28/12/2024

Tỉ phú trẻ muốn chống… ung thư

Tỉ phú trẻ của Mỹ Sean Parker đã đóng góp 250 triệu USD cho công tác nghiên cứu điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, theo cách kết nối hợp tác giữa các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này.

 

Tỉ phú trẻ muốn chống… ung thư

 

 

Tỉ phú trẻ của Mỹ Sean Parker đã đóng góp 250 triệu USD cho công tác nghiên cứu điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, theo cách kết nối hợp tác giữa các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này.

 

 

 

 

 

Tỉ phú trẻ muốn chống... ung thư
Tỉ phú công nghệ Sean Parker – Ảnh: Reuters

Theo Reuters, với số tiền quyên tặng được cho là lớn nhất từ trước tới nay dành cho nghiên cứu liệu pháp miễn dịch, Viện Nghiên cứu điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch Parker (Viện Parker) sẽ bao gồm hơn 40 phòng thí nghiệm và hơn 300 nhà nghiên cứu từ sáu trung tâm nghiên cứu ung thư chủ chốt: Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York, Đại học Y khoa Stanford, Đại học California tại Los Angleles, Đại học California ở San Francisco, Trung tâm ung thư MD Anderson tại Houston, Texas và Đại học Pennsylvania tại Philadelphia.

Trong nhiều thập kỷ qua, đã có rất ít những tiến bộ. Nhiều tỉ USD đã đổ vào công tác nghiên cứu, phát triển một vài loại thuốc mới nhưng chỉ kéo dài thêm thời gian sống cho người bệnh từ 3-6 tháng

Tỉ phú SEAN PARKER

Tập trung 
và nhanh chóng

Chia sẻ với Reuters về mục đích thành lập Viện Parker, tỉ phú Parker – đồng sáng lập trang chia sẻ nhạc Napster kiêm chủ tịch đầu tiên của Facebook – cho biết việc thành lập một viện nghiên cứu kết nối như thế sẽ giúp “phổ biến ngay lập tức bất cứ kết quả nghiên cứu đột phá nào giữa các trung tâm mà không hề vướng phải rào cản (về mặt sở hữu trí tuệ) hay thủ tục hành chính quan liêu rườm rà nào”.

Viện Parker sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư bằng miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động trên nguyên lý tìm cách tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch của người bệnh để có thể tự tiêu diệt tế bào ung thư.

Đây là liệu pháp được xem là tốt nhất hiện nay. Điển hình như trường hợp của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng được điều trị theo phương pháp này, hồi tháng 12 năm ngoái ông tuyên bố không còn tìm thấy tế bào ung thư trong cơ thể.

Tỉ phú Parker cho rằng hiện tại liệu pháp điều trị miễn dịch vẫn chỉ được xem như giải pháp cuối cùng. Người bệnh chỉ được tiếp cận khi hệ miễn dịch của họ thực tế đã bị huỷ hoại vì hoá trị và xạ trị.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tháng trước, tỉ phú Parker tự tin cho biết: “Tôi muốn đưa nó trở thành liệu pháp đầu tiên. Nó sẽ làm thay đổi toàn bộ chi phí chăm sóc điều trị sau đó”.

Các loại thuốc điều trị ung thư mới được phê chuẩn gần đây như Yervoy và Opdivo đã giúp một số người bệnh giảm nhẹ bớt tác động bệnh tật. Tuy nhiên, những liệu pháp điều trị thế hệ đầu tiên không có hiệu quả với tất cả mọi người và giới khoa học vẫn đang đau đầu tìm giải pháp tăng hiệu quả điều trị của chúng.

Viện Parker đã xác định tập trung vào ba lĩnh vực nghiên cứu chính: thay đổi các tế bào T trong hệ miễn dịch của chính người bệnh để tiêu diệt khối u; nghiên cứu những cách thức giúp làm tăng khả năng thích ứng của người bệnh với các loại thuốc miễn dịch trị liệu hiện có và nghiên cứu tìm kiếm thêm những giải pháp mới có khả năng tấn công khối u.

Thay đổi kiểu mẫu

Tiến sĩ Jedd Wolchok, người đứng đầu bộ phận điều trị khối u và các liệu pháp liên quan đến miễn dịch trị liệu tại Trung tâm ung thư Sloan Kettering, cho rằng việc thành lập Viện Parker là “sự thay đổi kiểu mẫu”, giúp giảm bớt áp lực trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu của các nhà khoa học mà với riêng bản thân ông cũng mất ít nhất 30% thời gian làm việc.

Cũng theo ông Jedd Wolchok, Viện Parker giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học có trình độ, giúp họ có cơ hội tiếp cận công nghệ dữ liệu cũng như công nghệ xử lý thông tin mới nhất.

Ông Wolchok nhận định: “Tôi tin là cách này sẽ giúp chúng tôi nghiên cứu tốt hơn và cũng sẽ giúp việc nghiên cứu được nhanh hơn”.

Viện Parker cũng hướng tới mục tiêu đảm bảo cho mọi thành viên có thể dễ dàng chia sẻ những khám phá và chia sẻ công cụ nghiên cứu, đồng thời giúp họ thuận lợi trong việc phối hợp tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với các bộ dữ liệu và quy trình thực hiện được chuẩn hoá.

Tỉ phú công nghệ Parker cho biết để tối đa hóa hiệu quả đầu tư, mọi lợi nhuận thu được từ các nghiên cứu của Viện Parker sẽ được đầu tư trở lại cho hoạt động nghiên cứu của viện này.

Theo đó, các phát minh được cấp bản quyền của các nhà nghiên cứu hoạt động tại Viện Parker sẽ chia sẻ theo tỉ lệ 50-50 giữa người sở hữu và viện.

Một uỷ ban gồm các thành viên đến từ mỗi trung tâm ung thư cũng như các đại diện của Viện Parker sẽ cùng nhau đánh giá về những thoả thuận cấp bản quyền. Giáo sư Jeff Blustone của Đại học California tại San Francisco (UCSF), cũng là nhà nghiên cứu đầu tiên về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư, đã được bổ nhiệm giữ cương vị chủ tịch Viện Parker.

Lập Viện Parker vì bạn

Tỉ phú công nghệ Parker cho biết ý tưởng thành lập Viện Parker của anh được khơi gợi từ trường hợp của người bạn quá cố Laura Ziskin, nhà sản xuất phim Hollywood và cũng là nhà sáng lập của tổ chức từ thiện chuyên quyên góp tiền giúp người bị ung thư “Stand up to cancer”.

Chính Laura đã khiến anh hiểu sâu sắc hơn nhu cầu bức thiết trong việc cải tổ công tác nghiên cứu ung thư. Năm 2011, Laura qua đời vì căn bệnh này và vị chủ tịch đầu tiên của Facebook chia sẻ: “Cái chết của Laura đã làm tôi thay đổi”.

D.KIM THOA ([email protected])