Nguy cơ núi thiêng của Triều Tiên bùng nổ
Các chuyên gia CHDCND Triều Tiên và phương Tây vừa hợp lực đánh giá núi lửa khổng lồ ở phía bắc bán đảo Triều Tiên, và phát hiện nó có thể khai hoả trong tương lai gần.
Nguy cơ núi thiêng của Triều Tiên bùng nổ
Các chuyên gia CHDCND Triều Tiên và phương Tây vừa hợp lực đánh giá núi lửa khổng lồ ở phía bắc bán đảo Triều Tiên, và phát hiện nó có thể khai hoả trong tương lai gần.
Ngọn núi được nghiên cứu có tên là Paektu (Bạch Đầu) theo tiếng Triều Tiên, trong khi Trung Quốc gọi là Trường Bạch sơn, do nó nằm ở biên giới hai nước. Với chiều cao 2.744 m, núi Bạch Đầu cũng là đỉnh cao nhất thuộc dãy Trường Bạch ở phía bắc và dãy Bạch Đầu Đại Cán ở phía nam. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và vùng Mãn Châu.
Dữ dội nhất trong lịch sử
Theo tính toán của các chuyên gia, vụ bùng nổ núi lửa tại Bạch Đầu có thể là một trong những đợt phun trào dữ dội nhất và lớn nhất trong lịch sử loài người. Để rút ra kết luận trên, đội ngũ nghiên cứu bao gồm các nhà địa chấn học đến từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và phương Tây, đã dựa trên dữ liệu thu được từ 6 thiết bị đo đạc địa chấn đặt tại núi lửa này.
Cấu trúc của núi Bạch Đầu chưa từng được phân tích trước đây, và phát hiện mới đã được công bố trên chuyên san Science Advances. Chính quyền Bình Nhưỡng đã mời các nhà địa chấn học Trung Quốc và Anh đến nghiên cứu khu vực núi lửa, sau khi các nguồn tin địa phương cho hay ngọn núi này rung chuyển nhẹ vài lần từ năm 2005 – 2015.
Theo dòng lịch sử, đỉnh Bạch Đầu luôn được tôn sùng là nơi linh thiêng của Triều Tiên, xuất hiện trên huy hiệu của nước này. Người CHDCND Triều Tiên xem nơi đây là cội nguồn của kinh đô Triều Tiên đời đầu. Ở phía bên kia thuộc Trung Quốc, có hẳn một công viên quốc gia được thành lập tại đây và trở thành địa điểm du lịch phổ biến của dân phượt lẫn các nhà leo núi.
Hậu quả khôn lường
Lần cuối cùng núi Bạch Đầu phun lửa là vào năm 946, với tro bụi lan đến tận Nhật Bản. Dựa trên Chỉ số bùng nổ núi lửa, ngọn núi được đánh giá ở mức 7, trong khi mức 8 thuộc về các đợt phun trào của siêu núi lửa có thể gây tai hoạ cho toàn cầu.
Trong một bài báo đăng trên tờ The Christian Science Monitor, đồng trưởng nhóm James Hammond của Đại học London (Anh) cho hay nếu muốn tìm hiểu một núi lửa, cần phải nhìn nhận nó theo mọi hướng, và đây cũng là lần đầu tiên các chuyên gia quan sát được núi lửa trên lãnh thổ Triều Tiên.
Còn theo tạp chí National Geographic, trong hai năm các thiết bị đo địa chấn ghi nhận được đợt rung lắc nhẹ của các trận động đất trên toàn thế giới. Khi sóng địa chấn nảy xung quanh lõi của quả đất, hành tinh rung lên như chuông. Và trong quá trình di chuyển xuyên qua trái đất, tốc độ của sóng địa chấn dao động tuỳ thuộc vào loại đất đá mà chúng đi qua.
Dựa trên kết quả thu thập được, nhà địa chấn học Stephen Grand của Đại học Texas (Mỹ) nhận định rằng nhiều khả năng xảy ra một đợt phun trào ở tầm hủy diệt ở núi Bạch Đầu. Các chuyên gia vẫn chưa xác định được thời điểm ngọn núi sẽ thực sự bùng nổ, nhưng nếu xảy ra, nó sẽ hết sức nghiêm trọng, gây tổn thất nặng nề cho hành tinh và các nền văn minh của con người.
Hạo Nhiên