Bí thư kiêm chủ tịch huyện, dân được lợi
Đầu tháng 4, chúng tôi đến huyện Tiên Yên – nơi được xem là một trong những “lá cờ đầu” thực hiện chủ trương nhất thể hoá của Quảng Ninh.
Bí thư kiêm chủ tịch huyện, dân được lợi
Đầu tháng 4, chúng tôi đến huyện Tiên Yên – nơi được xem là một trong những “lá cờ đầu” thực hiện chủ trương nhất thể hoá của Quảng Ninh.
Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Vũ Văn Diện (nay là phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) thăm và hỗ trợ gia đình ông Nông Văn Lắng (thôn Đồng Tâm) xây nhà chống lũ hồi tháng 11-2015 – Ảnh: Hùng Sơn |
Đây cũng là nơi có giống gà Tiên Yên nổi tiếng, được người dân địa phương sánh: “Lợn Móng Cái – gái Đầm Hà – gà Tiên Yên”.
Chủ trương nhất thể hóa – một lãnh đạo kiêm “hai vai” bí thư và chủ tịch UBND – có liên quan gì đến chuyện đàn gà, chuyện đời sống của người dân?
Không còn “đùn đẩy”
Ông Hoàng Văn Sinh (trưởng Ban tổ chức Huyện ủy đồng thời là trưởng Phòng nội vụ huyện Tiên Yên) dẫn giải: nhất thể hóa không đơn thuần chỉ là công việc sắp xếp nhân sự, tổ chức ở “trên huyện” mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đơn cử như những chuyển động liên quan đến thương hiệu gà Tiên Yên.
Đây là giống gà quý, tuy nhiên do chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, gà Tiên Yên có nguy cơ lai tạp. Trước thực tế này, một người dân địa phương là ông Lý Văn Diểng đã tìm ra phương pháp thụ tinh nhân tạo để giữ gìn giống gà quý vào năm 2013.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, khi ông Diểng đề xuất lãnh đạo huyện hỗ trợ để mở rộng quy mô đàn gà thì nhiều người còn hoài nghi về hiệu quả mô hình, dù UBND huyện đồng ý nhưng Huyện uỷ không thống nhất được chủ trương về phương án hỗ trợ.
Ông Vũ Văn Diện (người từng giữ hai vai bí thư Huyện ủy kiêm chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, hiện là phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) kể lại: “Về giống gà Tiên Yên, khi tôi là chủ tịch huyện thì anh em có bàn nhưng không thống nhất được. Với vai trò chỉ là chủ tịch, tôi có phần chần chừ. Đồng chí bí thư thì không đi sâu vì coi đây là việc chính quyền, còn chính quyền lại chờ chủ trương cấp uỷ”.
Gần hai năm, dù đã nắm trong tay công nghệ “độc quyền”, trại gà của ông Diểng vẫn loay hoay trong bài toán phát triển vì không có nguồn hỗ trợ. Trong khi đó với cách chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, giống gà quý ngon thịt thuần chủng này cứ thưa dần.
Tháng 5-2015, Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Yên bầu ông Vũ Văn Diện vào vị trí bí thư Huyện ủy kiêm chủ tịch UBND huyện. Chuyện chần chừ về đàn gà giống được đưa ra tập thể bàn quyết liệt.
Sau đó, huyện giao cho ông Diểng thử nghiệm phương pháp thụ tinh nhân tạo gà. Tháng 8-2015, lứa gà đầu tiên hơn 1.200 con thuần chủng được sinh sản theo phương pháp này ra đời. Cả ông Diểng và những người ủng hộ ông đều vui mừng.
“Khi tôi kiêm nhiệm bí thư và chủ tịch, vai trò người đứng đầu buộc mình phải quyết và về chuyện đàn gà tôi đã quyết đúng. Các nhà khoa học về huyện làm việc, kiểm tra thực tế, đánh giá rất cao kết quả thực hiện chủ trương này” – ông Vũ Văn Diện chia sẻ.
Không dừng lại ở việc nhân giống gà, Huyện ủy và UBND huyện Tiên Yên dưới sự chủ trì của “một lãnh đạo” còn tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư tìm đầu ra cho đặc sản này. Nhờ đó, các trang trại gà trên địa bàn huyện đã tìm được đầu ra, như Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam chấp nhận đưa gà Tiên Yên vào bếp ăn của hàng nghìn công nhân ngành than.
Phục vụ dân tốt hơn
Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện nhất thể hóa nhiều năm qua. Ông Hoàng Bá Nam (bí thư Huyện uỷ kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô) cho biết thông qua nhất thể hoá, tương tự Tiên Yên, Cô Tô đã “tiết kiệm” được 6 – 7 biên chế là chức danh lãnh đạo cấp huyện.
Theo ông Nam, vừa qua Cô Tô đã trở thành huyện đảo đầu tiên cán đích xây dựng nông thôn mới. Một trong những bí quyết chính là nhờ chủ trương nhất thể hóa, tổ chức bộ máy gọn, đơn vị hành chính và đầu mối ít nên chất lượng, hiệu quả công việc tăng lên.
Nhiều chức danh cán bộ kiêm nhiệm, từ việc đề ra nghị quyết, thảo luận nghị quyết đến tổ chức thực hiện không có khoảng cách, một người hai vị trí cả huyện uỷ và uỷ ban nên không mất thời gian họp hành. Công việc cứ thế chạy. “Đây là điều quan trọng nhất vì mục đích cuối cùng của nhất thể hoá là phục vụ người dân tốt hơn” – ông Nam nói.
Theo ông Hoàng Văn Sinh, đó chính là những cái lợi “sờ thấy được” của công tác nhất thể hoá chức danh cán bộ. Đến nay, huyện Tiên Yên đã thực hiện mô hình một người đứng “hai vai” với 6 chức danh lãnh đạo cấp huyện bao gồm: bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện, trưởng ban tổ chức huyện uỷ đồng thời là trưởng phòng nội vụ huyện, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra huyện uỷ đồng thời là chánh thanh tra huyện, trưởng ban dân vận huyện uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban MTTQ huyện, trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, chánh văn phòng huyện uỷ đồng thời là chánh văn phòng HĐND và UBND huyện.
Mỗi năm tiết kiệm được gần 300 tỉ đồng Đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND ở hai huyện Cô Tô, Tiên Yên và ở 33,87% xã, phường, thị trấn; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố và bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận đạt 31,83% thôn, bản, khu phố. Đồng thời thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp huyện ở mức rất cao. Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ đang thực hiện đề án “Xây dựng cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cấp huyện” và thực hiện thí điểm mô hình này tại 8/14 địa phương có đủ điều kiện: có trụ sở tập trung, đã nhất thể hoá chức danh trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch uỷ ban MTTQ; sắp xếp, tinh giản 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh và 118 phòng ban, đơn vị trực thuộc các sở, ban ngành và địa phương. Theo ông Vũ Hồng Thanh – phó bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, qua thực hiện nội dung tinh giản bộ máy, biên chế nói chung (từ năm 2014) đã tiết kiệm được khoảng 300 tỉ đồng/năm, bằng tổng số thu ngân sách nội địa của 6 huyện miền núi, hải đảo của tỉnh. |