26/12/2024

Nên điều trị trầm cảm sớm

Không ít người nổi tiếng khi bị căng thẳng, trầm cảm đã tìm cách giải thoát bằng cái chết mà không biết rằng đây là bệnh điều trị được bằng thuốc và trị liệu tâm lý.

 

Diễn viên Việt Trinh: Nên điều trị trầm cảm sớm

 

Không ít người nổi tiếng khi bị căng thẳng, trầm cảm đã tìm cách giải thoát bằng cái chết mà không biết rằng đây là bệnh điều trị được bằng thuốc và trị liệu tâm lý.

 

 

 

 

Nhiều áp lực

4 tháng ròng rã giam mình trong nhà, hơn 1 tháng chỉ ngủ chập chờn khoảng 2 tiếng, thường xuyên nghĩ về cái chết… là những gì diễn viên Việt Trinh từng trải qua.

Việt Trinh tâm sự thời điểm đó cô thật sự bế tắc, bạn bè dần không còn ai, cô cũng không dám nói với gia đình, mẹ thì bị bệnh tim. Nhưng may mắn Việt Trinh gặp được một vị sư cô để trút hết nỗi lòng.

Tự đánh giá trầm cảm

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca cho biết nếu thấy bất ổn, mọi người có thể dùng thang đánh giá trầm cảm Beck (test Beck) để tự kiểm tra. Trong test này gồm 21 đề mục được đánh số từ 1 đến 21, mỗi đề mục chọn ra một câu mô tả gần giống nhất tình trạng mà bạn cảm thấy trong một tuần trở lại.

Beck mô tả các triệu chứng về sự ức chế toàn diện các mặt hoạt động tâm thần: cảm xúc, tư duy, hoạt động, tình trạng ức chế, chậm chạp, mệt mỏi, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ. Điểm tổng cộng càng cao thì đối tượng được thử nghiệm càng bị rối loạn trầm cảm nặng hơn. Trên 14 điểm trở lên, đối tượng làm trắc nghiệm có biểu hiện bệnh lý rối loạn trầm cảm.

Nếu đã mắc bệnh trầm cảm, lúc này lại rất cần sự hợp tác của người bệnh với nhà chuyên môn. Vì vậy khi gặp các biểu hiện như giảm năng lượng, mất tạp trung, mất hứng thú, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, mệt mỏi… cần được tư vấn điều trị sớm.

“Sau ánh đèn sân khấu, sau vai diễn, nghệ sĩ có thể sống rất cô đơn, buồn bã. Vậy nên họ rất cần dư luận cảm thông, đừng vội phán xét. Cơn bão dư luận rất dễ đưa nghệ sĩ đến đường cùng”- Việt Trinh tâm sự.

Qua câu chuyện của mình, Việt Trinh chia sẻ mỗi người không nên thu mình lại. Tìm đến bác sĩ tâm lý hay chuyên gia để được điều trị sớm là rất cần thiết.

Nói về chứng trầm cảm ở người nổi tiếng, bác sĩ Nguyễn Văn Ca, phó trưởng khoa tâm thần kinh Bệnh viện 175 (TP.HCM), cho biết: “Chưa có nghiên cứu về việc người nổi tiếng mắc trầm cảm. Tuy nhiên, dưới nhiều áp lực với công việc đặc thù, người nổi tiếng rất dễ trầm cảm. Bên cạnh đó, việc tự gây áp lực cho chính mình và sợ mất hình ảnh trước công chúng càng khiến người nổi tiếng ngại điều trị dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn”.

Về các triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm, bác sĩ Ca nói: buồn rầu, mất hứng thú trong các hoạt động hằng ngày, mất hi vọng; rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ăn uống, sút cân, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, mệt mỏi, giảm sinh lực; cảm thấy mình vô dụng, bận tâm suy nghĩ nhiều đến cái chết hoặc tự sát…

Trầm cảm đi liền với 
suy nghĩ tự tử

Theo ThS tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ, ai cũng có thể bị trầm cảm. Trầm cảm đi liền với suy nghĩ tự tử. Không chỉ ở thế giới hay Việt Nam, vấn đề nghệ sĩ bị trầm cảm khá phổ biến. Quan trọng là ứng xử của người trong cuộc và ngoài cuộc như thế nào để tình trạng tự tử vì căn bệnh này giảm đi.

“Không nên bàn tán chuyện trầm cảm của người khác, góp phần làm tình trạng người bệnh nặng hơn và gây ra hậu quả xấu nhất”- ThS tâm lý Minh Huệ chia sẻ.

Trong khi đó, theo ThS giáo dục học Võ Thị Hồng Trước – khoa khoa học giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM, ai cũng có quyền được tôn trọng sự riêng tư. Công chúng nên quan tâm người nổi tiếng ở góc độ nghề nghiệp và những đóng góp của họ trong công việc sẽ giúp tình trạng trầm cảm, stress của họ bớt đi vào bế tắc hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta đều đang có nhiều áp lực. Vì vậy, cần tập chia sẻ và cảm thông nhiều hơn phán xét. Nên tập có thái độ đón nhận mọi sự việc bình tĩnh, chỉ đưa ra nhận xét khi có đầy đủ thông tin.

Điều trị trầm cảm giúp giảm nguy cơ bệnh tim

Nghiên cứu mới được thực hiện tại Viện Tim mạch thuộc Trung tâm y khoa Intermountain (Salt Lake City, Mỹ) cho biết việc điều trị tốt tình trạng trầm cảm có thể giúp làm giảm nguy cơ bị các rối loạn tim mạch.

Các nhà khoa học sử dụng dữ liệu sức khỏe điều tra về chứng trầm cảm của hơn 100.000 bệnh nhân và trích xuất 7.550 trường hợp được theo dõi đầy đủ thông tin.

Những người này được phân chia thành 4 nhóm: không bao giờ có cảm giác chán nản; không còn cảm giác chán nản; vẫn còn cảm giác chán nản; và đang có khuynh hướng trở nên chán nản.

Kết quả cho thấy người không còn cảm giác chán nản có tỉ lệ mắc bệnh tim tương tự người không bao giờ có cảm giác chán nản. Trong khi đó, nhóm vẫn còn hoặc đang có khuynh hướng chán nản có tỉ lệ mắc bệnh tim cao hơn.

Bs Nguyễn Tất Bình (Theo American College of Cardiology)

DIỆU NGUYỄN