26/12/2024

Ồn chút có sao đâu!?

Không ít trường hợp nói chuyện ồn ào trong bệnh viện, cười ha hả trong đám tang, bấm còi inh ỏi trước cổng trường học… khi bị nhắc nhở, có người trả lời: “Ồn chút có sao đâu!”.

 

Ồn chút có sao đâu!?

Không ít trường hợp nói chuyện ồn ào trong bệnh viện, cười ha hả trong đám tang, bấm còi inh ỏi trước cổng trường học… khi bị nhắc nhở, có người trả lời: “Ồn chút có sao đâu!”.

 

Ồn chút có sao đâu!?

Ô nhiễm tiếng ồn đang là một vấn nạn ở những nơi công cộng

Vô tư nghe điện thoại trong rạp chiếu phim, nói chuyện ồn ào trong bệnh viện, trên xe buýt, bấm còi inh ỏi trước trường học… là một số ít trong nhiều ví dụ cho thấy sự vô tư đến phiền nhiễu người khác của một bộ phận người Việt. 

Giao tiếp là nhu cầu cơ bản của con người và chẳng ai cấm việc nói chuyện, trao đổi nhưng nói ở đâu, nói với âm lượng thế nào, nói trong thời gian bao lâu là điều cần cân nhắc.

Ở đâu cũng ồn

Tiến sĩ (TS) Lý Tùng Hiếu, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, kể mình từng chứng kiến cảnh phụ huynh đến trường đón con và bấm còi xe inh ỏi để “báo hiệu” cho con biết mình đã tới, mặc kệ những lớp khác đang học hay đang là giờ nghỉ ngơi của giáo viên.

Có cùng “nỗi khổ” này, bạn đọc Thuỳ Trinh hy vọng các rạp chiếu phim, sân khấu kịch cũng nên có quy định rõ ràng về việc gây ồn, làm ảnh hưởng đến không gian giải trí của người khác.

“Vào rạp C – được coi là cụm rạp hiện đại nhất VN – mà người xem phim vô cùng thiếu ý thức, đã vào xem trễ lại còn gọi nhau í ới như cái chợ, rồi bình luận phim, anh kể cho chị nghe các diễn biến sắp xảy ra (anh đoán), chị ngồi cười ha ha vì anh đoán sai hoặc đúng! Vô duyên hết mức!” - bạn đọc chia sẻ.

Rất nhiều người khó chịu khi người bên cạnh, ngồi chung chuyến xe đò chật chội cứ vô tư nói oang oang trên điện thoại cả giờ khi có người đang ngủ và cũng không ít người mệt mỏi khi đang ru em bé ngủ trong bệnh viện, bé giật thót người bởi những cuộc trò chuyện vồn vã của người thăm nuôi.

Một bạn đọc khác cho biết mình cũng bị làm phiền bởi tiếng ồn khi đi xe buýt đường dài.

“Tôi hay đi xe buýt đường dài, thấy nhiều người suốt thời gian xe chạy (khoảng 2-3 tiếng) hết nói chuyện điện thoại thì quay sang nói chuyện với người đi cùng bằng âm giọng oang oang như đang nói từ đầu này sang đầu kia của sân vận động”, bạn đọc kể.

Khi đi du lịch nước ngoài, nhiều người vẫn giữ thói quen nói chuyện to như ở nhà. Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Lửa Việt Tour, kể có lần một đoàn khách VN đi từ Pháp qua Ý bằng xe lửa, khi đến trạm dừng, cảnh sát khu vực đã mời cả đoàn về trụ sở làm việc vì… quá ồn ào.

Cái xấu biến thành điều bình thường

Có những trải nghiệm không mấy vui vẻ vì nhắc nhở người to tiếng, anh Thanh Phong (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nói: “Thấy chỗ nào ồn quá thì bỏ đi thôi chứ nhắc một tiếng là bị nói lại ngay”.

Bạn đọc Cao Lanh cũng cho rằng ở nơi công cộng hay phòng khám, bệnh viện, lỡ gặp người làm ồn cũng ráng chịu chứ nhắc nhở thì “bị chửi là cái chắc”.

Thạc sĩ (ThS) xã hội học Lê Minh Tiến đánh giá chuyện người Việt không có thói quen giữ im lặng tại nơi công cộng, bệnh viện, trường học hay trên các phương tiện vận tải (xe khách, máy bay…) hình như đã trở thành một căn bệnh mãn tính.

Theo TS Lý Tùng Hiếu, khi còn nhỏ, nếu trẻ lỡ lớn tiếng ở nơi cần sự yên tĩnh, cha mẹ sẽ là người nhắc nhở, điều chỉnh hành vi. Và việc được giáo dục từ nhỏ sẽ là nền tảng để khi trưởng thành, người ta biết cư xử đúng mực.

Tuy nhiên, ngay cả khi được giáo dục từ nhỏ trong gia đình nhưng vì khi tiếp xúc với đời sống xã hội thì những nguyên tắc ấy không được nhiều người ứng dụng mà thay vào đó là những ứng xử không đẹp nơi công cộng như nói chuyện ồn ào, vứt rác khắp nơi, khạc nhổ bừa bãi, tiểu tiện nơi công cộng… lại chiếm đa số nên người ta bị cuốn theo những lối ứng xử này hơn là ứng xử lịch sự.

Im lặng cũng cần phải học

Theo các chuyên gia, nếu từ trong nhận thức đã xem việc nói chuyện to tiếng nơi đông người là bình thường thì sẽ không thấy được việc mình làm gây khó chịu cho người khác. Do đó, để biết im lặng, nói nhỏ tiếng cũng cần phải học và thay đổi từ nhận thức.

TS Lý Tùng Hiếu cho rằng thói xấu phổ biến này của người Việt sẽ còn kéo dài nếu xã hội không chú ý đến xây dựng nền nếp văn minh đô thị. Tuy vậy, để uốn nắn dần những thói xấu như thế không phải là dễ.

Theo TS Hiếu, giải pháp thứ nhất là phải tạo ra môi trường xã hội nơi mà mọi người cảm thấy gắn kết với nhau, có quan hệ với mọi người xung quanh, từ đó biết cách ứng xử phù hợp hơn trong cộng đồng chứ không hành xử như thể chỉ có bản thân nữa.

Giải pháp thứ hai là cần những hình thức xử phạt nghiêm minh và công bằng, có tác dụng cảnh tỉnh ngay lập tức đối với người vi phạm và chưa vi phạm.

Giải pháp thứ ba là phải tạo được động cơ để người ta không thể làm điều xấu vì không có lợi cho bản thân, để người làm việc tốt có lợi còn làm việc xấu thì gặp bất lợi. 

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – phó viện trưởng Viện VH-NT quốc gia, biện pháp hạn chế tình trạng này phải triển khai đồng bộ từ gia đình đến trường học.

Ngoài ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng các tổ chức đoàn thể và các cơ quan truyền thông đại chúng cũng có thể là những kênh giúp nâng cao nhận thức.

Văn hoá trật tự ở nước ngoài

Tại Singapore, những hoạt động ngoài trời có sử dụng âm thanh lớn sẽ phải dừng trước 11 giờ để mọi người nghỉ ngơi.

Ngọc Anh, một du học sinh tại Nhật Bản, cho biết cô đặc biệt ấn tượng với ứng xử của người Nhật ở nơi công cộng.

“Những lúc cao điểm, tàu điện luôn rất đông người nhưng không ồn ào chút nào. Mọi người luôn ngồi im, nghe nhạc, đọc sách, chơi game hoặc ngủ, tuyệt đối không làm phiền người xung quanh. Nếu có nói chuyện, họ cũng nói rất nhỏ. Kể cả những quán cà phê đông đúc cũng không thấy hình ảnh tụm năm tụm ba nói chuyện, cười giỡn. Trẻ em cũng vậy, chúng không gây ồn” - chị Ngọc Anh chia sẻ.

Tại Mỹ, người dân có thể kiện nếu hàng xóm gây tiếng ồn và làm phiền cuộc sống của mình. Thường với những vụ kiện tương đối nhỏ như vậy, người kiện có thể đòi mức bồi thường tổn hại khoảng vài ngàn đôla Mỹ.