23/12/2024

Ưu tư vì rời nghị trường vẫn còn nợ dân nợ nước

“Sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở, ưu tư vì còn nhiều nợ dân nợ nước” – đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) phát biểu tại phiên Quốc hội thảo luận gần một ngày (28-3) tổng kết nhiệm kỳ.

 

Ưu tư vì rời nghị trường vẫn còn nợ dân nợ nước

 

 

“Sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở, ưu tư vì còn nhiều nợ dân nợ nước” – đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) phát biểu tại phiên Quốc hội thảo luận gần một ngày (28-3) tổng kết nhiệm kỳ.

 

 

 

 

Ưu tư vì rời nghị trường vẫn còn nợ dân nợ nước
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) phát biểu ý kiến – Ảnh: Việt Dũng

Không ít đại biểu chưa thực hiện tốt những điều mà cử tri mong đợi, chưa làm tròn bổn phận của mình. Làm đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, nghiên cứu không sâu các vấn đề nổi cộm, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm… thì làm sao xứng đáng đại diện cho cử tri

Đại biểu HUỲNH NGHĨA

 

 

Điểm chung trong đa số các phát biểu là ghi nhận nỗ lực, thành tựu của Quốc hội là đã ban hành “Hiến pháp 2013 như một dấu son khắc ghi vào lịch sử” như đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nhận định.

Đồng thời, nhiều đại biểu cùng nói đến chữ “nợ” mà kết thúc nhiệm kỳ họ còn nặng mang.

“Việc nhỏ không làm được, nói gì đến việc to”

Theo đại biểu Lê Nam: “Nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết không được đưa vào pháp luật. Đó là nguyên nhân của tình trạng pháp luật không đi vào cuộc sống”.

Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tâm tư: “Một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật, hay Quốc hội thông qua rồi dư luận không chấp nhận, phải sửa lại”.

Theo ông Nghĩa, “vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm?”.

Ông đề nghị “Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì?”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) nói: “Đề nghị nhiệm kỳ tới phải có biện pháp xử lý trong những trường hợp dự án luật không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo”.

Đề cập công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho biết: “Giám sát phải đi vào những việc cụ thể, chứ không làm những việc chung chung. Chỉ khi làm được những việc thật cụ thể thì mới đi vào lòng dân”.

Tự vấn lại bản thân mình, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Vậy trách nhiệm của Quốc hội trong những tồn tại, hạn chế đó thế nào?”.

Ông Lịch phân tích: “Nhiệm kỳ này ban hành hơn 100 đạo luật, nhưng để luật đi vào cuộc sống thì chúng ta cần tới gần 5.000 văn bản dưới luật, trong đó có gần 4.000 thông tư. Như vậy thì nguyên nhân ở đâu, làm sao để cải thiện được tình trạng luật khung, luật ống tồn tại?”.

Bức tranh 
không lãng mạn

“Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ như một bức tranh đẹp, có phần lãng mạn”, đại biểu Lê Nam nhận xét rồi nói: “Nhưng bức tranh tổng kết nhiệm kỳ có xung đột không với một miền Tây Nam bộ rất trù phú và hiền hoà đang lùi dần vào dĩ vãng. Một Tây Nguyên khô khát giữa tháng 3.

Một hệ thống chính trị cồng kềnh đến không chịu nổi với tham nhũng và quan liêu, với ngân khố nằng nặng, với thanh niên VN hình như ngày càng còi còi. Và Biển Đông cũng chưa ngừng gợn sóng”.

Cùng nghĩ về những bức xúc, khó khăn đang nổi lên, đại biểu Trần Khắc Tâm lên tiếng: “Tôi cảm nhận rằng những thử thách, khó khăn của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ”.

Nêu lên bảy nỗi lo đang nổi cộm, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) day dứt trước tình trạng “quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, vặt vãnh ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.

Việc gì cũng phải lót tay, phải chạy, phải lại quả, việc gì cũng phải có phong bì, gây nên một lối sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí cũng là quốc nạn, gắn với tham nhũng làm cản trở sự đi lên của đất nước”.

Cấp bách thực hiện 
cải cách bộ máy

Nhiều đại biểu cùng cho rằng để chấm dứt những tồn tại, yếu kém nêu trên thì giải pháp của mọi giải pháp chính là công tác cán bộ.

Đại biểu Trần Khắc Tâm phân tích: “Một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, mạnh hay yếu là do thể chế quyết định. Hiến pháp là nền móng của thể chế. Chúng ta đã có một bản Hiến pháp tốt. Quốc hội cũng chứng tỏ nỗ lực quyết liệt để hoàn thiện thể chế.

Nhưng thể chế tốt hay không thì không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chính sách, pháp luật mà còn chủ yếu phụ thuộc vào con người thực hiện.

Chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, điều đúng ấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống”.

Theo ông Tâm: “Nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy. Một bộ máy còn những chỗ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì bộ máy ấy vẫn sẽ còn tình trạng giẫm chân lên nhau, khó đạt hiệu năng, hiệu quả cao nhất.

Một hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giản được biên chế sẽ không thể tiến hành cải cách được chế độ tiền lương, không cải cách được chế độ tiền lương là khó có thể chống được tham nhũng, 
cửa quyền”.

Đề cập nhân sự Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch đồng tình với quan điểm cần tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách, nhưng ông đồng thời nhấn mạnh chuyên nghiệp mới là quan trọng.

“Chuyên trách mà không chuyên nghiệp, nay thay mai đổi là không hiệu quả. Nếu chúng ta cứ công chức hóa đại biểu chuyên trách thì xin thưa rằng chỉ tăng bộ máy nặng nề chứ không tăng hiệu quả” – ông Lịch nói.

Nỗi lo đại sự quốc gia

“Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay là trên một số đảo của quần đảo Trường Sa.

Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình nhưng Trung Quốc ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia” – bà Võ Thị Dung nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định 2016 sẽ là một năm thách thức căng thẳng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Mấy ngày qua bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sang thăm VN, nói rằng hai bên thống nhất không làm phức tạp tình hình, không đe doạ dùng vũ lực nhưng từ đầu năm đến nay họ đem pháo, tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa của VN, gây ra mối lo ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế” – ông Sơn cảnh báo.

Nhìn từ góc độ khác, đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề: “Người dân hỏi tôi là khi ông Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, các vị đại biểu Quốc hội vỗ tay nhưng trong tâm thế thế nào? Đồng thuận với phát biểu chăng? Hay chỉ là xã giao? Chắc mỗi đại biểu Quốc hội có mặt hôm đó đều suy nghĩ việc này”.

Đại biểu Quốc khẳng định: “Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tôi thấy rằng tiếng nói của Quốc hội chưa đủ mạnh.

Quốc hội chính là nơi ngoại giao nhân dân cao nhất, trải nghiệm lịch sử cho thấy tiếng nói của Quốc hội rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn thể hiện được mong muốn hoà bình”.

LÊ KIÊN