Lắng nghe nước hát
Một buổi chiều Sài Gòn nóng nực đến gần 40oC, ghé thăm triển lãm sắp đặt của nghệ sĩ Alec Schachner, người xem như dịu hẳn đi bởi sắc xanh trong veo, nhiều cấp độ của những bình nước vốn là đồ tái chế đã được anh “biến hoá” thành một loại nhạc cụ mới!
Lắng nghe nước hát
Một buổi chiều Sài Gòn nóng nực đến gần 40oC, ghé thăm triển lãm sắp đặt của nghệ sĩ Alec Schachner, người xem như dịu hẳn đi bởi sắc xanh trong veo, nhiều cấp độ của những bình nước vốn là đồ tái chế đã được anh “biến hoá” thành một loại nhạc cụ mới!
Alec Schachner bên dàn nhạc đặc biệt bằng vỏ bình nước của mình – Ảnh: Minh Trang |
Đối với tôi, âm nhạc là một sự giải thoát. Nó giúp người ta vượt qua những áp lực đời thường. Hãy cứ đến đây và lắng nghe nước hát |
Alec Schachner khoe trên Facebook cá nhân rằng anh vừa làm một bài kiểm tra chứng thực được mình là người… Việt Nam, dù rằng anh chàng là người Mỹ 100%. Alec tự hào bởi mình nói tiếng Việt giỏi như người Việt!
Trong gần tám năm sống ở Việt Nam, có thời gian anh từng là giảng viên bộ môn văn học Mỹ tại khoa ngữ văn Anh của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Dĩ nhiên, Alec dạy môn học hoàn toàn bằng tiếng Việt và khiến sinh viên của anh thích thú khi luôn có sự so sánh giữa bản tiếng Việt và bản gốc để thấy rõ những điều thú vị của ngôn ngữ.
Và khi ngôn ngữ không còn là rào cản nữa, anh tự tin thực hiện nhiều dự án nghệ thuật cá nhân với một niềm hăm hở và yêu quý nước Việt từ tận đáy lòng. Ở dự án lần này, trong vai trò của một sound designer – nghệ sĩ sắp đặt âm thanh, Alec – vốn là một tay chơi guitar bass cừ khôi – đã làm người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác!
Gần 90 bình nước với các cấp độ xanh đa dạng được chọn lựa một cách có chủ đích: xanh lá của cỏ cây, xanh đậm của biển cả và xanh lơ như màu trời trông tươi mát như một cơn gió lành giữa tháng 5 “rực lửa” của Sài Gòn.
Chúng được treo lủng lẳng trên trần nhà, trên các vách tường một cách ngộ nghĩnh. Bên trong bình là nước sạch được đổ vào theo nhiều mức độ khác nhau nhằm tạo ra những tần suất âm thanh khác lạ khi người xem chạm tay vào những “dây đàn”.
Sử dụng một dụng cụ tương tự như cây vĩ của violin, Alec chơi thử một điệu nhạc ngẫu hứng và hỏi: “Lạ không! Những sợi dây giống như sợi đàn guitar này thực chất là những sợi cước dùng để câu cá hoặc dây kim loại được bện vào dây cáp thép và gắn chặt vào một thiết bị điện truyền đến máy tính. Máy tính sẽ tổng hợp và xử lý chúng thành những âm thanh mới, như một bản nhạc và phát qua loa cho khán giả cùng thưởng thức”.
Ảnh: M.Trang |
Âm nhạc là món quà tuyệt vời mà Thượng đế dành cho con người, Alec tin rằng những khách mời đến với triển lãm thử nghiệm của mình sẽ không chỉ là những người xem mà còn tham gia cùng anh như một cá nhân trong một dàn nhạc: chơi đùa cùng công nghệ và lắng nghe thế giới của âm thanh, của nước, của những thứ tưởng chừng bỏ đi theo một cách khác biệt.
“Với sự nghiêm túc trong nghệ thuật, tôi mong rằng những điều mình làm không chỉ để thoả mãn đam mê cá nhân mà còn là một nhịp cầu nối giữa văn hoá Việt và Mỹ” – Alec nói.
Triển lãm sắp đặt Vỏ bình nước của Alec Schachner sẽ còn tiếp tục đến ngày 26-5 tại Mai’s Gallery (3A Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM) với những hoạt động thú vị như: thảo luận hướng dẫn cách tạo ra âm thanh và chia sẻ về nghề sắp đặt âm thanh vào ngày 15-5, giao lưu và bế mạc triển lãm ngày 26-5…
Yêu thích Nguyễn Du, Xuân Diệu Ngoài âm nhạc, ít ai biết Alec còn có khả năng cảm thụ văn học Việt Nam một cách đặc biệt. Một trong những sở thích của anh chàng 29 tuổi này là tìm hiểu về các tác phẩm thơ ca của Xuân Diệu, nghiên cứu về Hán – Việt để đọc hiểu tường tận những tác phẩm của Nguyễn Du, trong đó nổi bật nhất làTruyện Kiều. Năm 2009, Alec là đạo diễn chương cuối của vở kịch Hamlet, diễn sống ngay tại công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM với sự tham gia của những diễn viên là Việt kiều và người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam. |