Bồi thường sau tai biến văcxin: Không cần xác định lý do?
Bé Triệu Văn Hưng – gần 3 tháng tuổi, ở Thanh Miện, Hải Dương – đã tử vong sau gần 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương.
Bồi thường sau tai biến văcxin: Không cần xác định lý do?
Bé Triệu Văn Hưng – gần 3 tháng tuổi, ở Thanh Miện, Hải Dương – đã tử vong sau gần 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương.
Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết từng tăng rất cao trong năm 2015. Trong ảnh: trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM – Ảnh minh họa: Hữu Khoa |
Một ngày trước khi nhập viện do sốt cao, bé Hưng được tiêm văcxin ngừa lao tại trạm y tế xã.
“Bệnh viện nói con tôi chết không phải do tiêm văcxin, mà do sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi và tiêu chảy”- anh Duy, bố bé Hưng, đau buồn kể.
Khó xác định
Bé Hưng được tiêm văcxin ngừa lao buổi sáng 25-3, bé có hơi sốt (cặp nhiệt độ là 37,4 độ C). Tiêm khoảng 9g sáng thì đến 2g chiều bé bắt đầu sốt cao.
Theo khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Hải Dương, lúc vào viện bé Hưng sốt liên tục và bệnh biến chuyển nặng từ ngày 28-3, khi cấy máu tìm được một số vi khuẩn, nhưng dự kiến ngày 30-3 mới có kết quả toàn bộ, bên cạnh các triệu chứng viêm phổi và tiêu chảy.
Dù cái chết của bé Hưng đến giờ được xác định chưa liên quan đến tiêm chủng, nhưng trước khi tiêm văcxin bé không có biểu hiện gì đặc biệt, các triệu chứng nặng xuất hiện sau tiêm.
Trước đó, cái chết của một bé 5 tuổi tiêm văcxin ngừa viêm màng não do não mô cầu ở Ninh Bình cũng được xác định là không liên quan tới văcxin, vì thời điểm tiêm ngừa cách thời điểm tử vong tới 5 ngày.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm có 10-15 trường hợp tử vong sau tiêm văcxin, tuy nhiên tính từ năm 2007 đến nay chưa có trường hợp nào được xác định có liên quan đến văcxin hay dịch vụ tiêm chủng, mà đều được xác định là do phản ứng quá mẫn của cơ thể trẻ như 3 bé tử vong cuối năm 2015, đầu năm 2016 tại Thanh Hoá, Nghệ An và Bắc Ninh, do bệnh trùng lặp…, tất cả đều không được bồi thường tai biến sau tiêm văcxin.
Bồi thường thế nào?
Nghị định tiêm chủng được Bộ Y tế xây dựng và đang đi đến những bước cuối cùng trước khi trình Chính phủ sẽ có điểm mới lần đầu tiên được đặt ra là bồi thường cho các tai biến sau tiêm văcxin.
Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết nhóm soạn thảo nghị định có đặt vấn đề với các trường hợp tai biến sau tiêm không cần xác định có do văcxin hay dịch vụ tiêm chủng hay không mới bồi thường như dự thảo trước đây.
Theo ông Phu, có những trường hợp tai biến không xác định được nguyên nhân, và nếu có đi xác định từng trường hợp cũng sẽ rất khó khăn.
Về nguồn tài chính để thực hiện bồi thường, ông Phu cho biết trường hợp xác định nguyên nhân là do văcxin, do dịch vụ tiêm chủng, do cán bộ tiêm chủng yếu kém trong khâu khám sàng lọc… thì những bộ phận đó phải chi trả bồi thường.
Trường hợp không xác định được (tai biến do phản ứng quá mẫn của cơ thể trẻ) thì có thể ngân sách sẽ bồi thường. “Tất cả những vấn đề đều đang ở khâu bàn thảo”- ông Phu nói.
Còn rất nhiều vấn đề để dịch vụ tiêm chủng ở VN có quy định ở đầy đủ các khâu. Còn như hiện nay, khi đưa con đi tiêm ngừa (qua khám sàng lọc các bé đủ điều kiện sức khoẻ mới được tiêm chủng) các bậc cha mẹ có nguy cơ “may nhờ rủi chịu”.
Mỗi ngày ở VN có 70 bé dưới 1 tuổi tử vong không rõ nguyên nhân, trong đó có thể có những em bé có liên quan tới tiêm chủng và có sẵn các bệnh lý nền. Nhưng nếu khâu khám sàng lọc được tốt hơn, sàng lọc được các bé có bệnh sẵn có hoặc có cơ địa dị ứng… sẽ có thể giảm được nhiều hơn các tai biến sau tiêm.
Bên cạnh đó, nếu sớm có quy định về bồi thường sau tai biến văcxin thì sẽ tránh được tình trạng người tiêm chủng, bệnh viện và giới chức y tế lúng túng không biết ai phải chịu trách nhiệm mỗi khi có tai biến xảy ra.
Nhiều loại bệnh đang bùng phát mạnh Các bệnh như thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh. Theo ông Trần Đắc Phu, mỗi tuần đang có khoảng 400 ca mắc tay chân miệng mới, số mắc tập trung ở các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu…, tại Hà Nội số mắc không cao nhưng đã xuất hiện các ca bệnh tay chân miệng nhiễm chủng virút độc lực cao EV 71. Bên cạnh đó, 3 tháng đầu năm đã có trên 4.300 ca thuỷ đậu được ghi nhận, tập trung tại các tỉnh thành như Nghệ An, Hà Nội, Yên Bái, Kon Tum, Đà Nẵng. Trong số các bé mắc có cả trẻ đã tiêm văcxin ngừa thuỷ đậu. |