08/01/2025

Nghịch lý tranh Việt dùng sơn Nhật: bụt chùa nhà không thiêng?

Người trong nước không mặn nguyên liệu sơn ta nhưng 80% nguyên liệu quý giá này lại được người Trung Quốc mua về tinh chế để bán lại cho người Nhật… Đó là một nghịch lý ai cũng thấy khi kể câu chuyện về sơn mài VN.

 

Nghịch lý tranh Việt dùng sơn Nhật: bụt chùa nhà không thiêng?

 

 

Người trong nước không mặn nguyên liệu sơn ta nhưng 80% nguyên liệu quý giá này lại được người Trung Quốc mua về tinh chế để bán lại cho người Nhật… Đó là một nghịch lý ai cũng thấy khi kể câu chuyện về sơn mài VN.

 

 

 

 

 

Nghịch lý tranh Việt dùng sơn Nhật: bụt chùa nhà không thiêng?
Hoạ sĩ Nguyễn Đình Bảng giới thiệu quy trình làm tranh sơn mài truyền thống từ sơn ta – Ảnh: Đ.Triết

Câu chuyện đáng ngạc nhiên về sơn ta, sơn mài được những người trong cuộc chia sẻ qua sự kiện Chuyện sơn mài Việt Nam.

Vì sao sơn ta thất thế?

Câu trả lời đã có: từ hàng chục năm nay, hoạ sĩ Việt Nam gần như không dùng sơn ta để vẽ tranh sơn mài mà phần lớn dùng sơn điều, sơn công nghiệp (Nhật Bản).

Theo các họa sĩ trong nhóm sơn ta (như Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Đình Bảng, Đào Ngọc Hân, Nguyễn Đức Việt, Vũ Tuấn Dũng, Trần Đình Bình…) thì không thể áp đặt chất liệu sáng tạo cho hoạ sĩ.

Việc chọn sơn ta, sơn điều hay sơn Nhật để sáng tạo là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, khi phải so sánh thì ai cũng đề cao chất liệu sơn ta dù phải mất công để ủ, mất thời gian chờ khô sau sơn, song lại có độ kết dính cao, đem đến cho tranh chiều sâu hơn, óng ả hơn, dày hơn và bền hơn.

Đầy ưu thế như thế mà sao sơn ta không còn được sử dụng nhiều vào ứng dụng mỹ thuật?

Lý giải điều này, họa sĩ Nguyễn Đình Bảng – người con của làng nghề sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) – cho rằng:

“Vì cái nỗi lắm công phu nên giá thành của tác phẩm làm bằng sơn ta sau khi hoàn thành có giá gấp cả chục lần so với tác phẩm làm bằng sơn điều, sơn Nhật. Vừa đắt, vừa mất công, thế nên sơn ta không còn được người sáng tạo mặn mà”.

Là trưởng khoa mỹ nghệ Trường trung cấp Tổng hợp Hà Nội, hoạ sĩ Bảng còn chia sẻ câu chuyện ở trường có nhiều người làng nghề, học sinh đến theo học nghề làm sơn mài. Dù được đào tạo bài bản trên chất liệu sơn ta thế nhưng gần như không mấy người khi làm nghề sử dụng sơn ta để tạo thành sản phẩm.

“Không thể trách hoạ sĩ hay nghệ nhân, người làm nghề được, nếu như từ phía Nhà nước vẫn chưa có chính sách rõ ràng về vấn đề này”- hoạ sĩ Nguyễn Đình Bảng nói.

Anh Tạ Hùng Cường – giám đốc Công ty TNHH Phúc Cường – cho biết dù là công ty chuyên xuất khẩu hàng sơn mài ra nước ngoài nhưng các sản phẩm cũng chỉ làm bằng sơn điều, sơn Nhật.

“Một năm may ra mới có 1-2 đơn hàng đặt sản phẩm làm từ chất liệu sơn ta. Thật đáng buồn khi chất liệu làm sơn mài rất quý ấy cứ dần dần biến mất. Thế nhưng chúng tôi cũng không thể nỗ lực một mình được – dù đã rất nhiều lần nỗ lực”- anh Cường nói.

Trung Quốc nhập khẩu hơn 80% sản phẩm sơn ta

Họa sĩ Bảng bảo rằng ông rất xót xa khi mới đây về huyện Tam Nông, Phú Thọ, một trong những vùng đất có giống sơn đỏ quý trên thế giới, ông thấy người dân phá nhiều nương sơn để trồng cây khác thay thế. Nguyên nhân là vì hai năm qua giá sơn bị rớt, chỉ bằng nửa mấy năm trước.

“Và thật nực cười khi chúng ta có nguồn nguyên liệu quý nhưng đến giờ chẳng mấy người dùng mà để cho thương lái Trung Quốc mua đến 80% với giá trên 100.000 đồng/kg.

Sau đó, họ về tinh chế để bán lại cho người Nhật với giá vài triệu đồng/kg (chiếm đến 80% tổng số sơn nhập khẩu của Nhật Bản. Còn người Nhật nhập trực tiếp từ nước ta chỉ chiếm 2%).

Ngoài ra, Trung Quốc có hẳn chính sách quy định việc phục chế hay làm mới chùa chiền đều phải sơn bằng sơn tự nhiên (sơn ta). Còn ta thì…”.

Chị Nguyễn Thị Minh Hương, khu 7, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông – người chuyên cung cấp sơn ta cho nhóm hoạ sĩ sơn ta Hà Nội, cũng cho biết chỉ có mấy anh hoạ sĩ sơn ta Hà Nội thi thoảng mua sơn của chị, còn lại Trung Quốc mua hết.

“Nhưng giá cả rất bấp bênh. Chúng tôi chỉ ước sao được bán sơn cho người Việt mình như bao đời trước ông cha vẫn thường hay kể…” – chị Hương vừa nói vừa dặn là nếu biết ai có nhu cầu mua sơn ta thì mách mối giúp chị!

Nghịch lý tranh Việt dùng sơn Nhật: bụt chùa nhà không thiêng?
Tranh sơn mài Việt Nam. – Ảnh tư liệu.

Chất liệu quý bị lãng quên?

Giờ đây chùa chiền được xây dựng rất nhiều hay các làng nghề đúc nhiều tượng Phật, làm nhiều hoành phi câu đối; thế nhưng việc sơn son thếp vàng đều dùng sơn điều hoặc sơn Nhật.

Đó là băn khoăn của hoạ sĩ Ngọc Hân – người cùng với GS.TS Nguyễn Lân Cường phục chế tượng thiền sư Vũ Khắc Minh, thiền sư Vũ Khắc Trường (chùa Đậu), tượng chùa Phật Tích, chùa Tiêu từ sơn ta của vùng đất Tam Nông, Phú Thọ.

Họa sĩ Ngọc Hân kể: “Sơn ta có sức chịu mặn, chịu ẩm tốt, còn các loại sơn khác thì không có. Thêm vào đó là vẻ đẹp của các pho tượng khi được sơn bằng sơn ta cũng mang vẻ trầm mặc hơn.

Ngoài ra, ai cũng biết ngày trước thuyền thúng, thậm chí mâm cơm, bát, đũa… cũng được người xưa dùng sơn ta để kết dính hoặc sơn cho sạch, chống ẩm mốc.

Nghĩa là sơn ta không độc hại như sơn công nghiệp bây giờ. Cha ông ta đã ứng dụng được sơn ta vào những việc này thế nhưng chúng ta lại như thể lãng quên mất chất liệu quý này…”.

Nhiều câu chuyện thú vị

Sự kiện Chuyện sơn mài Việt Nam do Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm họa sĩ “sơn ta” Hà Nội tổ chức vừa được khai mạc tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) ngày 15-4, đồng thời diễn ra ở ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ) từ nay đến ngày 2-5.

Với sự đóng góp của Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội – trường duy nhất hiện nay có giáo trình và đào tạo bài bản, đầy đủ quy trình về làm tranh sơn mài truyền thống; lần đầu tiên câu chuyện về nguồn gốc, công cụ khai thác sơn ta (cây sơn tự nhiên), công cụ chế tác, kỹ thuật chế tác tranh sơn mài truyền thống được kể tỉ mỉ qua hình ảnh, dụng cụ và những bức tranh sơn mài.

 

ĐỨC TRIẾT