08/01/2025

Bức xúc Ký ức Hội An và lo lắng không chỉ cho một cồn nổi

Trong khi đang có phản ứng trái chiều về vở diễn Ký ức Hội An (Tuổi Trẻ 5-4), thì dự án xây dựng – nơi đặt sân khấu cho vở diễn – đã biến một cồn nổi đẹp của Hội An, Quảng Nam thành những khối bêtông xám xịt, gây bức xúc và lo ngại.

 

Bức xúc Ký ức Hội An và lo lắng không chỉ cho một cồn nổi

Trong khi đang có phản ứng trái chiều về vở diễn Ký ức Hội An (Tuổi Trẻ 5-4), thì dự án xây dựng – nơi đặt sân khấu cho vở diễn – đã biến một cồn nổi đẹp của Hội An, Quảng Nam thành những khối bêtông xám xịt, gây bức xúc và lo ngại.


 

 

Bức xúc Ký ức Hội An và lo lắng không chỉ cho một cồn nổi - Ảnh 1.

Dự án Gami đang triển khai khẩn trương trên cồn nổi giữa sông Hoài – Ảnh: B.D.

 

Ngày 5-4, phóng viên Tuổi Trẻ đã tiếp cận các cơ quan chức năng và chủ đầu tư nhưng chưa nhận được những phản hồi thoả đáng.

Cồn Gami đang được triển khai xây dựng dự án trung tâm hội nghị – làng du lịch sinh thái Gami Hội An, nơi đặt sân khấu cho vở diễn thực cảnh Ký ức Hội An. Xung quanh cồn được kè cứng bằng những khối bêtông lớn. Hệ thống kè này lấn mạnh ra mặt sông, cắt đứt mạch chảy của sông Hoài về hai bên.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch UBND TP Hội An, điều đáng lo ngại nữa là chưa kết luận được nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều điểm sụt lún trên hệ thống kè cứng đúc bằng bêtông hai bên bờ sông Hoài – đoạn gần cồn Gami.

Sóng từ sông đánh mạnh vào bờ và làm rụng nhiều khối bêtông. Không chỉ vậy, mới đây Phòng tài nguyên – môi trường Hội An phát hiện có hệ thống nước thải xả trực tiếp xuống sông, nguồn ống xả từ trên cồn Gami.

 

Nhiều cán bộ, lãnh đạo TP Hội An cho biết khi dự án Gami được triển khai, không ít người dân và cán bộ Hội An phản đối bởi lo sợ một cồn cát đẹp như tranh sẽ bị triệt tiêu. Ngoài ra, khi xây dựng, công trình sẽ tạo ra các hệ luỵ xấu như nước lũ bị đẩy về uy hiếp đôi bờ, rồi sự huyên náo của các hoạt động khai thác kinh doanh sẽ làm Hội An bị tổn thương.

Ông Nguyễn Chí Trung – giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An – nói khi được lấy ý kiến, ông và nhiều cán bộ tại TP Hội An đều cương quyết không đồng thuận để dự án được triển khai.

“Lâu nay về mùa lũ nước sông Hoài dâng cao có thể thoát qua cồn Gami, hai bên bờ sông ít ảnh hưởng. Nay dự án Gami xây bờ kè lấn ra mặt sông, lấn át dòng chảy khiến nước bị rẽ đôi và dâng mạnh hơn vào khu dân cư hai bên bờ vào mùa mưa lũ. Công trình cũng sẽ tác động xấu đến hệ sinh thái hạ lưu, nơi có nhiều lưu vực khu dự trữ sinh quyển thế giới được bảo tồn nghiêm ngặt” – ông Nguyễn Chí Trung cho hay.

 

Bức xúc Ký ức Hội An và lo lắng không chỉ cho một cồn nổi - Ảnh 2.

 

Sự hoành tráng của vở diễn Ký ức Hội An đang phá vỡ không gian thâm trầm vốn có của đô thị này?

Xây trước, cấp phép sau

Chiều 5-4, trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam khẳng định công trình xây dựng trên cồn Gami đã được cấp giấy phép xây dựng.

Việc được cấp phép cũng đồng nghĩa rằng các thủ tục pháp lý liên quan như thiết kế bổ sung, báo cáo đánh giá tác động môi trường… đã được chủ đầu tư hoàn tất. Nhưng vị này không đồng ý cung cấp cho phóng viên giấy phép của công trình.

Trong giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng Quảng Nam gửi chủ đầu tư mà phóng viên có, Sở Xây dựng Quảng Nam đồng ý cho chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An được phép xây các công trình thuộc dự án công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An.

Giấy phép này ghi rõ chiều cao, diện tích các hạng mục như: khán đài ngoài trời có tổng diện tích xây gần 8.000m2, chiều cao 16,3m; công trình khu thương mại có chiều cao 10,25m, hạng mục công trình đón tiếp…

Điều đáng nói, giấy phép này được ký vào ngày 20-3-2018. Trong khi đó, buổi công diễn đầu tiên của Ký ức Hội An – được xem là chương trình hạt nhân của mô hình công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An – đã diễn ra trước đó một ngày, tức 19-3.

Dù giấy phép ký ngày 20-3 nhưng thực tế công trình xây dựng trên cồn Gami đã được bắt đầu từ trước, khi có giấy phép thì các tòa nhà đã choáng ngợp giữa lòng sông Hoài.

Khi liên hệ với đại diện Công ty CP Gami Hội An để trao đổi, đại diện đơn vị này nói sẽ cung cấp các thông tin cần thiết vào buổi làm việc sáng 6-4.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc (một thành viên cố vấn vở diễn Ký ức Hội An):

Loại hình nghệ thuật thực cảnh vẫn còn mới ở Việt Nam nhưng đã thành công ở Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Việc cố gắng đưa loại hình này về trong nước để tạo ra sản phẩm du lịch là đáng khuyến khích. Tuy nhiên vì còn mới nên có những điều còn chập chững, non nớt.

Nhà sản xuất đã thông báo họ mời một số chuyên gia Trung Quốc ở một số vị trí, trong đó có việc thiết kế trang phục. Nhưng những gì liên quan đến văn hoá thì thế nào cũng có những độ chênh, dễ gây phản cảm. Từ bản nguyên mẫu ban đầu, chúng tôi thấy điều dư luận xã hội đề cập là có thực, bởi có nhiều cái chưa thật thuận và hòa nhập vào không gian và câu chuyện Việt Nam từ trang phục đến các tình tiết khác… Đó là điều nhà sản xuất cần tiếp thu để chỉnh sửa. Trên thực tế vở diễn đang chỉnh sửa. Vậy nên những ý kiến phản hồi cần được trân trọng, lắng nghe.

Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ (cố vấn trang phục cho vở diễn):

Tôi làm cố vấn trang phục cho vở diễn dựa trên những tài liệu về trang phục Hội An xưa mà người phương Tây còn lưu trữ. Những tài liệu này đã được tôi công bố trong cuốn sách Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam và Lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tôi khẳng định những gì trong vở diễn là chuẩn mực. Còn nhận xét chung chung là vở diễn có những yếu tố giống Trung Quốc là không chính xác.

Ông Hồ Tấn Cường (phó giám đốc phụ trách Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Quảng Nam):

Vở diễn Ký ức Hội An hoành tráng, đẹp, thể hiện được nhiều thứ của Hội An. Một dự án như thế sẽ là sản phẩm thu hút du khách, phục vụ du lịch. Hội An cần phát triển, không thể nói để bảo tồn rồi giữ cái cồn nổi đó được. Quá khứ, ký ức thì tất nhiên ai cũng tiếc.

 

V.V.TUÂN – T.B.DŨNG ghi