25/12/2024

Ươm mầm công nghệ ở vùng xa

Khác với cách làm công tác xã hội thông thường là mang bánh kẹo, sách vở, quà tặng đến với những ngôi trường vùng sâu vùng xa thiếu thốn, nhiều du học sinh đã chọn cách đem khoa học, công nghệ đến với những đứa trẻ nông thôn.

 

Ươm mầm công nghệ ở vùng xa

 

Khác với cách làm công tác xã hội thông thường là mang bánh kẹo, sách vở, quà tặng đến với những ngôi trường vùng sâu vùng xa thiếu thốn, nhiều du học sinh đã chọn cách đem khoa học, công nghệ đến với những đứa trẻ nông thôn.





Học sinh tiểu học hào hứng, thích thú khi được điều khiển robot - Ảnh: Bùi Thư

 

Học sinh tiểu học hào hứng, thích thú khi được điều khiển robot – Ảnh: Bùi Thư


“Make a simple wish” (Thực hiện ước mơ giản dị) là tên của một nhóm du học sinh bậc phổ thông tại Mỹ tập hợp lại cùng nhau làm công tác xã hội mỗi khi về VN. Sau vài lần lên vùng cao Mường Tè (Lai Châu) hoạt động từ thiện xã hội với các anh chị lớn, lần này nhóm đã tự đứng ra kết nối với các sinh viên để biến những ước mơ nhỏ bé của trẻ em nghèo vùng xa thành hiện thực.
Thay cho việc quyên góp sách vở hay kẹo bánh làm quà tặng, trung tuần tháng 3, nhóm du học sinh vận động được CLB Robotics của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và thông qua Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mượn một nhà chiếu phim mái vòm đến tổ chức hoạt động với các em học sinh Trường tiểu học Bình Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM).
Nhóm tình nguyện với thùng tiền bán trứng vịt chạy đồng

Nhóm tình nguyện với thùng tiền bán trứng vịt chạy đồng

Những chú robot với nhiều hình thù từ con rắn, cá sấu đến xe tăng được lắp ráp có thể đều quen thuộc với nhiều người, nhưng đối với những em học sinh nơi đây, đó là cả một thế giới mới lạ mà các em chưa bao giờ được thấy. Khi cầm trên tay bộ điều khiển, nhấn những nút lạ lẫm và robot chuyển động, nhiều học sinh reo lên đầy phấn khích.
Nói về ý tưởng tổ chức hoạt động này, Trần Ánh Linh (học sinh lớp 10 Trường Emmaus High School, Pennsylvania, Mỹ) chia sẻ: “Ở Mỹ hay ở những trường học tại thành phố lớn, việc chơi robot lắp ráp có lẽ không quá xa lạ. Thật ra đây còn là một phần trong khuynh hướng giáo dục mới của thế giới – hướng học sinh đến với khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM). Nhưng ở những vùng xa như thế này, chắc rằng không có điều kiện để các em nhỏ tiếp cận. Chúng em chỉ muốn mang đến một giấc mơ nhỏ, ươm mầm cho giấc mơ lớn của các em”.
Hướng dẫn các bé cách ghi nhớ

Hướng dẫn các bé cách ghi nhớ

Thấy được niềm vui này, Trần Anh Khoa (học sinh lớp 7 Trường Eyer Middle School, Pennsylvania, Mỹ) hào hứng: “Các bạn nhỏ được tận mắt thấy, tay điều khiển robot và rồi sẽ gần hơn, tin hơn vào khoa học, tin vào bản thân sẽ tạo ra những thứ tương tự”.
Trong chuỗi hoạt động hai ngày tại Cần Giờ, với công nghệ chiếu phim hiện đại trong lều mái vòm đi mượn, với hình ảnh đầy màu sắc và sống động, các em học sinh choáng ngợp và reo hò đầy thích thú dù đó là một bộ phim khoa học.
Xem phim khoa học trong mái vòm

Xem phim khoa học trong mái vòm

Đối với du học sinh độ tuổi từ 13 đến 19, đây là những trải nghiệm về sự san sẻ kiến thức, điều kiện học tập mà các em có được. Không chỉ mang đến món quà khoa học, gieo hạt mầm công nghệ xuống mảnh đất sình lầy còn nhiều khó khăn ở Cần Giờ, mà trước đó một ngày những du học sinh này cũng có chuyến xin lội ruộng lượm trứng thả đồng rồi gói lại thành quà, bán cho cha mẹ gây quỹ.
“Tụi em đã lên kế hoạch để mỗi dịp về VN là một lần mang những giấc mơ nho nhỏ như thế này đến với trẻ vùng xa”, Ánh Linh nói.
Nhưng thật ra giấc mơ đó không nhỏ tí nào khi em biết rằng cô hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Thạnh đã rưng rưng nước mắt, đứng nhìn lũ học trò còn lấm bùn phèn của mình có dịp được trầm trồ điều khiển robot, cô nói: “Những thầy cô giáo ở vùng xa như chúng tôi tới giờ cũng mới được tận mắt thấy lần đầu”.

Bùi Thư