26/12/2024

“Mình dân bần cùng xã hội, không ai đụng mình đâu”?

Quan niệm truyền thống bênh vực người yếu thế của người Việt đã dẫn đến tình trạng pháp luật trong một số trường hợp đã không được thực thi nghiêm túc và một bộ phận người nghèo có tâm lý “nhờn luật”

 

“Mình dân bần cùng xã hội, không ai đụng mình đâu”?

 

 

Quan niệm truyền thống bênh vực người yếu thế của người Việt đã dẫn đến tình trạng pháp luật trong một số trường hợp đã không được thực thi nghiêm túc và một bộ phận người nghèo có tâm lý “nhờn luật”.

 

 

 

 

 

"Mình dân bần cùng xã hội, không ai đụng mình đâu"?
Một người bán hàng rong cố trèo qua dải phân cách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Hoài Linh
Ở đây cần phân biệt rạch ròi hai mặt tình và lý: về mặt tình cảm chúng ta rất chia sẻ, cảm thông với người dân thuộc tầng lớp yếu thế của xã hội, nhưng về mặt lý phải xử lý nghiêm minh nếu họ vi phạm pháp luật

Vụ một công an quật ngã người bán hàng rong gây chấn thương sọ não đã gây xôn xao dư luận những ngày qua. Phần lớn dư luận người dân đều bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ với người bán hàng rong nghèo khổ.

Mới đây nhất, cũng trên báo chí đưa tin lại xảy ra vụ những người bán hàng rong rượt đánh lực lượng quy tắc đô thị. Lần này dư luận cũng quan tâm nhưng theo hướng không thể cảm thông được vì những người này có hành vi rất manh động, côn đồ.

Hai câu chuyện trên cho thấy cách ứng xử của cơ quan nhà nước với tầng lớp yếu thế trong xã hội đang là vấn đề được quan tâm.

Quan niệm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng luôn đứng về tầng lớp yếu thế trong xã hội.

Từ bao đời nay, tầng lớp yếu thế luôn được nhân dân bảo vệ, bênh vực thông qua cách ứng xử trong xã hội “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” hoặc người dân luôn chống lại những kẻ “ỷ mạnh hiếp yếu”…

Quan niệm đó ăn sâu trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Đây là một nét văn hóa rất đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay người nghèo, tầng lớp yếu thế trong xã hội vẫn phải được chia sẻ, cảm thông. Nhà nước phải có chính sách đặc biệt quan tâm đến tầng lớp này, tạo điều kiện cho họ vươn lên trong cuộc sống, bảo đảm cho họ được đối xử công bằng như các tầng lớp khác. Cộng đồng xã hội cũng phải luôn góp sức giúp họ cải thiện cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, chính bản thân người dân không thể cho rằng mình thuộc tầng lớp yếu thế của xã hội để bất chấp luật pháp.

Chúng ta có thể thấy nhan nhản trên báo chí các hiện tượng vi phạm pháp luật của tầng lớp yếu thế: người đi bộ trèo dải phân cách giữa các làn xe đông đúc, người đi xe đạp thản nhiên vượt đèn đỏ, xe ba gác không biển số chở hàng cồng kềnh phóng nhanh, vượt ẩu…

Ngay như trong vấn đề an toàn thực phẩm: chuyện sử dụng chất tạo nạc, chất nhuộm vàng măng, tưới hóa chất bẩn lên rau… thì nhiều người cứ đổ cho rằng mình nghèo nên mới làm vậy.

Tâm lý của người vi phạm cơ bản là: mình thuộc tầng lớp bần cùng xã hội rồi, không 
ai đụng đến mình đâu.

Quan niệm bênh vực kẻ yếu cũng gây hiệu ứng tâm lý cho đám đông: khi thấy cơ quan công quyền ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường, hầu như tâm lý người dân đều đứng về tầng lớp yếu thế, cho rằng họ nghèo khổ vì vậy Nhà nước nên cho họ cơ hội buôn bán làm ăn.

Rồi như chuyện đụng xe, gần như mặc định là xe lớn phải có lỗi, xe nhỏ luôn luôn đúng…

Cơ quan thực thi pháp luật nhiều lúc cũng “giơ cao đánh khẽ” vì thấy người dân ít học, nghèo khó nên có chút cảm thông.

Chính vì những cách bênh vực người yếu thế như vậy nên pháp luật trong một số trường hợp đã không được thực thi nghiêm túc.

Đã đến lúc chúng ta cần phải tuyên truyền cho người dân tinh thần thượng tôn pháp luật. Người dân không thể vin vào hoàn cảnh để biện minh những hành động sai trái của mình. Cơ quan thực thi pháp luật cũng vậy, phải nghiêm khắc với các hành vi sai trái của người dân, trong đó có cả những người thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội.

Có như vậy những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay như: thực phẩm bẩn, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, vi phạm Luật giao thông… 
mới hi vọng được cải thiện.

TS VÕ DUY NGHI