuỷ (biệt danh Nhím, quê Đắk Lắk) bận áo sơmi màu trắng, gắn phù hiệu ghi “cán bộ Cảnh sát PCCC TP.HCM – trung tâm PCCC 4/10”, xách cặp rảo quanh con hẻm 737 (đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình).

Cùng đi với Thuỷ còn có một nam “cán bộ” khác và một tổ trưởng tổ dân phố. Dưới vỏ bọc là “cán bộ cảnh sát PCCC TP”, Thủy thản nhiên gõ cửa nhiều hộ gia đình kinh doanh phòng trọ và doanh nghiệp may mặc ở tổ 98 (khu phố 5, P.10, Q.Tân Bình) kiểm tra tình hình PCCC.

Giả danh trắng trợn

Tại mỗi hộ, Thuỷ đều đưa ra bản đăng ký mua hàng trên góc đề Cảnh sát PCCC TP.HCM với nội dung khuyến cáo:

“Nhằm đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ kinh doanh, phòng tránh nguy cơ tai nạn cháy nổ xảy ra, Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo tất cả các hộ kinh doanh thực hiện tốt các biện pháp PCCC, chủ động trang bị các thiết bị PCCC tại cơ sở”.

Phiếu đăng ký này không quên “tung” ra các chương trình giảm giá “khủng”: “Hỗ trợ 30% tất cả các thiết bị PCCC với các hộ gia đình bình thường, 50% loại bình bột chữa cháy 4kg đối với diện chính sách và đổi miễn phí nếu sử dụng đúng mục đích”.

Với chiêu bài trên, Thuỷ bán được một bình chữa cháy loại 4kg, cùng bảng nội quy, tiêu lệnh với giá 497.000 đồng cho bà N.T.N. (ngụ hẻm 737 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình).

Theo tìm hiểu, giá một bình chữa cháy trên hiện chỉ dao động từ 175.000-250.000 đồng, bảng nội quy và tiêu lệnh từ 40.000-70.000 đồng.

Như vậy, với việc mua sản phẩm trên, bà N. đã bị Thủy thu giá cao hơn từ 177.000-282.000 đồng. Lý giải về giá cả chênh lệch, Thủy nói là do Cảnh sát PCCC đưa ra chứ cô ta không có quyền quyết định.

“Thiết bị trong ngành đã qua kiểm định rất nhiều lần, chính sách hỗ trợ lâu dài nên rất yên tâm” – Thuỷ phân bua.

Theo điều tra, cùng thời điểm trên một “cán bộ” khác là Nguyễn Hoàng Nhân (23 tuổi, quê Bến Tre) đến quầy tạp hóa của bà H. ở hẻm 737 (đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình), xưng là cán bộ cảnh sát PCCC TP triển khai, phổ biến PCCC.

Ngoài việc đưa ra các chương trình khuyến mãi từ 
30-50% như “cán bộ” Thuỷ, Nhân giới thiệu thêm bốn mặt hàng gồm bình bột chữa cháy 4kg, nội quy và tiêu lệnh, bình chữa cháy bọt foam và thiết bị tự động báo rò rỉ gas với đơn giá 2,6 triệu đồng (chưa khuyến mãi).

Tất cả sản phẩm này đều có giá cao gấp đôi, gấp ba so với giá thị trường.

Dù biết giá cao nhưng cuối cùng bà H. vẫn đồng ý mua hai bình chữa cháy (loại 4kg) và bộ nội quy, tiêu lệnh với giá 671.000 đồng. Theo T.A. (con trai bà H.), khi làm việc, cán bộ này mặc áo trắng, đeo phù hiệu ghi Cảnh sát PCCC TP.HCM và ăn nói rất chuyên nghiệp.

“Người này yêu cầu mẹ tôi mua hai bình PCCC giá 406.000 đồng (hỗ trợ 30%). Nhưng khi tôi nói gia đình có người làm trong ngành, người này liền giảm giá xuống còn 290.000 đồng/bình.

Hôm sau, cán bộ khác đến giao hàng tôi hỏi treo bảng tiêu lệnh ở đâu thì người này nói treo đại ở đâu cũng được, đòi hoá đơn thì người này nói bên Nhà nước bán hàng không cần đưa hóa đơn” – T.A. bức xúc.

Một tổ trưởng tổ dân phố trực tiếp “tháp tùng” người này cho biết việc dẫn đi là thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND phường.

“Tuy nhiên văn bản chỉ yêu cầu chúng tôi phối hợp để cán bộ PCCC hướng dẫn người dân, doanh nghiệp các thao tác xài bình PCCC chứ không đề cập đến chuyện bán thiết bị này. Khi đi thực tế, tôi không ngờ họ bán bình PCCC giá cao gấp hai lần so với thực tế” – vị này nói.

Giả danh cảnh sát PCCC để lừa đảo
Trần Xuân Thành đeo phù hiệu Cảnh sát PCCC TP.HCM đi tư vấn bán bình chữa cháy – Ảnh: H.Lộc

Lừa đảo chuyên nghiệp

Khi giao tiếp với người dân, nhóm người này xưng là cán bộ của Trung tâm PCCC 4/10 (thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM), có trụ sở tại số 258A Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1.

Tuy nhiên, tìm hiểu cho thấy nơi hoạt động của nhóm là một ngôi nhà ba lầu nằm tại địa chỉ 856/4 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp.

Hai số điện thoại đường dây nóng nhóm này ghi trên các phiếu đăng ký, danh thiếp và phiếu bảo hành đều không phải của Trung tâm thiết bị PCCC 4/10. Đứng sau quản lý nhóm này là một người đàn ông ngoài 30 tuổi, đi xe hơi Camry 
màu đen.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, khoảng 8g30 ngày 12-5, nhóm này tập trung tại trụ sở họp dưới sự điều hành của người đàn ông này, sau đó chia nhiều nhóm nhỏ chạy xe máy túa về khu vực Q.Tân Bình bắt đầu một ngày lừa người dân mua bình chữa cháy.

Trưa cùng ngày, “cán bộ” Trần Đình Tài (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) mặc đồng phục màu xám, sau lưng ghi “Đội tư vấn lắp đặt PCCC” chạy xe máy cà tàng chở khoảng 15 bình chữa cháy từ trụ sở đến giao cho 10 hộ dân, doanh nghiệp may mặc trên các tuyến đường: Đồng Đen, Hồng Lạc, Âu Cơ (Q.Tân Bình).

Đến trước một cơ sở kinh doanh may mặc trên đường Đồng Đen, Tài bấm điện thoại gọi cho chủ cơ sở nói:

“Em ở bên cảnh sát PCCC TP.HCM” và yêu cầu cho người ra nhận bình chữa cháy. Ít phút sau, một phụ nữ ra nhận sáu bình chữa cháy (trong đó bốn bình loại 4kg và hai bình bọt foam) với giá 3,395 triệu đồng (giảm 30%) mà không hề mảy may biết bị “cán bộ” này lừa, bán giá “chặt chém”.

Theo Tài, mỗi ngày phải có bốn “cán bộ” chuyên chở thiết bị PCCC và trung bình bán được khoảng 100 bình các loại.

“Đầu tiên, Cảnh sát PCCC giao cho các quận huyện làm nhưng họ làm sơ sài, chỉ đến gắn bộ nội quy và tiêu lệnh nên bây giờ đơn vị xuống địa phương làm luôn. Làm kiểu xoay vòng, ở Q.Tân Bình đơn vị đã làm được 4-5 phường rồi” – Tài nói.

Còn hai “cán bộ” Nguyễn Lệ Thuỷ và Trần Khắc Bình (26 tuổi, quê Nghệ An) thì tiết lộ: hiện tại đơn vị triển khai đồng bộ xong ở Q.Gò Vấp, Q.12, huyện Hóc Môn và có hàng trăm hộ đăng ký mua sản phẩm.

Có thời điểm, nhóm Thuỷ và Bình phải tranh thủ đi vào buổi tối hoặc tự lên lịch làm cả thứ bảy, chủ nhật cho triệt để. Với công việc này, theo tìm hiểu, có thời điểm doanh thu của Thuỷ lên đến 70 triệu đồng trong vòng nửa tháng.

Giả danh cảnh sát PCCC để lừa đảo
Trần Đình Tài xưng là “cán bộ” Cảnh sát PCCC TP.HCM đi giao bình chữa cháy cho một xưởng may trên đường Đồng Đen (P.10, Q.Tân Bình) – Ảnh: Hoàng Lộc

Giả mạo để lừa đảo

Đại tá Lê Tấn Bửu – giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM – khẳng định nhóm đối tượng trên hoàn toàn giả mạo Cảnh sát PCCC TP để lừa đảo.

“Trung tâm thiết bị PCCC 4/10 là một đơn vị trực thuộc Cảnh sát PCCC TP, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các đơn vị khác ngoài thị trường.

Tuy nhiên, ngay trung tâm cũng không được lợi dụng danh nghĩa của đơn vị để kinh doanh thiết bị PCCC” – đại tá Bửu khẳng định.

Ông Võ Thành Danh – giám đốc Trung tâm thiết bị PCCC 4/10 – cho biết rất bức xúc trước hiện tượng giả danh đơn vị xuống địa bàn dân cư lừa đảo người dân của nhóm đối tượng trên.

“Thời gian qua, chúng tôi cũng phát hiện một số đơn vị lấy tên na ná trung tâm để đánh lừa người dân. Tuy nhiên, hiện tượng giả danh lần này là rất nghiêm trọng.

Mặc dù là đơn vị trực thuộc Cảnh sát PCCC nhưng chúng tôi luôn nghiêm khắc tuân thủ không sử dụng logo, danh nghĩa của đơn vị để kinh doanh. Đơn vị chúng tôi hoàn toàn không có chủ trương kinh doanh theo kiểu này” – ông Danh khẳng định.

HOÀNG LỘC – ĐỨC PHÚ ([email protected][email protected])