26/12/2024

Điều trị ung thư đại trực tràng

Với sự ứng dụng thiết bị nội soi thế hệ mới, bệnh nhân ung thư đại trực tràng vẫn được duy trì hoàn toàn chức năng tiêu hoá sau khi mổ lấy khối u ở vị trí thấp.

 

Điều trị ung thư đại trực tràng

Với sự ứng dụng thiết bị nội soi thế hệ mới, bệnh nhân ung thư đại trực tràng vẫn được duy trì hoàn toàn chức năng tiêu hoá sau khi mổ lấy khối u ở vị trí thấp.


 

 

 

Một ca phẫu thuật nội soi cắt u đại trực tràng  /// Ảnh: Thúy Anh

Một ca phẫu thuật nội soi cắt u đại trực tràng Ảnh: Thuý Anh

 

Tại Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), bệnh nhân nữ 39 tuổi vừa nhập viện trong tình trạng cảm giác bụng đầy trướng, đi ngoài thấy phân dính máu, có cảm giác đau quặn trước khi đại tiện. Qua thăm khám và nội soi trực tràng, bệnh nhân được phát hiện khối u trực tràng và có chỉ định phẫu thuật. “Do khối u cách khá xa rìa hậu môn (10 cm) nên chúng tôi thực hiện phẫu thuật nội soi lấy bỏ khối u và cắt bỏ một đoạn ruột đã bị khối u “ăn” vào, sau đó nối lại. Tất cả được thực hiện hoàn toàn bằng nội soi khá thuận lợi”, PGS-TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Bình Giang, rất nhiều trường hợp khối u đại trực tràng ác tính không ở vị trí thuận lợi như vậy. Mới đây nhất, bệnh nhân nữ 58 tuổi (ở Q.Đống Đa, Hà Nội) sau thời gian dài chung sống với khối u đại trực tràng thấp (cách rìa hậu môn 4 cm) đã phải nhập viện. Các phương pháp chẩn đoán đã xác định khối u nằm trong hốc nhỏ, ngay sát rìa hậu môn, khi cắt sẽ phải rộng hơn để lấy hết khối u nên đường mổ chỉ còn cách rìa hậu môn 2 cm.
Trước đây, với các khối u đại trực tràng cách rìa hậu môn 6 – 10 cm, sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và toàn bộ hậu môn, đóng hậu môn. Như vậy, bệnh nhân phải làm hậu môn nhân tạo, không thể tự chủ việc đại tiện, khiến cho chất lượng sống giảm sút rất nhiều sau phẫu thuật cắt u đại trực tràng thấp. Tuy nhiên, hiện tại, nhờ trang bị thiết bị nội soi hiện đại với phần “dao” cắt khối u có hình cong nhỏ, cho phép đi đến tận khối u ở vị trí trực tràng thấp nằm sâu trong hốc, sát với rìa hậu môn. Đây là hốc xương nhỏ gồm trực tràng và niệu đạo (ở nam giới) và trực tràng, tử cung, mặt sau âm đạo (nữ giới). Với thiết bị cắt cong, nhỏ gọn vừa “lọt” vào trong hốc sát hậu môn, phẫu thuật viên có thể thực hiện đường mổ ở vị trí rất thấp, sát rìa hậu môn, phẫu thuật lấy khối u đồng thời vẫn bảo tồn được hậu môn và nối với phần ruột ở phía trên khối u đã cắt bỏ, nhờ đó giúp giữ nguyên hậu môn và chức năng cơ hậu môn sau mổ.
Đặc biệt, PGS-TS Trần Bình Giang cho biết thiết bị này còn có hệ thống bơm chất ICG (là chất có khả năng tạo ánh sáng xanh, chỉ “ăn” vào các phần tăng sinh của khối u). Một ống kính đặc biệt gắn trên đầu thiết bị mổ nội soi sẽ “đọc” thấy phần ánh sáng này, qua đó giúp cho phẫu thuật viên phát hiện và lấy được hết phần khối u được bao phủ bởi lớp ánh sáng xanh. Thiết bị này cũng cho phép phẫu thuật viên nhìn thấy các mạch máu đã đi đến các đoạn ruột được nối lại sau khi cắt bỏ khối u, giúp cho phần ruột sau nối không bị hoại tử do thiếu mạch máu đưa máu đến nuôi dưỡng.
Với bệnh nhân 58 tuổi nói trên, ca phẫu thuật đã lấy được toàn bộ phần u ác tính, bảo tồn được hậu môn với nguyên vẹn chức năng. Bệnh nhân được mổ nội soi, chức năng tiêu hoá được giữ nguyên, không phải làm hậu môn nhân tạo.

 

Nam Sơn