VFS: Hãng phim to trên đất vàng nhưng giá… bèo
“Đăng thông tin đấu thầu một hãng phim to như vậy giá bèo như vậy trên đất vàng như vậy mà gần như có ai biết đâu, các đại gia điện ảnh còn không biết nữa là, khi biết là đã xong việc mua bán rồi”.
VFS: Hãng phim to trên đất vàng nhưng giá… bèo
“Đăng thông tin đấu thầu một hãng phim to như vậy giá bèo như vậy trên đất vàng như vậy mà gần như có ai biết đâu, các đại gia điện ảnh còn không biết nữa là, khi biết là đã xong việc mua bán rồi”.
Kho phim hơn 600 phim sau cổ phần hoá sẽ do ai khai thác? Trong ảnh: những bộ phim một thời làm nên tên tuổi VFS được Công ty Phương Nam bày bán ở đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM – Ảnh: C.K. |
Câu chuyện “Bán rẻ Hãng phim truyện VN?” nhận được khá nhiều phản ứng trái chiều từ bạn đọc. Tuổi Trẻ phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn – trưởng khoa luật Đại học Tôn Đức Thắng, người có nhiều năm theo dõi tình hình văn hoá VN – để rộng đường dư luận.
* Trong phần trả lời của ông Nguyễn Danh Thắng – phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso – đơn vị đã mua 65% cổ phần Hãng phim truyện VN - VFS để là cổ đông chiến lược), ông Thắng cho rằng giá trị thương hiệu của VFS bằng 0, theo ông có đúng không?
– Tôi cho rằng nếu nhìn nhận dưới góc độ của đơn vị không kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh thì giá trị thương hiệu của VFS bằng 0 là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từ góc độ giá trị thực tế, VFS không thể có giá trị thương hiệu bằng 0 bởi những lý do sau: Thương hiệu của một đơn vị vốn thuộc nhóm tài sản vô hình, được tính từ giá trị lao động thực tế, quan hệ kinh doanh, giá trị sản phẩm, sự yêu thích của người tiêu dùng… trong suốt thời gian tồn tại.
Từ góc độ của hoạt động điện ảnh, giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp điện ảnh thể hiện rõ qua các quan hệ đối với nghệ sĩ, tên tuổi của nghệ sĩ đang làm việc tại đơn vị, quan hệ với truyền thông, quan hệ với khách hàng…
Do đó, nếu khẳng định VFS có giá trị thương hiệu bằng 0 là sự phủ nhận toàn bộ những gì bao thế hệ nghệ sĩ đã gầy dựng trong thời gian qua.
Thương hiệu của một đơn vị đôi khi không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh hiện tại. Có nghĩa là có những đơn vị ở thời điểm bán doanh nghiệp, bán cổ phiếu đang trong tình trạng lỗ kéo dài và nghiêm trọng, nhưng giá trị thương hiệu vẫn được đánh giá ở mức cao.
Ngay trong lĩnh vực điện ảnh, chúng ta có thể thấy Megastar được mua bán với giá trị khá cao vào những năm 2008 – 2009 mặc dù đang kinh doanh lỗ bởi thương hiệu của họ đã và đang định hình trên thị trường VN.
Do đó, nếu định giá thương hiệu bằng 0 cho VFS chỉ dựa vào kết quả kinh doanh là điều chưa thuyết phục. Người mua không có lỗi trong việc định giá này bởi họ không hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nên họ có thể chưa định giá và chưa trân trọng những gì VFS đã và đang có.
Nhưng ngay cả lãnh đạo của VFS cũng cho rằng giá trị thương hiệu của mình bằng 0 thì quả là điều bất thường. Hiếm khi nào chúng tôi thấy những doanh nghiệp có bề dày hoạt động, có uy tín trong ngành lại khẳng định mình có giá trị thương hiệu bằng 0.
“Trên thực tế, nguyên tắc quản trị của một công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp, một cổ đông hay nhóm cổ đông đã sở hữu từ 65% tổng số cổ phần đã đủ để chi phối công ty đó rồi. Do đó, tôi e rằng quan điểm “sẽ giám sát” của Bộ VH-TT&DL chỉ là sự trấn an dư luận |
|
TS Nguyễn Ngọc Sơn |
* Lợi thế được công bố của VFS khi chào bán là rất nhiều đất đai ở Hà Nội cũng như TP.HCM, vậy cái giá 20 tỉ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của VFS mà Vivaso trả có là rẻ quá?
– Theo nghị định 59/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bằng nghị định 189/2013/NĐ-CP), giá trị đất là một trong những cơ sở để xác định giá trị doanh nghiệp.
“Đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, văn phòng giao dịch; xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối (kể cả đất đã được Nhà nước giao có thu hoặc không thu tiền sử dụng đất) thì doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Đọc trong bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VFS, chúng tôi không thấy đơn vị này xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Như vậy, nếu tôi không nhầm thì giá trị đất đã bị “bỏ quên” khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Việc được Nhà nước giao đất bằng bất kỳ hình thức nào vẫn phải được định giá quyền sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp.
Giá trị quyền sử dụng đất được xác định bằng vị trí khu đất, diện tích khu đất, thời hạn còn lại của quyền sử dụng đất, hình thức giao đất. Giá trị quyền sử dụng đất không chỉ tính từ tiền thuê đất hay từ bất kỳ giá trị nào mà doanh nghiệp phải trả cho Nhà nước mà cần đánh giá tổng thể từ rất nhiều yếu tố liên quan đến khu đất.
Việc xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và phương án này phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cần được thực hiện trước khi cổ phần hóa. Chỉ có thế mới có thể xác định chính xác giá trị doanh nghiệp.
Tôi có theo dõi một số câu trả lời của ông phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ VH-TT&DL thì dường như giá trị sử dụng đất chưa được xem xét đến khi định giá doanh nghiệp, thậm chí có khu đất chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng sau khi cổ phần hóa (khu đất Thuỵ Khuê).
Từ những cơ sở pháp lý trên, tôi cho rằng một khi giá trị đất chưa được tính thoả đáng trong giá trị doanh nghiệp thì số tiền 20 tỉ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của VFS quả thật là đáng nghi ngại về mặt giá trị, chưa phải là giá trị đúng của phần vốn đã bán.
Phim Chị Tư Hậu do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962. - Ảnh: C.K. |
* Nhiều ý kiến cho rằng thời gian công bố thông tin đấu giá quá gấp (11 ngày) rồi chỉ có một nhà đầu tư chiến lược là Vivaso nên Vivaso đương nhiên trúng thầu, ông nhìn nhận ra sao về chuyện này? Có hợp pháp luật không?
– Rất tiếc là pháp luật hiện hành không quy định về thời hạn cụ thể cho từng giai đoạn trong quá trình cổ phần hoá. Điều 41 nghị định 59/2011/NĐ-CP chỉ quy định: Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần (kể cả bán cổ phần theo phương thức bảo lãnh phát hành và bán thoả thuận trực tiếp).
Do đó, nếu dựa vào con số 11 ngày để khẳng định việc bán cổ phần cho Vivaso là hợp pháp hay không thì tôi có thể trả lời rằng thời hạn này không trái pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật quy định rõ về phương thức chào bán, bao gồm phương thức thỏa thuận trực tiếp, phương thức đấu thầu công khai…
Vấn đề cần làm rõ là việc bán cổ phần này được thực hiện theo phương thức nào, đối tượng mua có được áp dụng theo đúng phương thức đó không? Tôi chưa thể trả lời về vấn đề này do chưa rõ thông tin về phương thức chào bán mà ban chỉ đạo cổ phần hóa đã thực hiện.
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ mục đích cổ phần hoá, nhất là với VFS, tôi hiểu rằng việc cổ phần hoá VFS là bước đi cần thiết không chỉ do chính sách chung của Nhà nước trong việc cổ phần hoá các doanh nghiệp có vốn nhà nước mà còn nhằm tìm kiếm phương thức vận hành hiệu quả, tìm kiếm cách thức quản trị đem lại giá trị kinh tế tốt nhất.
Do đó, việc bán cổ phần và chọn lựa cổ đông chiến lược để cổ đông này có thể “vực lại” hoạt động, đem lại hiệu quả kinh tế là vấn đề trọng yếu. Chọn lựa một cổ đông chiến lược đang ở tình trạng (1) chưa từng có kinh nghiệm hoạt động và quản trị trong lĩnh vực điện ảnh (một lĩnh vực đặc thù hơn rất nhiều so với quản trị đội bóng); và (2) đang thua lỗ ngay trong lĩnh vực họ có nghề, có kinh nghiệm thì quả là sự chọn lựa mạo hiểm.
Chấn hưng điện ảnh? Liên lạc với đạo diễn Đặng Nhật Minh – một “cựu binh” của VFS mà những tác phẩm của ông là niềm tự hào của VFS như Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông, Thị xã trong tầm tay…, ông bảo: “Tôi về hưu lâu rồi, cũng chẳng được ai hỏi ý kiến khi người ta rao bán hãng, giờ nói gì cũng muộn, mà người ta lại bảo sao tự nhiên ông xông ra nói. Thôi tôi không nói nữa!”. Nghệ sĩ Hồng Ánh – một diễn viên khá gắn bó với VFS khi vào vai chính một số phim của hãng như Đời cát, Tâm hồn mẹ… thì ưu tư: “Cổ phần hoá để thay đổi cơ cấu tốt hơn thì mừng nhưng chắc không? Tài sản nhà nước thì bán rẻ mạt như cho không, không thông tin rộng rãi. Cổ đông chỉ việc cho thuê lại khu đất vàng ấy xây cao ốc cho thuê, không làm gì cũng đủ sướng. Rồi sở hữu kho phim đồ sộ gồm hơn 600 tác phẩm phim vang bóng một thời, bán nội dung khai thác thôi là có khi đã đủ số tiền mua VFS rồi. Tồn tại như cũ cũng chết nhưng như thế này… gọi là chấn hưng điện ảnh ư? Đăng thông tin đấu thầu một hãng phim to như vậy giá bèo như vậy trên đất vàng như vậy mà gần như có ai biết đâu, các đại gia điện ảnh còn không biết nữa là, khi biết là đã xong việc mua bán rồi”. |