24/12/2024

Người nước ngoài làm phim Việt

Điện ảnh Việt thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều bộ phim do người nước ngoài làm đạo diễn hoặc thực hiện nhiều khâu khác như quay phim, diễn xuất, hoá trang, làm âm thanh, hậu kỳ…

 

Người nước ngoài làm phim Việt

 

Điện ảnh Việt thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều bộ phim do người nước ngoài làm đạo diễn hoặc thực hiện nhiều khâu khác như quay phim, diễn xuất, hoá trang, làm âm thanh, hậu kỳ…





Đạo diễn Nhật Ken Ochiai (trái) chỉ đạo diễn xuất trong phim 'Vệ sĩ Sài Gòn' - Ảnh: CJ – TNA

 

Đạo diễn Nhật Ken Ochiai (trái) chỉ đạo diễn xuất trong phim ‘Vệ sĩ Sài Gòn’ – Ảnh: CJ – TNA


Học tiếng Việt để làm phim
Mới đây, đoàn phim Vệ sĩ Sài Gòn công bố thông tin đạo diễn người Nhật Bản Ken Ochiai (từng đạo diễn các phim Tiger Mask, Uzumasa Limelight) giữ vai trò đạo diễn cho phim. Phim do diễn viên Kim Lý và nhà sản xuất Niv Fichman – Hãng phim Rhombus Media cùng phát triển và sản xuất. Trương Ngọc Ánh, Giám đốc sản xuất, cho biết: “Tuy phim có đạo diễn nước ngoài thực hiện nhưng đậm chất Việt, bởi đây là một câu chuyện VN do tác giả kịch bản là người Việt viết, xảy ra trên đất nước VN và do người VN đóng. Đạo diễn Ken Ochiai đã bỏ ra hơn nửa năm ăn, ở và học tiếng Việt tại VN”. Bộ phim quy tụ những diễn viên như: Kim Lý, Chi Pu, Bê Trần, Diễm My, Khương Ngọc, Diệp Lâm Anh, Thái Hòa… Hiện tại, Vệ sĩ Sài Gòn đã quay xong phần hình ảnh và đang tiến hành thực hiện hậu kỳ, dự kiến ra rạp vào tháng 12 năm nay.
Hai năm trước, bộ phim Oan hồn (nhà sản xuất Metal Film – hãng phim 100% của người Việt) cũng có ê kíp thực hiện từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, âm thanh cho đến diễn viên chính đều là người Thái Lan. Riêng diễn viên của VN có sự tham gia của Lily Luta, Song Ngư, Ngô Kiến Huy, Huỳnh Anh.
Phim Tình xuyên biên giới do Công ty Nghiệp Thắng của VN bỏ vốn sản xuất cũng đã mời đạo diễn Trung Quốc Quách Tường thực hiện, với sự tham gia của ngôi sao TVB Mã Đức Chung và người mẫu Khánh My, MC Thanh Bạch, Cát Phượng… Một dự án khác được chú ý trong năm nay, với kinh phí làm phim được công bố 85 tỉ đồng, là bộ phim hành động I am wanted, cũng do Trương Ngọc Ánh làm giám đốc sản xuất. Nữ đạo diễn người Thuỵ Điển Beata Gardeler đã được mời thực hiện phim, trong đó có các diễn viên nước ngoài.
Chi phí rẻ hơn
Các đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt kiều khi về VN làm phim cũng đã tạo ra một làn sóng mới khi mời nhiều gương mặt nước ngoài tham gia thực hiện và tạo được hiệu quả tốt. Các phim của đạo diễn Victor Vũ thường có phần âm thanh, âm nhạc ấn tượng qua tài năng của nhạc sĩ Mỹ Christopher Wong. Đạo diễn Việt kiều Cường Ngô luôn mời nhiều người nước ngoài tham gia trong các phim của mình. Ngọc Viễn Đông cũng có chủ nhiệm phim người Thái Lan, quay phim người Ukraine… Ê kíp Johnny Trí Nguyễn – Thái Hoà – Charlie Nguyễn cũng vừa hợp tác với một ê kíp của Hollywood (Mỹ) để thực hiện bộ phim Fan cuồng
Không chỉ mời đạo diễn nước ngoài, hiện các nhà sản xuất trong nước cũng mời nhiều người nước ngoài tham gia vào các khâu thực hiện phim khác như âm thanh, ánh sáng, quay phim, thiết kế bối cảnh, hậu kỳ… Lý do được các nhà sản xuất và đạo diễn VN cho biết là vì nhân lực trong nước vừa thiếu vừa yếu, lại đắt tiền, trong khi nhân lực làm phim của các nước lân cận như Thái Lan, Philippines, Indonesia… rất chuyên nghiệp, diễn viên diễn tốt hơn và quan trọng nhất là giá rẻ.
Đạo diễn Bá Vũ khi làm phim Ngủ với hồn ma đã quyết định mời giám đốc hình ảnh – quay phim người Philippines là Poppet Celdran do mức giá rất mềm. Các nhà sản xuất của nhiều bộ phim Việt có kinh phí thấp đang lựa chọn hướng đi mời nhân lực nước ngoài. Chỉ cần liên hệ qua mạng xã hội, trang web…, họ sẽ nhận được thông tin chào hàng từ các tổ chức, cá nhân làm việc ở nhiều lĩnh vực với giá rẻ phân nửa hoặc hơn so với đối tác trong nước. Hiện có những nhóm làm phim Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã sang VN dò hỏi giá các khâu thực hiện, để rồi đưa ra giá chào với mức chỉ bằng 70%.
Đáng để học hỏi
Đa số nhà làm phim VN khẳng định trình độ của các nhà làm phim nước ngoài là “rất đáng để học hỏi”. Trong cách làm phim của họ, có thể thấy rõ sự chỉn chu và thái độ quyết liệt, làm cho được ý tưởng sáng tạo. Tính chuyên nghiệp cao thể hiện ở sự phân công nhiệm vụ của các thành viên đoàn làm phim, cách khuyến khích sự sáng tạo cá nhân để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, phương tiện, thiết bị làm phim của bạn bè quốc tế rất hiện đại, giúp ích nhiều cho các nhà làm phim Việt khi tham gia hợp tác sản xuất phim.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho biết nếu có sự hợp tác, mời các nhà làm phim nước ngoài cùng thực hiện phim Việt thì là điều rất có lợi, bởi: “Không thể mãi khép kín, nhất là khi ngành điện ảnh của chúng ta còn quá non trẻ. Thông qua việc cùng làm, cọ xát, điện ảnh Việt tự học hỏi kinh nghiệm làm phim của họ để dần dần nâng mình lên”. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Nhiều người giỏi ở nhiều khâu thì việc cạnh tranh càng cao, điều đó sẽ thúc đẩy thị trường điện ảnh Việt phát triển chuyên nghiệp, cơ hội làm việc sẽ cao hơn”.
Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, người từng được mời tham gia nhiều bộ phim với ê kíp hoàn toàn từ nước ngoài, chia sẻ: “Điện ảnh Việt không thiếu diễn viên giỏi, kịch bản hay cũng không thiếu, bối cảnh Việt thì quá đặc sắc, giờ chỉ cần có những ê kíp làm phim giỏi và kỹ tính”.

Phan Cao Tùng