26/12/2024

Những môn võ “kỳ lạ” tại Festival quốc tế 2016

Cưỡi… xe bắn cung hay đạo lý lấy nhu thắng cương kiểu… đô vật, những ai đam mê võ thuật sẽ có dịp mục kích các môn võ “kỳ lạ” như thế tại Festival võ thuật quốc tế 2016 diễn ra trong hai ngày 23 và 24-4 ở Trường đại học Tôn Đức Thắng (quận 7)

 

Những môn võ “kỳ lạ” tại Festival quốc tế 2016

 

 

Cưỡi… xe bắn cung hay đạo lý lấy nhu thắng cương kiểu… đô vật, những ai đam mê võ thuật sẽ có dịp mục kích các môn võ “kỳ lạ” như thế tại Festival võ thuật quốc tế 2016 diễn ra trong hai ngày 23 và 24-4 ở Trường đại học Tôn Đức Thắng (quận 7), tiền sảnh Nhà hát TP.HCM và nhà thi đấu Quân khu 7.

 

 

 

 

 

Những môn võ “kỳ lạ” tại Festival quốc tế 2016
Các VĐV horseback archery tập luyện với xe tự hành trưa 22-4 – Ảnh: N.K.

 

 

 

Đây là lần đầu tiên VN đăng cai Festival võ thuật quốc tế và người hâm mộ tại TP.HCM hứa hẹn sẽ có dịp mở rộng tầm mắt, khi chứng kiến những tinh hoa võ thuật từ các môn phái trên khắp thế giới.

Cưỡi ngựa bắn cung thời công nghệ

Võ thuật Hàn Quốc sang VN biểu diễn lần này giới thiệu hai môn võ truyền thống là taekkyon và horseback archery. Trong đó horseback archery thật sự là môn võ hấp dẫn khi tập hợp những kỹ thuật săn bắn, tự vệ và chiến đấu trên lưng ngựa của người Hàn Quốc ngày xưa. Nói nôm na cho dễ hình dung, đó là kỹ thuật bắn tên “bách bộ xuyên dương” hay gần gũi hơn là những kỵ xạ (cung thủ cưỡi ngựa) trong quân đội các nước thời xưa.

Nhưng ngày nay horseback archery lại là một môn thể thao biểu diễn ngày càng được yêu thích trong cộng đồng giới trẻ Hàn Quốc lẫn nhiều nước trên thế giới.

Đến nay, Giải vô địch thế giới horseback archery đã có 11 lần tổ chức và lần gần nhất diễn ra hồi tháng 10-2015 tại Hàn Quốc với sự tham dự của VĐV gần 30 nước. Khi biểu diễn tranh tài, các VĐV mặc quần áo cổ trang ngồi trên lưng ngựa tung nước kiệu trong tiếng tù và cùng trống trận vang lừng. Họ vừa chạy tốc độ cao vừa giương cung lắp tên đưa mũi tên lao chính xác vào bia từ khoảng cách hàng chục mét, khiến người xem có cảm giác đang sống trong khung cảnh của thời trận mạc xa xưa.

Chỉ hơi tiếc là khi sang VN tham dự festival, đoàn Hàn Quốc không thể đem ngựa sang hoặc sử dụng ngựa ở VN để biểu diễn vì ngựa và cung thủ cần phải hiểu rõ nhau mới kết hợp tốt được. Do đó đoàn horseback archery đã nhờ phía VN mua giùm xe tự hành (có hình dạng đơn giản như chiếc bánh xe, VĐV đứng trên bàn đạp và tự mình di chuyển) cho ba VĐV biểu diễn để thay cho ngựa. Việc biểu diễn cũng chỉ có thể diễn ra ở sân bóng đá Trường đại học Tôn Đức Thắng do cần không gian rộng và an toàn. Vì vậy, so với hình ảnh những cung thủ tung hoành vó ngựa trên chiến trường xa xưa thì “bách bộ xuyên dương” thời hiện đại có đôi chút khác biệt với sự can thiệp của công nghệ.

Giáo sư Na Young Il (ngành khoa học thể chất của ĐH Seoul, Hàn Quốc), cũng là một người yêu thích cưỡi ngựa bắn cung, cho biết môn thể thao này tuy có truyền thống xa xưa nhưng chỉ thật sự xuất hiện và phổ biến trở lại trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên chuyện VĐV Hàn Quốc tập cưỡi ngựa bắn cung ngay tại Hàn Quốc không thật sự phổ biến, mà cũng thường xuyên sử dụng xe tự hành thay ngựa.

Giải thích về điều này, ông nói: “Nói một cách chính xác, từ xưa tới nay cũng có một số người tập luyện cưỡi ngựa bắn cung trên toàn thế giới chứ chẳng riêng gì Hàn Quốc. Nhưng đó gần như là một môn võ của hoàng gia hay giới quý tộc. Việc sở hữu ngựa cùng những bãi đất rộng mênh mông để tập luyện gần như không thể với người dân bình thường ở thành thị. Môn võ này chỉ trở nên phổ biến hơn khi Liên đoàn Cưỡi ngựa bắn cung thế giới (WHAF) ra đời và thực hiện một cải biến quan trọng từ năm 2004”.

Cải biến đó là việc cho các võ sinh sử dụng xe tự hành thay vì ngựa như trước đây. Loại xe này có giá thành từ khoảng vài trăm đến 1.000 USD cộng với một cây cung cũng có giá tương đương, giờ đây ngay cả học sinh bình thường cũng có thể tự trang bị cho mình. Lee Seung Ho – VĐV 18 tuổi tham dự Liên hoan võ thuật lần này – cho biết anh mê võ thuật lẫn tốc độ và kể từ khi tập “cưỡi xe bắn cung” cách đây hai năm, anh đã tìm được một môn võ thật sự của đời mình.

Ông Kim Young Sup, chủ tịch WHAF nói: “Nếu không xét đến yếu tố chiến đấu, chỉ đơn thuần so tài với nhau bằng cách bắn vào bia thì cưỡi xe tự hành như thế này dễ hơn nhiều so với ngựa vì điều khiển được ngựa là cả một nghệ thuật. Trong tương lai, đây có thể trở thành một môn thể thao giải trí phổ biến”.

Những môn võ “kỳ lạ” tại Festival quốc tế 2016
Các VĐV bokator tập luyện tại nhà thi đấu Quân khu 7 – Ảnh: N.K.

Những môn võ của cảnh sát, quân đội

Khác với “cưỡi ngựa bắn cung” chủ yếu chỉ để biểu diễn, nhiều quốc gia lại mang sang VN những môn võ đậm tính chiến đấu, thực dụng, được sử dụng rộng rãi trong lực lượng cảnh sát và quân đội.

Điển hình như bokator của Campuchia. Chỉ riêng cái tên bokator – có thể dịch là “đánh chết sư tử” (từ hai chữ “bok” nghĩa là đánh và “tor” là sư tử trong tiếng Campuchia) – đã đủ để mô tả độ khốc liệt của môn võ này. Ra đời trước cả kỷ nguyên Angkor (đế quốc Khmer – từ đầu thế kỷ thứ 9), bokator được xem là môn võ chính của các binh sĩ tại Campuchia từ hơn 1.700 năm qua và từng được điện ảnh Campuchia làm hẳn một bộ phim giới thiệu về môn võ này vào năm 2010.

Bokator được đánh giá khá đa dạng về kỹ thuật sử dụng như: cùi chỏ, đốn chân, đòn đá, đòn khóa, đâm, chọt và đánh trên mặt đất. Hầu hết tất cả bộ phận trên cơ thể đều được sử dụng để tấn công như hông, vai, đùi, ngón tay… Về vũ khí thì có gậy tre dài hoặc gậy ngắn. Mặc dù dùng nhiều khuỷu tay, gối nhưng kỹ thuật trong bokator hoàn toàn khác với kickboxing.

Khác với các môn võ dựa trên hệ thống đẳng cấp bằng đai, đẳng cấp của môn võ này là màu của chiếc khăn quàng đầu gồm 7 màu. Đầu tiên là trắng, tiếp đến là xanh lá cây, xanh dương, đỏ, nâu, đen và cuối cùng là vàng. Theo tài liệu, để được mang khăn vàng cực kỳ khó khăn khi người đó phải là một bậc thầy thực thụ, thông hiểu hết 8.000 – 10.000 tư thế kỹ thuật khác nhau của bokator. Trong khi để đạt khăn đen chỉ cần thông hiểu 1.000 tư thế kỹ thuật.

Ông Chea Sokkoung – tổng thư ký Liên đoàn Botakor Campuchia – nói: “Bokator thật sự rất khốc liệt. Khi thi đấu trên võ đài, chúng tôi đã bỏ bớt những đòn thế nguy hiểm như bẻ cổ và đánh vào đầu nhưng vẫn giữ lại đòn cùi chỏ và đầu gối. Có thể so sánh bokator gần giống với muay Thái. Đây là môn võ được sử dụng rộng rãi trong quân đội của chúng tôi”.

Phần đông môn võ góp mặt tại Liên hoan võ thuật quốc tế có xuất xứ từ xa xưa, nhưng cũng không ít môn chỉ vừa được thành lập, chẳng hạn như Bul – kempo (kempo của người Bulgaria). Đây là môn võ đúc kết tinh hoa từ kempo (Nhật Bản) nhưng đã tự hình thành cho mình một con đường riêng. Nó kết hợp các đòn tấn công bằng tay, các kỹ thuật vật ngã để trở thành môn võ cộng đồng thời hiện đại, giúp bất cứ ai cũng có thể tập luyện để tự vệ và rèn luyện sức khoẻ.

Người “khai tông lập phái” môn võ này là ông Velein Hadjolov – cựu sĩ quan cảnh sát người Bulgaria. Nói về sự cải tiến của Bul – kempo, ông Hadjolov nói: “Người châu Âu chúng tôi cao lớn nên cách luyện võ cũng khác hơn. Bul – kempo đề cao những đòn tấn công mạnh mẽ hơn những chi nhánh kempo khác”. Yêu thích văn hoá và võ thuật châu Á, ông Hadjolov học rất nhiều môn như karatedo, aikido, judo, hapkido rồi tổng hợp lại cùng đô vật kiểu phương Tây, từ đó lập nên võ phái Bul – kempo vào năm 2003.

Thủ tướng Hun Sen cũng mê bokator

Ông Sokkoung còn cho biết chính Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen – vốn rất yêu thể thao – là người ủng hộ việc phổ biến môn võ này trong quân đội Campuchia. Cũng giống như các môn võ khác của người châu Á, bokator sử dụng nhiều đòn thế mô phỏng từ động vật và ở đây là ngựa, rắn, chim ó và sếu.

N.KHÔI – H.ĐĂNG ([email protected])