Hồn Nam bộ qua những chiếc bánh
Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 5/2016 đang diễn ra tại vòng xoay cồn Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Đây là dịp đưa mọi người trở về với bánh dân dã, thời khẩn hoang mở đất của ông cha.
Hồn Nam bộ qua những chiếc bánh
Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 5/2016 đang diễn ra tại vòng xoay cồn Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Đây là dịp đưa mọi người trở về với bánh dân dã, thời khẩn hoang mở đất của ông cha.
Lễ hội do Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao, UBND TP.Cần Thơ phối hợp chỉ đạo, diễn ra từ 15 -19.4, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của vùng Nam bộ, mở rộng giao lưu văn hóa vùng miền trong cả nước và quốc tế. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ, cho hay lễ hội quy tụ 150 gian hàng của nhiều tỉnh thành VN và 8 quốc gia tham dự. 200 loại bánh dân gian, ẩm thực Nam bộ và các nước hội tụ về trung tâm TP.Cần Thơ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Hồi ức bánh quê
Nhà nghiên cứu bánh dân gian Nhâm Hùng kể rằng trong cuộc nam tiến khẩn hoang mở đất thuở xưa, ông cha ta còn mang theo cả hành trang văn hóa ẩm thực.
Bánh tét Nam bộ có cội nguồn từ bánh chưng của làng quê Bắc bộ. Bánh đa miền Bắc và bánh tráng trong nam có nhiều điểm tương đồng. Bánh khoái ngoài Huế khi dịch chuyển vào nam biến tấu thành bánh xèo quen thuộc. Qua giao thoa văn hóa, bánh bò, bánh lọt, bánh bông lan… vừa mang đậm nét Việt, vừa phảng phất sắc thái người Hoa. Người Chăm dâng cúng bánh gừng cũng giống như cách bà con Khmer Nam bộ vẫn thường làm.
Sự ra đời của các loại bánh trước tiên là đáp ứng nhu cầu ăn ngoài gia đình, ở nơi không có điều kiện nấu nướng. Vào rừng khẩn đất vài ba hôm, người ta mang theo bánh tét vì bánh này no dai, để được lâu ngày. Ở quê, xa chợ lại dư thừa gạo, nếp, dừa, khoai, đậu nên mọi người làm bánh, ăn bánh trở nên thường xuyên. Hôm nào có bánh cả nhà vui như hội, người thì ngâm gạo xay bột, kẻ đi rọc lá chuối, người nổi lửa thắng nước cốt dừa… râm ran, tíu tít. Bánh không chỉ làm no bụng mà còn là nguồn dinh dưỡng bổ ích.
“Có thể nói ngay thời khẩn hoang, mở đất, hình thành ruộng vườn làng mạc, bánh quê đã là loại sản phẩm thiết thân với con người. Vùng Nam bộ nguyên liệu, phụ liệu làm bánh rất dồi dào đâu đâu cũng có. Bánh quê ra đời và hình thành làng nghề. Bánh này ta còn gọi là bánh dân gian Nam bộ ngày nay”, ông Nhâm Hùng nói.
Nghệ nhân Mười Xiềm, từng sang Mỹ biểu diễn đổ bánh xèo giới thiệu văn hóa ẩm thực Nam bộ đến với bạn bè năm châu, đã thổ lộ rằng bánh xèo làm không khó nhưng bánh xèo để “ăn ghiền” thì không phải ai cũng làm được. Nghệ nhân làm bánh bên cạnh những nguyên liệu “thuần quê” sạch, ngon, bổ cần phải thổi vào sản phẩm cái tâm cái tình của người miền quê Nam bộ chân chất, thật thà. Theo bà Mười Xiềm, bánh xèo nếu làm bằng bột đóng gói bán ở chợ thì không thể nào cho ra những chiếc bánh thơm ngon mang đậm hồn quê xứ sở được.
Đại sứ văn hoá
Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư – thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng, nếu như lễ hội bánh dân gian Nam bộ năm 2015 chỉ có 3 quốc gia (Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản) góp mặt thì lễ hội 2016 này còn có thêm đại diện của các nước Lào, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Ý đến giao lưu văn hoá ẩm thực dân gian. Bên cạnh các loại bánh, lễ hội còn giới thiệu 20 loại chè, 15 loại bún, 20 thức uống dân gian thơm ngon, bổ dưỡng.
Đến với lễ hội bánh dân gian 2016, mọi người còn có dịp thưởng thức lạp xưởng tươi Yoka, kem Bellany Gelato, hồng sâm và nấm linh chi Hàn Quốc, ẩm thực Lào, bánh xèo Nhật Bản, bánh dân gian truyền thống Malaysia, bánh mì Pháp, bánh Mouse Auffin Chocola, bánh bạch tuộc Nhật Bản, ẩm thực Ấn Độ, ẩm thực Indonesia…
Gia đình ông Lê Tiến Quang, Việt kiều Pháp, quê Bình Dương, đến với lễ hội lần này đã không ngần ngại đóng gói khá nhiều bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), bánh pía (Sóc Trăng), bánh tráng Tây Ninh… để làm quà tặng bè bạn nơi xứ người. Theo ông Quang, bánh dân dã Nam bộ giờ đây thực sự là cầu nối giao thương, nhịp cầu văn hoá kết nối các dân tộc, các quốc gia.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái nhận định, lễ hội bánh dân gian Nam bộ 2016 diễn ra vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương càng mang thêm ý nghĩa tâm linh hướng về cội nguồn dân tộc. Lễ hội còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, văn hoá ẩm thực Nam bộ, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến bánh dân gian phát triển, thu hút khách du lịch trải nghiệm văn hoá ẩm thực dân dã, là cơ hội học hỏi, giao lưu giữa các nghệ nhân làm bánh dân gian VN và bạn bè quốc tế.
9 quốc gia dự Liên hoan Ẩm thực quốc tế Huế 2016
Liên hoan Ẩm thực quốc tế Huế 2016 là hoạt động trong khuôn khổ của Festival Huế 2016, sẽ diễn ra từ ngày 28.4 – 2.5, với quy mô 100 gian hàng, trong đó có 12 gian hàng ẩm thực quốc tế của 8 quốc gia gồm: Bồ Đào Nha, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Lào, Singapore, Myanmar và 88 gian hàng ẩm thực trong nước đại diện các vùng ẩm thực nổi tiếng của VN như: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Các quốc gia và tỉnh thành sẽ mang đến những món ăn đặc sản nổi tiếng để trình diễn, giới thiệu với công chúng; tham dự hội thi chế biến các món ăn. Ban giám khảo sẽ chọn lọc những món ăn đặc sắc nhất để vinh danh, trao giải. Bên cạnh hoạt động trưng bày, trình diễn các quy trình chế biến ẩm thực, còn có triển lãm nguyên liệu thực phẩm xanh, sạch và các đặc sản nổi tiếng của Thừa Thiên-Huế.
Bùi Ngọc Long
|
Quang Minh Nhật