25/12/2024

Dở khóc dở cười với kỷ lục món ăn to tại Việt Nam

Ở đâu cũng có những khát vọng và cả những háo danh, ngộ nhận giá trị. Nhưng có quốc gia nào mà nợ còn nhiều, dân còn nghèo nhưng cứ vài năm lại kiên quyết phải ra một thứ khổng lồ – về ăn.

 

Dở khóc dở cười với kỷ lục món ăn to tại Việt Nam

 

Ở đâu cũng có những khát vọng và cả những háo danh, ngộ nhận giá trị. Nhưng có quốc gia nào mà nợ còn nhiều, dân còn nghèo nhưng cứ vài năm lại kiên quyết phải ra một thứ khổng lồ – về ăn.

 

 

 

 

 

Dở khóc dở cười với kỷ lục món ăn to tại Việt Nam
Bánh chưng 2,5 tấn vừa được gói tại công viên văn hoá Đầm Sen nhân ngày giỗ Tổ 2016 – Ảnh: kyluc.vn

Hình ảnh chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn được dâng cúng trong ngày giỗ Tổ 2016 làm nhiều người ngao ngán và dư luận lại cảm thấy “dở khóc dở cười” trước những kỷ lục “món ăn to” tại Việt Nam.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến xung quanh việc này:

Những ngộ nhận về sự vĩ đại

Tôi may mắn được đi đây đi đó, lại thích được tìm hiểu đời sống, quả thật không hiểu cái mơ ước được có bánh chưng to, hủ tiếu khổng lồ, bánh trung thu mấy trăm cân rộ lên thế này là vì điều gì?

Nó không minh chứng cho sự sáng tạo, tài năng hay tiềm lực kinh tế. Hãy cũng ngồi điểm xem, có quốc gia nào mà nợ còn nhiều, dân còn nghèo nhưng cứ vài năm lại kiên quyết phải ra một thứ khổng lồ – về ăn.

Nếu sự khổng lồ đó thực sự tạo nên giá trị, kích thích tính sáng tạo, lòng tự hào hay thay đổi vị thế đất nước trên thế giới, chắc cũng nên cố.

Bản chất của mọi lễ hội là tạo ra những giá trị tinh thần, ở đó người ta thấy bản sắc văn hoá của một cộng đồng, dân tộc. Thấy sự phát triển của xã hội, tiếp nối của truyền thống. Đừng để sự ám ảnh về cái ăn, về sự to phá vỡ những giá trị cốt lõi ấy. 

Người Nhật không cố nấu bằng được những bầu sake khổng lồ. Người Tibet không cố làm những tấm thanka cỡ đại. Người Pháp không dâng chai rượu ngàn lít cho gà trống Gôloa hay bánh macaron 2 tấn cho Jan Đa. Mỹ chắc cũng không tạo nên dấu ấn lịch sử bằng bò steak 50 cân. 

Nhưng chưa ai bảo nền văn hoá Phật giáo Tây Tạng chưa đủ mạnh, lễ hội Nhật Bản không đủ vui, người Pháp thiếu tính sáng tạo hay lơ là truyền thống và người Mỹ nghèo hèn.

Chúng ta hò nhau vì bao thứ khổng lồ, mua vui một buổi nhưng lãng phí muôn phần. Bánh chưng khổng lồ không ai ăn nổi, quảng trường hay cơ quan hành chính nguy nga hàng ngàn tỉ nhưng dân vẫn đói nghèo. 

                                                              (Biên tập viên NGUYỄN MỸ LINH - VTV)

Dở khóc dở cười với kỷ lục món ăn to tại Việt Nam
Chiếc bánh chưng khổng lồ tại Hưng Yên năm 2014 – Ảnh: kyluc.vn

Cốt sao cho nó to được thì không hay

Dưới góc nhìn của tôi, những thứ khổng lồ về ẩm thực là bất thường. Với tôi, ẩm thực rất gần với thiên nhiên. Nên món ăn nào, nguyên liệu gì, cây trái hay hoa màu đều được nhận diện theo cách nhìn về sự hài hoà, hay tương tác với nhu cầu, thói quen và văn hoá ẩm thực. Một món ăn để ăn, để giới thiệu hay quảng bá thì nên hài hoà về mọi phương diện.

Nhưng làm để chơi, để thoả mãn một nhu cầu nào đó thì tôi không có ý kiến. Nhiều người biện hộ cho sự làm bánh khổng lồ cũng không hại đến ai thì sao lại lên án. Tôi cũng nghĩ vậy, nếu nó không hại đến ai thì không nên lên án.

Còn nếu chúng ta muốn có một món ăn đáng tự hào, hay chí ít được xem như một giáo cụ cho thế hệ trẻ, thì có vài điểm cũng nên lưu ý, chẳng hạn những câu hỏi ngây ngô như con trẻ thôi: cái bánh lớn như thế, có đảm bảo về kỹ thuật làm bánh không?

Bánh có chín đều và ngon lành ở mức có thể ăn được không? Vì thức ăn, dù được tạo ra với mục đích gì, cũng không thể để bỏ phí, hư hại sau khi chụp hình hay lập kỷ lục.

Mỗi năm, người ta có cải tiến hay bảo quản giống lúa tốt, chăm sóc xanh sạch hơn hay vẫn là những nguyên liệu thiếu tôn trọng với thiên nhiên, mà kích cỡ thì khổng lồ đầy thách thức. Thế thì hơi ngại.

Nhìn khái quát, tôi không thấy cái sự mê “to” của dân mình đáng sợ. Tôi thích sự tương tác của người dân với thức ăn, hay với những hoạt động văn hóa, ẩm thực. Mê một cái khác, to hơn hay nhỏ hơn thì không có gì đáng trách cả. Nhưng một sản phẩm văn hoá thường được chú trọng về mặt thẩm mỹ; trong đó chi tiết là tối quan trọng: từ dây buộc bằng lạt tre hay dây nilông, lá dong hay lá chuối cũng khác nhau, hay công đoạn chuẩn bị có công phu, thẩm mỹ hay cốt sao cho nó to là được thì không hay.

(Nhà thiết kế CHƯƠNG ĐẶNG)

Khi thầy thuốc nhìn bánh chưng cúng Tổ

Như mọi xứ sở thuần nông khác, trong kho tàng ẩm thực VN thì tinh bột vẫn đóng vai trò chủ lực. Cơm, xôi, miến, bún, phở, khoai mì, sắn lát, bo bo…, nói cho cùng thì cũng là những cách thiên biến vạn hoá để chế biến món tinh bột cho lạ miệng.

Tinh bột làm mau no vì hai lẽ: thể tích món ăn lớn nên mau lèn chặt dạ dày, làm cho tá tràng tiết ra những hormone đưa đến cảm giác no nê rất thống khoái. Đồng thời tinh bột cung cấp glucose, là loại năng lượng nhanh nuôi các tế bào.

Tính đến năm 2012, đã có 11% người Việt bị mắc chứng tiểu đường (10 triệu người). Tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi mỗi 5 năm và sẽ mang lại những hậu quả kinh tế, xã hội khổng lồ cho một đất nước chưa kịp thoát nghèo. Thiếu ăn nên phải chống đói bằng tinh bột nén chặt. Nén chặt cũng chưa thoả tính thèm ăn no, nay bèn làm bánh to, thật to để cúng Tổ.

To và chặt, phải chăng là ẩn ức thiếu ăn nhiều thế hệ? Thế nên, cái bánh chưng khổng lồ trong lễ hội đền Hùng vừa qua thật sự là lời cảnh báo về nguy cơ tiểu đường, cũng khổng lồ không kém của người Việt.

(Bác sĩ LÊ ĐÌNH PHƯƠNG - trưởng khoa nội tổng quát Bệnh viện FV)

 

CÁT KHUÊ (ghi)