26/12/2024

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời

Diễn đàn tuần này xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về hiện trạng đào tạo tiến sĩ ở nước ta sau câu chuyện đào tạo tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội đang được dư luận quan tâm.

 

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời

 

 

Diễn đàn tuần này xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về hiện trạng đào tạo tiến sĩ ở nước ta sau câu chuyện đào tạo tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội đang được dư luận quan tâm.

 

 

 

 

 

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Ảnh: P.T.
“Những nhà khoa học chân chính sẽ góp phần đào tạo ra những tiến sĩ chân chính. Những nhà khoa học “vui vẻ” sẽ chỉ tạo ra những “tiến sĩ vui vẻ”

Bắt đầu từ ý kiến của PGS.TS Phan Quang Thế, hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (ĐH Thái Nguyên):

Đào tạo tiến sĩ ở VN hiện nay không thể đánh giá được vì chất lượng không đồng đều, có những luận án tiến sĩ rất tốt, có giá trị nhưng phần nhiều luận án rất dở, yếu kém, không có đóng góp gì về mặt giá trị khoa học.

Theo tôi, trong điều kiện đào tạo tiến sĩ ở ta như hiện nay, chất lượng của các luận án tiến sĩ đang phụ thuộc vào hai yếu tố: một là thầy hướng dẫn. Hai là hội đồng đánh giá.

Nếu người thầy hướng dẫn luận án theo số lượng, chỉ để đủ tiêu chuẩn phong GS, PGS… hay vì những quyền lợi khác thì luận án sẽ khó có chất lượng cao.

Thầy không chỉ giỏi mà phải có tâm huyết mới đào tạo ra tiến sĩ tử tế. Việc chọn hội đồng đánh giá hiện nay chủ yếu theo quan hệ, theo cảm hứng. Về nguyên tắc, chẳng có ai sai quy định. Nhưng cái tâm, trách nhiệm của mỗi người thầy trong hội đồng mang tính quyết định mà chẳng có quy định nào để đo đếm được.

Nguy hiểm nhất trong đào tạo tiến sĩ hiện nay là những hội đồng đánh giá “vui vẻ”, “thoải mái” vì đấy là khâu “kiểm duyệt”, đánh giá quan trọng nhất, quyết định có trao học vị tiến sĩ cho nghiên cứu sinh với đề tài nghiên cứu đó hay không.

Trước mắt, có thể áp dụng một giải pháp. Đó là yêu cầu bắt buộc phải công bố rộng rãi trên mạng, trên các tạp chí khoa học những điểm mới của từng luận án tiến sĩ, thay vì công bố thông tin chung chung như hiện nay.

Khi công khai những điểm mới như vậy, dư luận, giới khoa học có thể bình luận, đánh giá. Đề tài, nội dung vớ vẩn là lộ ra ngay. Yêu cầu công bố cả luận án cũng tốt, nhưng sẽ ít người có điều kiện tìm đọc hết kỹ lưỡng.

Chỉ cần yêu cầu công bố điểm mới của luận án, sẽ đánh giá được chất lượng luận án, chất lượng hướng dẫn và cả chất lượng hội đồng, tạo ra sức ép nhất định để có chất lượng tốt hơn. Chứ hướng dẫn, hội đồng đánh giá toàn GS, PGS cả, không chê được bằng cấp, trình độ, chỉ không đo đếm được cái tâm và trách nhiệm. Kẽ hở là ở đó: một cái tặc lưỡi của thầy là có thể một tiến sĩ dỏm ra đời.

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời

Chất lượng đào tạo tiến sĩ thấp còn vì hiện nay có xu hướng làm tiến sĩ không phải để làm khoa học, giảng dạy mà để có chức vụ. Làm tiến sĩ là muốn có thêm điều kiện để có vị trí, tiếng nói tốt hơn, chứ không phải để làm khoa học, để cống hiến.

Điều này diễn ra không chỉ ở các cơ quan quản lý mà ngay cả trong các trường ĐH, không chỉ các trường công mà cả trường tư. Tôi đã chứng kiến nhiều tiến sĩ ngay sau khi nhận bằng là nghĩ ngay đến việc phải có một vị trí mới, phải có chỗ nào đó tốt hơn…

Học tiến sĩ đang là một con đường để có cơ hội làm sếp, để có thêm đồng ra đồng vào, để tranh đấu cho những quyền lợi cá nhân…

Phần lớn tiến sĩ đào tạo trong nước kém ngoại ngữ. Như thế làm sao có thể đọc sách, tìm tòi tài liệu, nghiên cứu…

Đừng có đổ lỗi cho đất nước nghèo hay còn thiếu trang thiết bị, máy móc, tài liệu. Trường tôi đang có một số thiết bị hiện đại cũng không thua kém các trường ĐH ở Mỹ nhưng hầu như đắp chiếu vì không có người có đủ khả năng, ngoại ngữ để sử dụng, các tiến sĩ đào tạo trong nước vừa không đủ trình độ ngoại ngữ, vừa không đủ say mê, nhiệt tình để tìm tòi nghiên cứu, khai thác hết giá trị của máy móc, phương tiện.

Trường tôi là một trường có thể tự hào về trình độ tiếng Anh của đội ngũ giảng viên so với mặt bằng chung trong nước hiện nay. Trường sẵn sàng đầu tư kinh phí cho giảng viên đi Mỹ thực tập, nghiên cứu nhưng số đăng ký đi được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường có liên kết với đối tác Hàn Quốc để cử giảng viên sang trao đổi, cử đi được một đợt, đến đợt sau họ “lờ” đi, không nói gì.

Đó là các tiến sĩ cả. Nhưng sự thật hiển hiện là tiến sĩ đào tạo trong nước của ta không ra được biển khơi, chỉ loanh quanh trong ao làng được thôi.

Một trong những lý do khiến nhiều tiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước làm việc, theo tôi, là do không chỉ chế độ dành cho họ không khác gì tiến sĩ đào tạo trong nước, mà còn phải làm cấp dưới của mấy ông tiến sĩ trong nước, tiếng Anh còn không thạo, kém hơn họ đủ thứ… thì họ chịu sao nổi? Trong khi họ khó mon men được đến các chức vụ vì kém đứt khoản “quan hệ”, còn bị khó chịu, ghen ghét vì giỏi hơn.

Không cần đào tạo nhiều

Tỉ lệ tiến sĩ đào tạo trong nước những năm gần đây tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học làm “thật” rất ít, ra được những bài báo quốc tế rất ít.

Quan điểm của tôi là không cần phải đào tạo tiến sĩ trong nước nhiều như hiện nay. Tôi không ủng hộ đào tạo tiến sĩ một cách ồ ạt đáp ứng những quy định về tuyển dụng, sử dụng đòi hỏi phải có bằng tiến sĩ.

Có được người nào “ngon” người ấy còn có giá trị hơn. Chứ cứ ra lò hàng loạt, tốt dở lẫn lộn, mà dở nhiều hơn tốt, không sử dụng được thì thậm chí còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển vì những người có học vị tiến sĩ dở mà lên lãnh đạo người giỏi, làm cho họ không phát huy được năng lực.

Tôi ngồi dự giờ giảng của một số tiến sĩ mà lo ngại. Phải siết chặt lại, không cần đào tạo nhiều, đào tạo những gì cần một cách có chất lượng, khắt khe, chặt chẽ.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (vụ trưởng Vụ GD đại học, Bộ GD-ĐT):

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Ảnh: N.H.

Bất an ở cả hệ thống

Cảm giác bất an đối với chất lượng đào tạo tiến sĩ là ở cả hệ thống chứ không phải riêng việc đào tạo của Học viện khoa học xã hội. Nhưng khi đưa ra một chính sách đảm bảo chất lượng mà nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được ngay, nếu dừng tuyển sinh thì chính sách đó không khả thi.

Bởi vậy, phải nghiên cứu để đưa ra các quy định theo hướng nâng dần yêu cầu đảm bảo chất lượng để hệ thống chấp nhận được và điều chỉnh. Việc nâng cao “chuẩn” đào tạo luôn là mong muốn của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn phải quản lý ở mức tối thiểu đảm bảo chất lượng để các trường phấn đấu, cạnh tranh phát triển.

Nói về quy trình quản lý của Bộ GD-ĐT đối với một đề tài tiến sĩ sẽ gồm các bước: cơ sở đào tạo trình bày về hướng cần thiết nghiên cứu, xác định đề tài này có cần thiết hay không. Bước tiếp theo, phải có đề cương nghiên cứu được thẩm định ở mặt chuyên môn.

Sau đó là nghiên cứu từng phần nhỏ (chuyên đề tiến sĩ) cũng phải được chấm và thẩm định. Ngoài ra, các bài báo khoa học cũng là một điều kiện cần thiết. Tiếp theo, luận án phải được bảo vệ ở cấp bộ môn, khi nào thấy đạt thì luận án ra cấp trường. Ở cấp trường phải có hai người thẩm định kín. Nếu được chấp thuận thì mới thành lập hội đồng cấp trường.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Ảnh: N.Khánh

Cần siết lại kỷ cương đào tạo nghiên cứu sinh

Theo tôi, xem xét số lượng không quan trọng bằng chất lượng đào tạo, chất lượng các luận án tiến sĩ. Nhưng có tình trạng một GS, PGS không chỉ hướng dẫn ở một cơ sở đào tạo, có thể một chỗ thì không vượt quá quy định nhưng ở nhiều nơi khác nhau thì sao?

Những thông tin, số liệu này có được tổng hợp, công bố công khai, minh bạch chưa? Với vai trò cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT có nắm được thông tin số liệu này không để làm căn cứ đối chiếu, đánh giá việc thực hiện đào tạo của học viện có vượt quá năng lực hay không?

Bên cạnh việc kiểm tra các điều kiện của cơ sở đào tạo, bộ nên kiểm tra nội dung các luận án. Để đánh giá được chất lượng đào tạo, phải xem chất lượng luận án.

Theo tôi, đối với các luận án tiến sĩ, nên quy định bắt buộc phải đưa toàn văn nội dung luận án để những người quan tâm có thể tham khảo, đánh giá. Việc đưa công khai nội dung các luận án tiến sĩ lên mạng sẽ tạo điều kiện để các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá chất lượng luận án, đánh giá xem có xứng đáng, đủ tầm là một luận án tiến sĩ không. Đồng thời cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng “đạo văn”.

Hiện nay cái dở nhất trong đào tạo tiến sĩ của chúng ta là đào tạo theo hình thức “tại chức”. Nghiên cứu sinh vẫn làm việc ở cơ quan, vẫn công tác ở các địa phương, chỉ định kỳ gặp gỡ thầy hướng dẫn. Việc nghiên cứu sinh không làm việc trong môi trường học thuật, cả quá trình đào tạo chỉ là viết xong một luận án thì giá trị khoa học của những luận án tiến sĩ khó có thể cao được.

Người làm tiến sĩ cần phải thường xuyên làm việc tại cơ sở đào tạo, tham gia nghiên cứu khoa học, làm trợ giảng, thường xuyên tham gia các thảo luận liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình, sống trong không gian học thuật…

Ngoài ra, còn có thực tế là các buổi bảo vệ luận án phần lớn nặng nề, thủ tục dài dòng, ít tranh luận khoa học. Cách bảo vệ, hướng dẫn luận án tiến sĩ ở một số ngành lạc hậu, có tình trạng nể nang, khó đánh giá chính xác chất lượng luận án.

Ở một số lĩnh vực, nhiều người làm luận án tiến sĩ chưa đủ tầm làm nghiên cứu khoa học. Không phải cứ người làm chuyên môn tốt là có thể làm tiến sĩ nếu thiếu khả năng nghiên cứu. Chính vì thế có không ít luận án tiến sĩ nhàn nhạt, thậm chí là yếu kém, không phù hợp để coi là một nghiên cứu khoa học.

Theo tôi, đã đến lúc cần siết lại kỷ cương đào tạo nghiên cứu sinh, không được chạy theo xu hướng mở rộng chỉ tiêu, trong đó nhiều cơ sở đào tạo muốn có nhiều chỉ tiêu tiến sĩ chỉ để được cấp nhiều kinh phí đào tạo.

V.HÀ – T.Hà ghi

THANH HÀ ghi