23/12/2024

Khi quyền uy lấn át học thuật

Do thiếu môi trường học thuật lành mạnh nên nhiều luận án tiến sĩ kém chất lượng vẫn bảo vệ thành công, đặc biệt ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn – lĩnh vực mà khả năng hội nhập quốc tế còn rất kém.

 

Không thể ‘bình dân hoá‘ luận án tiến sĩ: Khi quyền uy lấn át học thuật

Do thiếu môi trường học thuật lành mạnh nên nhiều luận án tiến sĩ kém chất lượng vẫn bảo vệ thành công, đặc biệt ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn – lĩnh vực mà khả năng hội nhập quốc tế còn rất kém.

 

 

Không thể 'bình dân hóa' luận án tiến sĩ: Khi quyền uy lấn át học thuật

“Thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quan hệ…”

Theo một giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chất lượng đào tạo tiến sĩ ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) hiện nay chịu tác động ghê gớm từ môi trường học thuật “chật hẹp”. “So sánh với quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ của ta với một số nước trong khu vực thì thấy ở ta quy định như thế là khá chặt chẽ. Nhưng chặt lại thành hở vì việc bảo vệ thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ giữa thầy và trò nên quy trình chỉ là hình thức. Nền KHXH của ta còn mỏng, tinh thần học thuật chưa cao, trong giới lại quen biết nhau hết nên rất dễ đụng chạm. Ngay cả người phản biện kín nhiều khi cũng không dám mạnh tay vì biết đâu lại động phải trò của thầy hoặc bạn mình”, giảng viên này cho biết.

PGS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng phàn nàn trong quá trình bà tham gia phản biện hoặc ở trong các hội đồng bảo vệ luận án, khi có góp ý mạnh mẽ về một công trình kém chất lượng thì thường được nhận lời góp ý gần xa của các đồng nghiệp là sao khắt khe thế! Thậm chí, có lần bà tham gia phản biện kín một luận án tiến sĩ và nhận xét không đồng ý thông qua. Về sau, khi trở thành đồng nghiệp của nhau, trong một lần gặp gỡ và trao đổi công việc, nghiên cứu sinh tỏ ý trách “hồi ấy cô đã không ủng hộ em”.

Không thể 'bình dân hóa' luận án tiến sĩ: Khi quyền uy lấn át học thuật - ảnh 2

Không thể “bình dân hoá” luận án tiến sĩ

 

Việc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội gây xôn xao dư luận, một lần nữa lại rộ lên mối băn khoăn lâu nay: Thế nào là một đề tài xứng tầm luận án tiến sĩ?

Bà Bình tâm sự: “Tôi buồn cho nền nghiên cứu của nước mình thiếu tinh thần học thuật, đã đẻ ra một cái quy trình tưởng rất chặt chẽ nhưng hoá ra lỏng lẻo, tưởng kín nhưng lại… hở”.

Về vấn đề này, một nghiên cứu sinh ngành lịch sử cũng than phiền: “Kín nhưng ai cũng biết cả, thậm chí trước khi bảo vệ còn biết cả câu hỏi phản biện. Ở nước ngoài, danh dự người thầy rất lớn, nên dù quyền uy của họ rất lớn nhưng họ rất có ý thức tiết chế để đặt tiêu chí khoa học lên hàng đầu. Ông giám đốc Học viện KHXH nói một câu có tính chân lý trong khoa học, chúng tôi phải tin ở chuyên gia vì nếu không tin ở các chuyên gia thì tin ở ai! Nhưng nó đúng trong môi trường tự do học thuật. Còn ở ta, bao giờ tự do học thuật được bảo hộ thì tự giới học thuật sẽ giải quyết được vấn đề này. Khi đó vì danh dự của giới học thuật, buộc các chuyên gia sẽ phải kiểm soát phê phán lẫn nhau. Còn ở ta quyền uy lấn át hết học thuật”.

Trước thực trạng này, PGS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, nói: “Áp lực của nền giáo dục ĐH của chúng ta là chỉ tiêu 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm. Điều này làm nảy sinh quan điểm dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ”.

Đào tạo theo kiểu tại chức

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ở VN nghiên cứu sinh hiện được đào tạo theo hình thức tại chức là chính, nghĩa là chỉ trừ thời gian học 3 chuyên đề tiến sĩ và một số lần gặp gỡ người hướng dẫn, nghiên cứu sinh chủ yếu ngồi tại địa phương để làm đề tài. Lẽ ra, họ phải vừa làm việc vừa nghiên cứu tại cơ sở đào tạo. Ông Thuyết nhìn nhận việc đào tạo tiến sĩ ở VN hiện nay chú trọng số lượng mà không chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng.

PGS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, chia sẻ: “Nói đến mục tiêu, thì ở các nước phát triển, người ta học tiến sĩ hay trở thành giáo sư đa số đều vì đam mê, vì khao khát nghiên cứu và truyền đạt khoa học chứ không phải để thăng quan tiến chức hay kiếm tiền. Chính vì cả người học và người hướng dẫn làm việc vì đam mê của mình nên họ học hành và đào tạo rất nghiêm túc và chất lượng”.

PGS Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm: “Ở các nước phát triển, một người muốn hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ thì phải nằm trong nhóm giáo sư dự khuyết, phó giáo sư hoặc giáo sư. Trong khi ở VN thì quy trình này ngược lại, một người muốn được phong chức danh GS hoặc PGS, thì phải hướng dẫn được bao nhiêu tiến sĩ. Vì thế, nhiều nơi tiến sĩ hướng dẫn nghiên cứu sinh thì không thể có chất lượng”.

Lỗi lớn nhất là không chịu hội nhập quốc tế

Theo PGS Lê Bảo Long, Viện Khoa học quốc gia thuộc ĐH Quecbec (Canada), giới hàn lâm ai cũng biết tầm quan trọng của việc khẳng định uy tín của các cơ sở đào tạo và giá trị nghiên cứu khoa học qua việc đăng tải các công trình khoa học trên các tạp chí hàng đầu hay sách in từ các NXB quốc tế có uy tín. “Điều này đặc biệt quan trọng khi VN đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các sân chơi như TPP hay phải giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như chủ quyền trên Biển Đông, các vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta nên có các nghiên cứu trong các ngành KHXH đạt tầm vóc toàn cầu để dẫn dắt quá trình hoạch định chính sách và phát triển của VN”, PGS Long chia sẻ.

Trong khi đó, ông Phạm Hiệp, Trường ĐH Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan nhận xét: “Lỗi lớn nhất của giới nghiên cứu khoa học lĩnh vực KHXH-NV của ta là không chịu hội nhập thế giới. Học viện KHXH là cơ quan đầu đàn về nghiên cứu KHXH của cả nước với hàng trăm GS, PGS, rất nhiều tiến sĩ, quy mô đào tạo hơn 1.000 nghiên cứu sinh mà cả năm 2015 chỉ có 3 bài báo đăng ở tạp chí ISI”.