25/12/2024

Tượng Pieta – một lời xin lỗi Việt Nam của người Hàn

Chiều 27-4, Quỹ hòa bình Hàn – Việt tổ chức họp báo ra mắt bức tượng Pieta Việt Nam tại Seoul, đồng thời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có thái độ trách nhiệm đối với vấn đề chiến tranh Việt Nam.

 

Tượng Pieta – một lời xin lỗi Việt Nam của người Hàn

 

Chiều 27-4, Quỹ hòa bình Hàn – Việt tổ chức họp báo ra mắt bức tượng Pieta Việt Nam tại Seoul, đồng thời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có thái độ trách nhiệm đối với vấn đề chiến tranh Việt Nam.

 

 

 

 

Tượng Pieta - một lời xin lỗi Việt Nam của người Hàn
Bức tượng Pieta Việt Nam được Quỹ hoà bình Hàn – Việt vận động kinh phí từ người dân Hàn Quốc để đúc đồng, dự kiến đặt tượng đầu tiên ở đảo Jeju (Hàn Quốc) và nhiều nơi khác – Ảnh: Quỹ hoà bình Hàn – Việt

Khi mà càng ngày quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Hàn Quốc càng tăng thì thiết nghĩ việc biết ăn năn hối cải trước vấn đề chiến tranh Việt Nam là một vấn đề không thể đẩy lùi lâu hơn được nữa

GS Roh Hwa Wook (chủ tịch Quỹ hoà bình Hàn – Việt)

 

 

Tượng Pieta Việt Nam là tác phẩm được sáng tác nhằm an ủi cho linh hồn của những người mẹ đã nằm xuống và những đứa trẻ vô danh mới chào đời chưa kịp đặt tên, đã chết trong những cuộc thảm sát của quân đội Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam.

Đó là hình ảnh một người phụ nữ đang ôm vào lòng đứa con bé bỏng, thơ dại. Mắt khép hờ như sắp chìm vào giấc ngủ, đứa bé đang nắm tròn hai bàn tay mềm yếu và nhỏ bé hơn rất nhiều so với cái đầu của mình.

Trông không khác gì với hình ảnh của một đứa trẻ sơ sinh còn chưa kịp đặt tên. Tay mềm mại đỡ lấy đầu đứa con, vẻ mặt người phụ nữ trông vừa như yên bình lại vừa như buồn lặng. Tên chính thức của tác phẩm này là Pieta Việt Nam, tên tiếng Việt là Lời ru cuối cùng. Trong tiếng Ý, “pieta” có nghĩa là “nỗi buồn”, “bi thương”.

Tác phẩm này được Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung phác thảo. Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung cũng là tác giả của tượng Thiếu nữ hoà bình - tác phẩm tưởng nhớ đến những nạn nhân với tuổi thanh xuân bị giày xéo nát tan khi bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến thứ hai.

Tượng Pieta có tỉ lệ chiều rộng, chiều sâu đều là 70cm, chiều cao 150cm, trọng lượng gần 150kg, đúc bằng chất liệu đồng. Chỉ riêng phần chân đá để tôn bức tượng cũng có trọng lượng xấp xỉ 450kg.

Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hoà bình Hàn – Việt có kế hoạch xây dựng tượng này ở cả hai phía Hàn Quốc và Việt Nam trong năm nay, nhân dịp lễ tưởng niệm 50 năm xảy ra thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam. Hiện quỹ đang tổ chức vận động kêu gọi quyên góp từ xã hội, bao gồm cả hoạt động giáo dục hòa bình, để hỗ trợ cho việc chế tác và dựng tượng.

Qua nhiều lần sang thăm Việt Nam, được nghe những câu chuyện về rất nhiều trẻ thơ miệng còn thơm mùi sữa đã phải chết dưới tay quân đội Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam, đau đớn ruột gan khi tưởng tượng đến những tiếng kêu và hình ảnh kinh hoàng đó, Kim Seo Kyung – Kim Eun Sung đã quyết định thực hiện một bức điêu khắc dành cho những số phận này. Những đứa trẻ sơ sinh còn chưa kịp được đặt tên, những đứa trẻ vô danh.

Những đứa trẻ còn chưa kịp biết về một bầu trời xanh ngăn ngắt, về giọt sương trong suốt long lanh có trên thế giới này đã phải đón nhận cái chết trong súng đạn mịt mù, trong đau đớn khôn cùng với một tấm thân nhỏ bé, vô hại.

Pieta Việt Nam là giải pháp mà vợ chồng nghệ sĩ này đã lựa chọn để ủi an, cầu nguyện cho những linh hồn này và cũng là để ngân lên một khúc hát ru cuối cùng vỗ về cho linh hồn những đứa trẻ được ngủ thật sâu, thật ngoan ở một thế giới bình yên, không còn đau đớn.

Và dĩ nhiên, tác phẩm cũng truyền tải thông điệp về một lời xin lỗi, sự ăn năn hối cải chân thành đến những thường dân Việt Nam mà cho đến nay Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thực hiện được.

Người phụ nữ đang ôm đứa trẻ vừa hiện thân như một người mẹ hiến tặng cho đời một sinh mệnh thiêng liêng, nhưng cuối cùng đã đánh mất đi đứa con yêu quý giữa phong ba bão táp cuộc đời, và cũng là người mẹ xả thân để cứu sống sinh linh nhỏ bé – như người mẹ ôm con vào lòng, cứu sống sinh mệnh của đứa con 6 tháng tuổi ở Đoàn Nghĩa, xã Bình Hoà, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam vào tháng 12-1966.

Một tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ sẽ không thể làm thay đổi thế giới. Thế nhưng, nhiều tác phẩm nghệ thuật cùng nhau sẽ tạo ra sức mạnh vượt qua lý tính để cảm hoá lòng người.

Tác phẩm Pieta Việt Nam được sáng tác vì một tương lai hoà bình của Việt Nam và Hàn Quốc, một lần nữa lại gọi cho chúng ta nghe tên của bao nhiêu sinh mệnh chưa kịp thốt nên lời đã bị cuốn phăng đi trong vòng xoáy tàn bạo của lịch sử.

Để cùng nhau 
nói hai tiếng “hoà bình”

* Tôi là Nguyễn Ngọc Tuyền, một du học sinh đến từ Đà Nẵng, một thành phố ở miền Trung Việt Nam. Tôi sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc gần được 10 năm.

Thuộc thế hệ hậu chiến, thế nhưng tôi vẫn biết khá nhiều về chiến tranh. Đó là vì chiến tranh Việt Nam vẫn luôn là “chiến tranh” của bà tôi, ông tôi, má tôi, ba tôi, của tất cả mọi người quanh tôi.

Sinh năm 1956, má tôi đã sống trọn gần 20 năm cùng với chiến tranh. Và má kể cho tôi nghe về những giờ phút run rẩy, chết lặng dưới hầm mỗi khi lính Mỹ hay lính Đại Hàn bắt đầu trận càn.

Rồi chiến tranh khủng khiếp ra sao đối với những đứa con gái mới lớn, những đứa trẻ ngây thơ đã phải chết, hoặc đã sống sót như thế nào giữa lòng cuộc chiến. Và má vẫn luôn kết lại câu chuyện của mình như thế này:

“Cho đến giờ, những ký ức kinh hoàng về chiến tranh vẫn giày vò má trong mỗi cơn mơ. Má sợ lắm”.

Rồi khoảng hai, ba năm về trước. Một ngày, má tôi bỗng nói rằng bây giờ má ngủ mơ bình yên lại rồi, trong mơ má không còn thấy chiến tranh nữa. Thế nhưng, trên đất nước Việt Nam còn nhiều người vẫn phải vật vã với những cơn ác mộng chiến tranh như thế.

Vì một mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc tốt đẹp hơn trong tương lai, hôm nay tôi cần phải ghi nhớ chính xác và đúng đắn về những ký ức chiến tranh xảy ra ngày trước. Tôi mong rằng thanh niên hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thể cùng vượt qua ký ức chiến tranh để nói về “hoà bình”, cùng chung tay vẽ nên bức “hoà bình”.

Trích thư của thanh niên VN Nguyễn Ngọc Tuyền

* Tôi là Lee Kil Bora, một người viết văn và làm phim tài liệu. Tôi sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc được 17 năm. Khi tôi nói rằng tôi sẽ làm phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, một ai đó đã hỏi tôi: Mày có biết gì về chiến tranh cơ chứ?

Ông của tôi từng là một người lính tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Ông tôi từ lâu nay đã mắc bệnh ung thư phổi và ung thư khoang miệng do bị nhiễm chất độc da cam. Sau vài lần trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn, cuối cùng ông cũng đã ra đi.

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Ông tôi cũng đã ra đi. Nhưng ở Việt Nam vẫn còn đó những nạn nhân chiến tranh. Ở Hàn Quốc, vẫn còn đó những nạn nhân chất độc da cam. Trước khi nói thành lời mấy tiếng “Xin lỗi, Việt Nam!”, tôi muốn được nhìn cho thấu rõ cuộc chiến tranh này là gì, đã có những sự việc gì, những bạo lực quốc gia gì đã xảy ra tại nơi đó? Điều mà những bạn trẻ tôi được gặp ở Việt Nam, cũng như tôi, thế hệ thứ 3 sau chiến tranh Việt Nam, muốn biết chính là điều này.

Chúng tôi cần phải thảo luận xem bản thân mình phải làm gì trước những ký ức đó. Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào chúng tôi có thể hiểu và nói một cách chính xác về ký ức chiến tranh, khi đó chúng tôi mới có thể nói lên được lời xin lỗi, mới có thể cùng nhau nói đến hai tiếng “hoà bình”.

Trích thư của thanh niên
Hàn Quốc Lee Kil Bora

Người Hàn Quốc lên tiếng đòi công bằng 
cho nạn nhân chiến tranh Việt Nam

Uỷ ban xúc tiến thành lập Quỹ h bình Hàn – Việt tại Hàn Quốc thông báo sẽ tổ chức một sự kiện ở Hội quán Francisco, thành phố Seoul, vào ngày 27-4 với mục đích cầu nguyện h bình cho Việt Nam và Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30-4). Nội dung của sự kiện được nêu rất rõ trong khẩu hiệu là “Vì lời xin lỗi cho Việt Nam, vì chính nghĩa cho thế hệ tương lai, vì hòa bình cho châu Á!”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Kwon Hyun Woo, thư ký Uỷ ban xúc tiến thành lập Quỹ hoà bình Hàn – Việt, cho biết tại sự kiện này uỷ ban sẽ đọc bản tuyên bố yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc có một thái độ trách nhiệm đối với các tội ác do binh lính Đại Hàn gây ra trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Những sự kiện này vốn bị quên lãng một thời gian dài và chỉ được truyền thông Hàn Quốc công bố vào đầu những năm 2000 qua lời kể của các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam.

Từ đó đến nay, nhiều cá nhân và tổ chức yêu chuộng h bình tại Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi một lời xin lỗi chính thức gửi đến nhân dân Việt Nam, bên cạnh đó là quyên góp khắc phục hậu quả chiến tranh ở những nơi từng xảy ra các vụ thảm sát như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Anh Kwon Hyun Woo nhận định có thể sẽ cần một thời gian để Chính phủ Hàn Quốc có một hành động cụ thể.

“Hiện nay xã hội Hàn Quốc đã khác ngày xưa, một số tờ báo có khuynh hướng bảo thủ cũng đã đề cập đến cuộc chiến Việt Nam nên khả năng có hành động trong tương lai là hoàn toàn có thể” – anh Woo giải thích.

Được vận động thành lập từ ngày 14-9-2015, Quỹ h bình Hàn – Việt ban đầu bao gồm 68 nhân sĩ, trí thức Hàn Quốc là các giáo sư, đạo diễn, linh mục, thiền sư… có chung mục đích là cùng xây dựng một tổ chức hoà bình bằng những kinh nghiệm rút ra từ chiến tranh Việt Nam.

Những hoạt động của quỹ bao gồm nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh mà Hàn Quốc và Việt Nam đã chịu đựng; thực hiện giáo dục hoà bình cho thế hệ tương lai với thế giới quan lịch sử đúng đắn; hoạt động nghiên cứu, xuất bản, lưu trữ liên quan đến chiến tranh Việt Nam; thúc đẩy h bình – hoà giải – hợp tác thông qua hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật Hàn – Việt; làm rõ sự thật về chiến tranh Việt Nam và hỗ trợ nạn nhân chiến tranh…

Ngày 26-2-2016, việc chủ tịch quỹ là giáo sư Roh Hwa Wook đến tham dự buổi lễ tưởng niệm thường dân Việt Nam bị binh lính Đại Hàn thảm sát trong chiến tranh tại tỉnh Bình Định và dập đầu xin lỗi đã thu hút sự chú ý đáng kể của công luận.

Nhắc lại vấn đề trách nhiệm của Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam, giáo sư Roh Hwa Wook một lần nữa nhấn mạnh: “Khi mà càng ngày quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Hàn Quốc càng tăng thì thiết nghĩ việc biết ăn năn hối cải trước vấn đề chiến tranh Việt Nam là một vấn đề không thể đẩy lùi lâu hơn được nữa”.

MINH TRUNG – Q.THI

KU SU JEONG