Hiểu về màu thực phẩm
Những thông tin gần đây trên báo đài về thực phẩm nhuộm màu làm nhiều người bối rối khi đứng giữa hàng trăm mặt hàng thực phẩm có màu, mà không biết thật giả thế nào.
Hiểu về màu thực phẩm
Những thông tin gần đây trên báo đài về thực phẩm nhuộm màu làm nhiều người bối rối khi đứng giữa hàng trăm mặt hàng thực phẩm có màu, mà không biết thật giả thế nào.
Đồ hoạ: Vĩ Cường |
Thực tế, chúng ta nên ăn những loại thực phẩm có màu tự nhiên thay vì dùng màu công nghiệp để tẩm vào. Một lý do quan trọng là những loại màu tự nhiên này không độc hại mà còn cung cấp cho cơ thể chúng ta nhiều vitamin, khoáng tố và nhiều chất chống oxy hoá rất cao, vừa nuôi dưỡng cơ thể vừa chống lại bệnh tật.
Theo lý luận của y học cổ truyền, nếu cơ thể chúng ta có ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy) thì thực phẩm cũng tương ứng bằng ngũ vị (chua, đắng, ngọt, cay, mặn) và ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen). Vì vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chúng ta mỗi ngày nên có tối thiểu 3 loại màu trong thực đơn của mình, đủ 5 thì rất tốt.
Mỗi bữa ăn nên bao gồm các loại trái cây nhiều màu sắc và các loại rau vì nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng, còn thịt cá và ngũ cốc thường có màu nâu, màu be hoặc màu trắng. Thêm ít ớt đỏ và xanh, cà rốt, đậu xanh để màu sắc phong phú hơn |
Chuyên gia dinh dưỡng VERSTEGEN |
1. Thực phẩm màu đỏ, theo y học cổ truyền, màu đỏ quy vào tạng tâm, màu đỏ là do chứa nhiều hợp chất phytochemical như caroten, lycopene và anthocyanin, giúp tăng cường tim và tuần hoàn khoẻ mạnh, cải thiện trí nhớ, hỗ trợ sức khoẻ đường tiết niệu và giảm nguy cơ một số loại ung thư.
Một số trái, rau củ có màu đỏ như:
– Ớt chuông đỏ giúp cải thiện tiêu hoá, giảm cholesterol và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
– Cà chua nhiều lycopene làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và đái tháo đường.
– Củ cải đường, ít calo nhưng nhiều chất xơ, folate và vitamin A, C và K. Củ cải đường làm mạnh hệ tiêu hoá, giảm viêm và chống lại bệnh tim.
Ngoài ra còn có dâu tây, dưa hấu, bưởi hồng, quả lựu, đậu đỏ, táo đỏ, nho đỏ, lê đỏ, củ hành đỏ…
2. Thực phẩm màu cam gồm chất chống oxy hoá như vitamin C, carotenoid và bioflavonoid. Ăn thực phẩm màu cam có liên quan đến da và sức khoẻ của mắt, tăng khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư và giúp một trái tim khoẻ mạnh.
– Cà rốt giàu vitamin A, kết hợp với beta carotene giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư da.
– Cam nhiều vitamin A và C, tăng khả năng miễn dịch, sức khoẻ tim mạch. Mg trong cam có thể giúp tăng cường nồng độ Ca trong xương và cải thiện tiêu hoá.
– Khoai lang có nhiều chất xơ, vitamin A, C, sắt và chất chống oxy hoá. Ăn khoai lang giúp làn da khoẻ mạnh, tăng khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ ung thư.
– Đào nhiều vitamin A, C, E, K và chất xơ, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, tiêu hoá tốt, giảm viêm và giảm nguy cơ ung thư. Ngoài ra màu cam còn có mơ, dưa lưới, quả lý gai, quả kiwi vàng, xoài, quả xuân đào, đu đủ, hồng, quýt, bí đỏ.
3. Thực phẩm màu vàng, quy kinh tỳ, tăng cường tiêu hoá tốt và tối ưu cho não bộ. Nhiều alpha và beta carotene, thực phẩm màu vàng có liên quan đến khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bảo vệ da và giúp mắt khoẻ.
– Dứa nhiều men bromelain giúp điều chỉnh và trung hoà các chất dịch cơ thể và giúp tiêu hoá. Nhiều vitamin C cũng giúp phòng bệnh tim, ung thư, đục thuỷ tinh thể và đột quỵ.
– Ớt vàng nhiều vitamin C và A, tăng cường hệ thống miễn dịch và làn da khoẻ mạnh và bảo vệ quả tim.
– Khế nhiều vitamin C và Ca. Quả này giúp hệ miễn dịch, sức khoẻ của xương chống sự co thắt cơ bắp. Ngoài ra còn có bắp vàng, táo vàng, quả kiwi vàng, chanh dây, lê vàng, dưa hấu vàng, củ cải vàng, cà chua màu vàng và bí vàng.
4. Thực phẩm màu xanh lá cây, quy kinh can, gồm trái cây và rau xanh cũng có chứa một hàm lượng cao của phytochemicals mạnh như lutein và indole. Lợi ích của chúng là giảm nguy cơ một số bệnh ung thư, tăng thị lực, trẻ hoá hệ xương và răng.
– Bông cải xanh, nhiều Ca và Fe, giúp bảo vệ răng, xương, cơ bắp và giảm nguy cơ ung thư.
– Rau bina, chứa chất chống oxy hoá và vitamin K, giúp xương mạnh.
– Kiwi xanh, nhiều folate, vitamin E và glutathione, tất cả giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tăng cường sức khoẻ tối ưu. Các thực phẩm màu xanh lá cây khác bao gồm bơ, táo xanh, nho xanh, chanh, lê, atisô, măng tây, bông cải xanh, đậu xanh, bắp cải xanh…
5. Thực phẩm màu tím hoặc đen, quy kinh thận, loại này chứa nhiều anthocyanins, là chất chống oxy hoá và chống lão hoá trong cơ thể. Màu xanh đậm và tím giúp thúc đẩy sức khoẻ của xương và được chứng minh là giảm nguy cơ một số bệnh ung thư, cải thiện trí nhớ và tăng cường sức khoẻ đường tiết niệu. Lợi ích chính của các loại thực phẩm màu xanh và màu tím là tăng lưu thông máu của hệ tuần hoàn.
– Mận màu đỏ sậm hoặc mận tím Úc, nhiều vitamin B, giúp chuyển hoá carbohydrate, protein, chất béo và bổ xương.
– Cà tím nhiều chất xơ, giàu vitamin C, Ca, P giúp xương và răng chắc khoẻ. Một số tím khác như nho đen, mận khô, nho tím, măng tây tím, bắp cải tím, cà rốt màu tím, khoai lang tím, rau diếp quăn màu tím và đậu đen.
6. Thực phẩm màu trắng, quy kinh phế, màu tự nhiên như bánh mì trắng và gạo trắng, cũng đều có giá trị dinh dưỡng cao. Các loại trái cây và rau nấm màu trắng đã được chứng minh giảm cholesterol, giảm huyết áp và giảm nguy cơ bệnh tim. Ăn thực phẩm màu trắng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ thống bạch huyết và giúp phục hồi sự suy thoái của tế bào.
– Tỏi, cùng họ với hẹ và hành tây, vị nồng, thực phẩm mạnh này có liên quan đến sức khoẻ tim mạch, giảm nguy cơ ung thư và cũng là kháng sinh mạnh.
– Hành tây trong cấu trúc có chất lưu huỳnh cũng kháng khuẩn mạnh như tỏi, hành tây còn giúp giảm lượng đường trong máu, cải thiện sức khoẻ tim mạch, giảm huyết áp và cholesterol. Hành tây cũng rất giàu các quercetin, bảo vệ và ngăn chặn sự hình thành khối u trong tế bào.
– Bông cải trắng, chứa nhiều chất chống oxy hoá mạnh mẽ như Mn và vitamin C. Một ly súplơ có 52mg vitamin C, so với 64mg trong một quả cam. Thực phẩm lành mạnh này cũng làm tăng khả năng miễn dịch.
– Bắp cải trắng, vitamin U có trong bắp cải trắng còn có tác dụng chống viêm loét dạ dày. Một vài loại thực phẩm màu trắng khác như gừng, củ cải, củ đậu, bắp trắng, hẹ tây, khoai tây trắng, nấm bào ngư, nấm đùi gà, nấm hương, măng le, su hào…