04/01/2025

Quốc lộ 5 đội vốn hơn 3.000 tỉ đồng

Hàng loạt gói thầu phải điều chỉnh tăng giá trị từ 80 – 100% khiến tổng mức đầu tư dự án tăng gần gấp đôi, gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Quốc lộ 5 đội vốn hơn 3.000 tỉ đồng

 

Hàng loạt gói thầu phải điều chỉnh tăng giá trị từ 80 – 100% khiến tổng mức đầu tư dự án tăng gần gấp đôi, gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

 

 

 

 

 

Cầu Đông Trù, một trong những hạng mục chính của dự án quốc lộ 5 kéo dài - Ảnh: H.G

 

Cầu Đông Trù, một trong những hạng mục chính của dự án quốc lộ 5 kéo dài – Ảnh: H.G

 

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong nhiều sai sót tại kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra sau một thời gian dài thanh tra dự án QL5 kéo dài đoạn cầu Chui – Đông Trù – Phương Trạch – Bắc Thăng Long chỉ hơn 13 km của Hà Nội.

Không kiểm soát được chi phí
Dự án được đánh giá đặc biệt quan trọng với giao thông Hà Nội khi gắn kết phía bắc của thủ đô với các tỉnh lân cận, với tổng mức đầu tư ban đầu trên 3.500 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2005 – 2008. Nhưng đến thời điểm thanh tra vào năm 2014, tất cả các gói thầu đều chưa hoàn thành, chậm tiến độ 6 năm và tổng mức đầu tư điều chỉnh đã tăng thêm hơn 3.100 tỉ đồng (88,6%).
Trong số này, chi phí xây dựng đội lên hơn 2.300 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng tăng thêm 344 tỉ đồng.
“Đến tháng 12.2012, trước khi được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư giá trị các gói thầu trung bình tăng gấp đôi nhưng Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (gọi tắt là Ban Tả Ngạn) – đại diện chủ đầu tư, không báo cáo UBND TP.Hà Nội”, Thanh tra Chính phủ nhận định và điều này là vi phạm Nghị định 16 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Dù Thủ tướng đã chỉ đạo việc lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được triển khai theo hạng mục nhưng phải đảm bảo khi thực hiện 30% tổng mức đầu tư phải có tổng dự toán được duyệt, tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, Ban Tả Ngạn chưa phê duyệt tổng dự toán trong khi đã ban hành hơn 30 quyết định phê duyệt điều chỉnh các gói thầu với giá trị hơn 4.400 tỉ đồng.
 
 
Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể có khuyết điểm sai phạm trong kết luận, đồng thời có biện pháp khắc phục để báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 30.6.2016.
 

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và tổng dự toán cũng có nhiều sai sót. Theo đó, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng song Ban Tả Ngạn lại thực hiện phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán từng gói thầu để triển khai đấu thầu và ký hợp đồng xây lắp, do vậy, khi tổ chức thực hiện đã không kiểm soát được chi phí đầu tư. Tại kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá chất lượng lập dự án còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, thiếu trách nhiệm.

Công tác khảo sát địa chất bị cho là thiếu cụ thể, thiếu cơ sở khoa học. Nhiều hạng mục không được cập nhật trong báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
“Những nguyên nhân trên là cơ bản, làm tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.500 tỉ lên trên 6.600 tỉ đồng. Trách nhiệm thuộc về Tedi, Ban Tả Ngạn, Sở Kế hoạch – Đầu tư và UBND TP.Hà Nội”, kết luận chỉ rõ.
Sai phạm hàng trăm tỉ đồng
“Lãng phí ngân sách” là từ được kết luận thanh tra nhắc đi nhắc lại khi thanh tra cụ thể tại từng gói thầu một.
Ví dụ tại gói thầu 15A xây dựng tuyến đường Km 15+600 – Km 16+500 do liên danh Công ty Trường An – Tổng công ty CPTM xây dựng – Công ty công trình hàng không trúng thầu với giá gần 130 tỉ đồng. Tại đây, chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công từ năm 2009 và 2010, nhưng khối lượng còn lại chậm tiến độ đến tháng 6.2011 kéo theo việc điều chỉnh giá, gây lãng phí hơn 26 tỉ đồng.
Thanh tra cũng không ngại dùng những từ “sai phạm tài chính” đối với dự án này. Tổng số tiền qua thanh tra phát hiện và kiến nghị cần xử lý xấp xỉ 658 tỉ đồng trong đó có 273,6 tỉ đồng đã được khẳng định sai phạm, còn hơn 384 tỉ đồng cần được tiếp tục tính toán để xử lý.
Cụ thể, thanh tra kiến nghị giảm trừ thanh quyết toán đối với điều chỉnh giá dự toán theo tiến độ không đúng quy định ở các gói thầu với số tiền gần 112 tỉ đồng. Giảm trừ và bổ sung dự toán đối với giá trị chênh lệch khối lượng có giá trị phát sinh 80 tỉ đồng. Thu hồi tiền bồi thường hỗ trợ không đúng quy định trên 38 tỉ đồng, còn 38 tỉ đồng khác về hỗ trợ đất nông nghiệp cho các hộ bị thu hồi dưới 30% thì thành phố cần xin ý kiến Thủ tướng để có hướng giải quyết.

Nguyên An