27/12/2024

Bảo vật quốc gia: Những phát hiện bất ngờ

Trong số 104 bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận từ tháng 10-2012 đến nay, có nhiều hiện vật do người dân phát hiện một cách rất tình cờ.

 

Bảo vật quốc gia: Những phát hiện bất ngờ

 

Trong số 104 bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận từ tháng 10-2012 đến nay, có nhiều hiện vật do người dân phát hiện một cách rất tình cờ. 

 

 

 

 

Bảo vật quốc gia: Những phát hiện bất ngờ
Ông Nguyễn Văn Chín tại khu đất Lõng Rồng, nơi đào được chuông cổ – Ảnh: Thái Lộc

Kỳ 1: “Quả bom nổ chậm” ở làng My Dương

Trong nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến việc phát hiện này, có không ít chuyện thật mà như đùa, cười ra nước mắt… Khi đào lên một vật đen sì từ lòng đất, mọi người hoảng hốt vì tưởng nhầm là quả bom nổ chậm.

Chuông mà tưởng bom

Từ Hà Nội, chúng tôi tìm về làng My Dương (xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội), nơi đào được quả chuông cổ nhất Việt Nam, để tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện.

Gặp một cụ già đang chống gậy ở ngay đầu làng, chúng tôi hỏi về người tìm được quả chuông. Cụ bất ngờ bảo: “Chuông à, tôi đào được đấy. Mà lâu lắm rồi. Không phải đến bắt tôi đấy chứ!”.

Đó là cụ Nguyễn Văn Chín, năm nay 86 tuổi, là người đào được quả chuông đúng 30 năm trước. Cụ Chín cho biết hồi đó cùng con trai đi đào đất làm gạch thuê tại khu đất Lõng Rồng, cách đình Mai Chúa trước đây chừng 150m.

My Dương là ngôi làng cổ ven bờ sông Đáy, vốn có tên là Lỗi Dương. Dưới thời Lê được đổi tên là Mai Chúa, và thời Nguyễn đổi thành My Dương như ngày nay. Khu vực Lõng Rồng nơi đào được chuông vốn nằm cạnh đình My Dương trước đây.

Vì nằm cạnh đê phía bãi sông hằng năm lũ gây xói lở nên vào giữa thế kỷ 19, làng dời đình về vị trí hiện nay. Cùng với quả chuông, người dân còn tìm thấy những viên gạch cổ in nổi “hoa chanh” và một số vật dụng bằng gốm.

Ông Nguyễn Văn Thảo, năm nay 67 tuổi, là người chứng kiến toàn bộ sự việc. Ông đã viết lại trong tập câu chuyện của làng, với lời mở đầu: “Chuyện viết không dám thêm bớt một chi tiết nhỏ nào!”.

Rằng: “Đầu tháng 4-1986, ông Chín đào đất ở Lõng Rồng để làm gạch. Thùng làm gạch sâu hơn 3m so với mặt đất, lưỡi mai của ông chạm vào một vật. Ông lấy tay bới thì ra một vật đen sì, ông kêu thất thanh: “Bom, bom nổ chậm!”.

Ông leo mãi không lên khỏi thùng gạch vì sợ, nhiều lần ngã lăn xuống. Do có tiếng kêu bom nổ chậm nên những người làm gạch xung quanh nằm chết gí, kệ cho số phận ông Chín ra sao thì ra.

Mãi không thấy bom nổ, ông lấy lại bình tĩnh, nghĩ: Khéo có một vật báu gì nằm trong lòng đất mà số phận ông đến ngày hưởng. Ông nhẹ nhàng bới từng tí đất một. Cuối cùng ra nguyên hình cái chuông và ông kêu lên: “Chuông! Chuông chứ không phải bom!”.

Mọi người nghe ông kêu lên chạy đến chung vui và đòi chia phần. Nhiều người còn nghĩ có những vật báu nằm ở cạnh chuông còn đào xa hơn, cầu mong một sự may mắn đến với họ như ông Chín…”.

Sau khi đưa chuông về nhà, người dân báo tin và chính quyền xã đến nhà lập biên bản, không cho ông bán và để lại nhà nhờ ông trông giữ. Chuông được lau chùi sạch sẽ, được một vị trung tá công tác tại đơn vị quân đội gần đó biết chữ Hán xác định bước đầu là chuông được đúc vào năm 798.

Biết đây là quả chuông rất quý và được chính quyền giao trách nhiệm trông giữ, trong khi ngôi nhà của ông lại rất tuềnh toàng nên gần như suốt ngày ông Chín ở nhà trông giữ quả chuông.

Bảo vật quốc gia: Những phát hiện bất ngờ
Bảo vật quốc gia chuông Thanh Mai trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội – Ảnh: Thái Lộc

Cái lằn cổ chân

Câu chuyện diễn ra đã 30 năm và người đào được, từng là chủ nhân của báu vật ấy vẫn nhớ như in cảm giác lâng lâng vì tưởng mình sắp được đổi đời.

Với trọng trách phải bảo vệ báu vật của quốc gia, ban đêm ông dùng sợi dây thép 4mm một đầu buộc vào chuông, một đầu ngoéo vào chân để ngủ. Một tiếng chuột chạy cũng khiến ông tỉnh giấc, giật thột, co chân lên khiến sợi thép hằn sâu vào thịt rất đau nhưng ông yên tâm khi chuông vẫn còn.

Ông Chín kể nhiều đêm nằm trong bóng tối với một vật báu đính liền với chân, ông thầm nghĩ tuổi già lại được lộc. Sau này Nhà nước sẽ quan tâm đến ông, ông sẽ xây cái nhà mái bằng và có một số tiền để dưỡng lão…

Vài ngày sau, chính quyền xã cùng nhiều cán bộ bảo tàng của tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) và của trung ương về nhà ông.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Thảo, những người có chức trách và nhất là các chuyên gia lúc ấy hết lời khen ngợi ông Chín đã phát hiện được và có tinh thần bảo vệ, gìn giữ báu vật của quốc gia.

Một chuyên gia trong đoàn còn nhấn mạnh: “Chiếc chuông này là vô giá, bao nhiêu tiền cũng không mua được!”.

Họ hỏi đến nguyện vọng của ông Chín. Ông chỉ tay vào chỗ chân bị hằn do buộc dây thép và xin cấp trên cho tiền xây một cái nhà và một số tiền để dưỡng lão. Đoàn cán bộ đã ghi nhận ý kiến ấy. Chuông quý được đưa đi và ông Chín cứ thấp thỏm mong chờ số phận thay đổi.

Gia đình ông vốn bám chặt với mảnh vườn nhỏ, nông nhàn thì làm thuê, ăn còn không đủ nói chi đến thay đổi căn nhà tuềnh toàng dột nát. Chừ cơ hội đã tới, vợ chồng con cái sắp mở mày mở mặt với lời hứa của cán bộ rồi đây…

Thấp thỏm trong gần hai tháng sau, ông được chính quyền mời ra trụ sở UBND xã. Sau sự đón tiếp cởi mở và lời khen ngợi, chúc mừng, vị cán bộ trao cho ông một tờ giấy khen của UBND tỉnh Hà Sơn Bình.

Trên giấy khen ghi rõ ông là người đã có thành tích gìn giữ vật báu của quốc gia, do đích thân chủ tịch UBND tỉnh ký. Chờ đợi một lúc khá lâu không thấy có thêm gì nữa, ông Chín hỏi: “Có thế này thôi hả?”.

Vị cán bộ trả lời trịnh trọng: “Vâng, chỉ có thế thôi, ngoài ra không có gì!”. Ông Chín thất thểu ra về. Một người bạn đồng niên an ủi ông, rằng: “Lời chào cao hơn mâm cỗ!”. Ông Chín cười gượng nhìn xuống cổ chân, sau hai tháng vết hằn do buộc dây thép vẫn còn in…

Cổ nhất Việt Nam

Chuông Thanh Mai đang là hiện vật của Bảo tàng Hà Nội, cao 60cm (thân 52cm và quai 8cm), đường kính miệng 39cm, nặng 36kg, được xác định đúc bằng khuôn hai mang. Quai chuông được cách điệu bởi một đôi rồng đấu lưng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hoà (cán bộ Bảo tàng Hà Nội), “hình tượng rồng này gợi nhớ đến hình tượng rồng được khắc trên bia Trường Xuân – Thanh Hoá, niên đại năm 618”.

Phần đỉnh thì một số loại hoa văn và hàng cánh sen nối tiếp. Phần thân được chia thành bốn khoang phân cách bởi ba gờ nổi song song, và chỗ giao giữa các gờ nổi tạo thành núm chuông.

Đặc biệt là bản minh văn được khắc trong tám ô chuông gồm 1.530 chữ Hán do Hội Tùy hỉ gồm cả người Việt lẫn người Hoa đúc vào ngày 20 tháng 3 năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 (798).

Nội dung minh văn có nhắc đến nhiều địa danh hành chính và các chức quan lại đương thời. Đây cũng là lần đầu tiên thấy xuất hiện đơn vị đo lường khối lượng của người Việt là “90 cân Nam”.

Điều này góp phần minh chứng chuông được đúc trên đất Việt và được lưu truyền, sử dụng trên đất Việt.

Năm 2004, chuông Thanh Mai được công nhận là 1 trong 10 kỷ lục của văn hoá Phật giáo Việt Nam với danh hiệu quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam.

Ngày 14-1-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 3 cho 12 hiện vật, và chuông Thanh Mai nằm trong danh mục này.

______________

 

THÁI LỘC