01/11/2024

Chủ tịch UBND TP.HCM: “Nhiều cán bộ không biết xót tiền dân”

“TP.HCM chúng ta lẽ ra phải năng động, phải sáng tạo và mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính. Nhưng có những lĩnh vực chúng ta đứng yên một chỗ, có những cái ta còn tụt sâu”.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM: “Nhiều cán bộ không biết xót tiền dân”

 

“TP.HCM chúng ta lẽ ra phải năng động, phải sáng tạo và mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính. Nhưng có những lĩnh vực chúng ta đứng yên một chỗ, có những cái ta còn tụt sâu”.

 

 

 

 

Chủ tịch UBND TP.HCM: “Nhiều cán bộ không biết xót tiền dân”
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ngày 28-4 – Ảnh: Mai Hương

Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nhìn nhận như vậy tại cuộc họp về tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội TP diễn ra ngày 28-4.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, đó là một thực tế rất nhức nhối mà bất cứ người đứng đầu ở sở ngành, quận huyện nào cũng phải quyết tâm tìm ra giải pháp thật sự để cải thiện.

Nhiều chỉ số bị “rớt hạng thảm hại”

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong mở đầu bằng những con số. Ông nói có 5/6 chỉ tiêu trong chỉ số đo lường hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 của TP.HCM tụt hạng.

Cụ thể, các chỉ tiêu bị “rớt hạng” là sự tham gia của người dân với chính quyền cấp cơ sở, tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng ở khu vực công. Kết quả là chỉ số PAPI của TP phải đứng hạng 47/63 tỉnh thành trong cả nước.

Nhìn sang chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, ông Phong cho biết tình hình cũng không khá hơn. Nếu như năm 2014 TP xếp hạng 4 thì năm 2015 rớt xuống hạng 6.

Theo ông Phong, các chỉ số quan trọng lại rớt hạng thảm hại nhất, chẳng hạn như tính công khai minh bạch từ xếp thứ 4 rớt xuống thứ 17, chỉ số về chi phí không chính thức từ thứ 42 rớt xuống 54.

Ông Phong cho hay Sở Kế hoạch – đầu tư TP đã đề xuất UBND TP một số giải pháp để cải thiện thứ hạng nhưng thường trực UBND TP cho rằng những giải pháp đó còn mang tính chung chung. Ông muốn các đơn vị phải biết trăn trở, bức xúc trước thực tế này và hiến kế giải pháp cụ thể.

Làm được nhiều việc nhưng dân chưa hài lòng

Phát biểu về đề tài Chủ tịch UBND TP vừa gợi mở, ông Lê Trương Hải Hiếu – chủ tịch UBND Q.12 – cho rằng năng lực và hiệu quả xử lý công việc, phục vụ nhân dân của cán bộ lãnh đạo TP.HCM không thấp hơn các tỉnh thành khác.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung cũng cung cấp thêm thông tin là trong một số khảo sát, số phiếu phát ra cho người dân TP là khá ít, điều đó khiến kết quả khảo sát không phản ánh hết thực tế.

Bày tỏ quan điểm về chuyện này, ông Võ Văn Hoan – chánh Văn phòng UBND TP – nói: “Có thể số người được lấy ý kiến còn ít, câu hỏi còn khó hiểu, có thể người tham gia trả lời cũng không phải người trực tiếp đi làm thủ tục, nhưng họ vẫn có thể lắng nghe, nhìn thấy những hiện tượng xung quanh, thấy chuyện chạy phí, chạy trường, chạy bệnh viện… đang diễn ra nhiều nơi và rút ra đánh giá của mình”.

Theo ông Hoan, TP có nhiều nỗ lực trong công khai, minh bạch các thủ tục. Tuy nhiên, khi trả lời với cơ quan đánh giá thì người dân và doanh nghiệp phần lớn đều cho là TP làm chưa tốt.

“Rõ ràng là TP làm được rất nhiều việc nhưng người dân vẫn chưa hài lòng. Như vậy phải xem lại trong bộ máy của từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ của ta, đặc biệt là cán bộ ở cấp cơ sở, đã quen với cách làm việc kiểu xin – cho.

Dân xin gì thì cho nấy, hỏi gì đáp nấy, trong khi lẽ ra cán bộ phải chủ động tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình cái mà dân đang cần”.

Ông Hoan đề nghị nội bộ từng cơ quan phải nghiêm túc nhìn lại, tránh chuyện chỗ nào cũng có quyền nhưng không nơi nào có trách nhiệm.

Chủ tịch UBND TP.HCM: “Nhiều cán bộ không biết xót tiền dân”
Chiều 28-4, chị Lê Thị Huyền Trân (ở đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân, TP.HCM) san đất để giảm khoảng cách giữa nhà và đường. Đây là lần thứ ba nhà chị phải bỏ tiền mua đất để nâng nền theo mặt đường. Bao giờ thì dân mới hết khổ vì chuyện này? – Ảnh: Quang Định

Phải biết nóng lòng với sự phát triển của TP

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết ông cảm thấy không hài lòng khi nhiều việc liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân, đích thân ông đã chỉ đạo nhưng các sở ngành vẫn kéo dài cả tháng trời không thực hiện.

“Tôi không hiểu các đơn vị cứ viện lý do phải chờ nghiên cứu là nghiên cứu cái gì. Trong khi nhiều việc rất đơn giản, nhiều khâu trong cải cách hành chính không cần phải tốn tiền mới thực hiện được mà do cán bộ cứ ậm ừ, trù trừ” – ông Phong bức xúc.

Ông Phong cũng nêu thực trạng hiện nay một số sở ngành kéo dài việc giải quyết hồ sơ cho dân, khi dân lên thì lại hạch sách đủ thứ. Dân nóng lòng muốn giải quyết nhanh còn cán bộ thì đủng đỉnh, từ từ.

Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ngành, quận huyện phải biết đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, biết nôn nóng trước đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp và nóng lòng cho sự phát triển của TP.

Theo ông Phong, nhiều việc chậm trễ gây lãng phí rất lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân.

“Có những việc mà mỗi một ngày chậm trễ là mất không ít tiền. Tiền đó là của dân. Tôi có cảm giác nhiều cán bộ không biết xót tiền của dân nên cứ từ từ, đủng đỉnh. Trong nội bộ với nhau mà chúng ta còn hành xử như thế, huống chi với người dân và doanh nghiệp thì còn đến mức nào?” – ông Phong trăn trở.

Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo: “Doanh nghiệp, người dân nóng lòng trông chờ được giải quyết từng ngày để tập trung làm ăn. Dù giải quyết được hay không, các đơn vị phải trả lời trong vòng 7 ngày”.

Ông Phong cũng yêu cầu các giám đốc sở ngành, lãnh đạo các quận huyện phải sâu sát, trực tiếp chỉ đạo.

“Đừng khoán trắng cho các phòng ban và bộ phận tham mưu, các anh hãy đi sâu đi sát cho người dân và doanh nghiệp được nhờ” – ông Phong quyết liệt.

* Ông Lê Hoài Trung (phó giám đốc Sở Nội vụ TP):

Nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu

Tôi cho rằng điều Chủ tịch UBND TP muốn nhấn mạnh chính là trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu mỗi địa phương, đơn vị là người chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc hoàn thành các phần việc thuộc phạm vi của đơn vị mình.

Muốn công việc trôi chảy, phục vụ tốt cho người dân thì phải có kiểm tra, giám sát. Nơi nào khoán trắng cho cấp dưới mà không quan tâm, gây chậm trễ, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp thì người đứng đầu phải bị xử lý.

* Ông Nguyễn Trung Thông (nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):

Thực tế còn nhiều điều bức xúc

Vài năm trở lại đây, việc cải cách hành chính của TP.HCM có phần chựng lại, thậm chí có bước thụt lùi. Nhiều lĩnh vực trước đây các tỉnh bạn còn phải về TP học tập thì nay họ đã vượt mặt chúng ta.

Nhiều năm rồi, TP vẫn còn nặng về việc nghe các báo cáo từ cơ sở. Những chỉ số đẹp như: tỉ lệ đúng hẹn 98-99%, tỉ lệ hài lòng trên 90%… không hiếm ở cấp cơ sở. Cơ sở báo cáo lên cấp trên, cấp trên báo cáo lên cấp trên nữa… những con số đẹp nhưng không biết nói, không phản ánh đúng thực tế.

Công khai của ta là kiểu công khai hình thức – dán cả xấp giấy dày ở trụ sở UBND phường xã rồi để bụi bám mà chả ai đọc.

Nói là đã công khai trên mạng nhưng đâu phải người dân nào cũng có điều kiện xem. Rồi kiểm tra giám sát cũng hình thức – kiểu tổ chức một đoàn về họp, nghe báo cáo rồi vỗ tay về. Cách làm như vậy rất 
khó để có chuyển biến.

Tôi cho rằng muốn cải thiện tình hình, lãnh đạo TP phải chỉ đạo thật quyết liệt, cụ thể, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, nhiều nơi hiện vẫn có thói quen đẩy những người làm không được việc ở các bộ phận về làm công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính.

Đây là một sai lầm. Cán bộ làm việc liên quan đến giao tiếp với dân, giải quyết thủ tục cho dân càng phải chọn người giỏi, có kinh nghiệm, có chuyên môn vững.

M.HƯƠNG ghi

Rà soát các vụ án

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế, xã hội, trả lời câu hỏi của PV Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Hoan, chánh Văn phòng UBND TP, cho biết Công an TP đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các vụ việc tại các quận huyện, đặc biệt là những vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Nếu phát hiện sai phạm sẽ kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh. Nếu phát hiện oan sai thì phải xin lỗi, bồi thường, công khai cho dân biết.

M.H.

MAI HƯƠNG ([email protected])