Điện thoại di động ảnh hưởng đến não trẻ em?
Điện thoại di động có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người? Trên các diễn đàn trong và ngoài nước người ta cũng tranh cãi khá nhiều về vấn đề này với hai luồng ý kiến.
Điện thoại di động ảnh hưởng đến não trẻ em?
Điện thoại di động có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người? Trên các diễn đàn trong và ngoài nước người ta cũng tranh cãi khá nhiều về vấn đề này với hai luồng ý kiến.
Một bên cho rằng sóng điện thoại có hại cho sức khoẻ, luồng ý kiến khác thì bảo không.
Gần đây nhất, sắc lệnh của thành phố Berkeley, bang California (Mỹ) buộc các công ty liên quan phải cảnh báo tác hại của bức xạ tiềm ẩn của sóng điện thoại, WiFi… dự kiến sẽ có hiệu lực, tiếp tục nhấn mạnh không nên xem nhẹ vấn đề này, nhất là với đối tượng trẻ em.
PGS.TS Hoàng Đình Chiến, giảng viên khoa điện – điện tử ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cho biết đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy sóng vô tuyến như sóng điện thoại di động, sóng lò vi ba có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Tuy vậy, vì ngành công nghiệp sản xuất thiết bị di động quá lớn và lợi ích kinh tế của nó mà người ta không đề cập đến.
Theo ông Chiến, có thể thấy lò vi ba làm sôi nước và nấu chín thực phẩm rất nhanh vì sóng vô tuyến làm rung lắc các phân tử nước, sinh ra nhiệt làm nước sôi và nước trong thức ăn bị đốt nóng nhanh chóng và năng lượng truyền sang các thành phần khác làm thức ăn chín nhanh chóng.
Sóng điện thoại di động tuy nhỏ hơn sóng lò vi ba nhưng khi áp sát vào tai cũng tác động vào não theo cơ chế tương tự, ảnh hưởng đến các mô trong não vì não trẻ em có chứa nước. Cơ thể trẻ chưa trưởng thành, do đó nên tránh cho trẻ dùng điện thoại vì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cấu trúc gen.
Ngược lại, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo – PGS.TS Vũ Hải Quân, phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng khoa học cần có chứng cứ cụ thể.
Nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu thực nghiệm cụ thể và toàn diện nào về ảnh hưởng của sóng điện thoại lên sức khoẻ của trẻ em, do vậy thông tin về sóng điện thoại có thể tác động đến hệ thần kinh, tế bào trẻ em… chỉ mang tính “quan điểm”.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Trọng Hiền, nhà vật lý đang công tác tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), cho biết khoa học vẫn chưa chứng minh được ảnh hưởng xấu của vi sóng lên sức khoẻ con người.
Với câu hỏi “Vi sóng của điện thoại di động có ảnh hưởng đến sức khoẻ không?”, đến bây giờ câu trả lời là không vì đơn giản là cường độ bức xạ của sóng điện thoại di động rất yếu, không đáng kể để có thể tác động đến sức khỏe con người.
Trong khi đó, khuyến nghị về việc cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh, TS David L. Hill, chủ tịch Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, cho rằng phải chú ý đến nội dung trẻ có thể tiếp cận trên điện thoại thông minh, máy tính bảng bởi các phương tiện truyền thông luôn có tác động tích cực và tiêu cực.
Cha mẹ cần xây dựng cho trẻ quy tắc trong môi trường thực và ảo của trẻ, thiết lập hạn mức và cùng chơi với trẻ cũng như biết được bạn bè của trẻ.
Nghiên cứu khoa học thần kinh cho thấy trẻ học tốt nhất thông qua giao tiếp hai chiều và thời gian đàm thoại giữa người chăm sóc trẻ và trẻ giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Hiện có hơn 80.000 ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng được gắn nhãn là giáo dục, nhưng ít nghiên cứu xác nhận chất lượng của chúng, do vậy cần xem xét độ tuổi thích hợp ứng dụng, trò chơi, các chương trình và phải cùng tham gia với trẻ.