26/12/2024

Sao con phải khổ thế này?

Đầu tháng 3-2016, tôi được điều làm giám khảo coi thi trong ngày thi toán ViOlympic cấp quận (đây là cuộc thi giải toán trên Internet do Bộ GD-ĐT chỉ đạo) tại một trường tiểu học khác cùng địa phương.

 

Sao con phải khổ thế này?

 

 

Đầu tháng 3-2016, tôi được điều làm giám khảo coi thi trong ngày thi toán ViOlympic cấp quận (đây là cuộc thi giải toán trên Internet do Bộ GD-ĐT chỉ đạo) tại một trường tiểu học khác cùng địa phương. 

 

 

 

 

Sao con phải khổ thế này?

Trong giờ thi, thấy một thí sinh nam dùng tay đấm vào đầu mình liên tục, tôi chạy đến chưa kịp hỏi thì em đã lên tiếng: “Cô ơi, cô cứu con đi! Bài khó quá con không làm được”.

Tôi xoa đầu em: “Cô không được phép chỉ bài cho con. Nếu không làm được thì chuyển sang câu khác đi con”.

Cậu bé lại đấm vào đầu mình ra chiều rất khổ sở: “Nhiều câu khó lắm cô ơi. Con không nghĩ ra cách giải”.

Tôi an ủi: “Không sao đâu con! Không làm được thì thôi, sao con cứ đấm vào đầu mình như thế, hại não lắm”.

“Không làm được, không đoạt giải thì về nhà mẹ con đánh con chết…” – cậu bé lại bứt tóc, tự đấm vào đầu mình.

Tôi giữ tay em và nói: “Đừng làm như vậy nữa, con bứt tóc một hồi là đầu không còn cọng tóc nào đấy. Đề thi năm nay khó hơn những năm trước, không biết cách giải thì thôi, đâu có sao. Đây chỉ là giải phong trào thôi mà”.

– Nhưng con sợ mẹ con lắm…

– Không sao, cô sẽ nói với cô chủ nhiệm của con để chiều nay cô nói chuyện với mẹ, mẹ sẽ không la con đâu – tôi nói với em như thế.

Từ câu chuyện trên, tôi chợt nhớ ra câu chuyện xảy ra ngay tại trường mình, trong giờ thi toán ViOlympic cấp trường.

Đã bước vào phòng tin học để chuẩn bị thi mà một học sinh lớp tôi chủ nhiệm khóc như mưa: “Con không muốn thi. Con không muốn thi”.

Ban giám hiệu gọi tôi xuống, tôi hỏi: “Không muốn thi sao con đăng ký thi vòng thi cấp trường?” thì em trả lời: “Tại mẹ con bắt con phải thi chớ con không thích. Con nhìn mấy bài toán trên máy tính là con đau đầu. Hu…hu…”.

– Vậy bây giờ về lớp, khỏi thi nha?

– Nhưng con sợ mẹ con…

– Không sợ gì cả, để cô sẽ gọi điện nói chuyện với mẹ – Nghe thấy thế, cô bé ngừng khóc hẳn, nhanh chóng đứng dậy theo tôi đi lên lớp.

Cũng ở vòng thi cấp trường hôm ấy có một trường hợp không thể đăng nhập được vì học sinh không nhớ user name và password. Cậu học sinh rất thật thà nói với giám khảo: “Con có nhiều tên và mật khẩu lắm”.

Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm của em gọi điện cho phụ huynh để biết tên tài khoản và mật khẩu nhưng cũng không thể đăng nhập vì máy báo mật khẩu sai.

Lại gọi điện cho phụ huynh lần nữa, qua điện thoại vị phụ huynh không giấu giếm sự bực bội và khẳng định mật khẩu đó là chính xác: “Cô gõ lại lần nữa thử coi”.

Cô giáo gõ lại vẫn không được. Lần này phụ huynh đích thân chạy tới trường (do chỗ làm cũng gần trường). Kết quả là mật khẩu sai thật.

Ông bố thú nhận: “Tôi nhầm!”.

Thì ra trong quá trình làm những vòng thi trước (phụ huynh tự mở máy cho con em làm ở nhà), bố của em đã tạo nhiều tài khoản để con mình được thực tập thật nhiều, rèn luyện thật nhiều với hi vọng con mình sẽ đạt kết quả cao trong những vòng thi cấp cao hơn.

Kể ra những chuyện trên mới thấy không phải áp lực nào của học sinh cũng bắt nguồn từ nhà trường, từ thầy cô. Ở trường tôi từ nhiều năm nay đã không thành lập đội tuyển đi thi ViOlympic theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Em nào thích thì phụ huynh cho làm ở nhà, làm đủ 10 vòng theo quy định của đơn vị tổ chức thì vào vòng thi cấp trường.

Sau đó, những em đạt điểm cao thi tiếp cấp quận chứ nhà trường không tổ chức luyện thi, giáo viên chúng tôi được chỉ đạo không được ép các em phải ôn thi, làm thêm bài… với mục đích giảm áp lực học hành cho học sinh. Bản thân tôi cũng coi cuộc thi là một giải phong trào, em nào đoạt giải thì tốt, nếu không cũng chẳng sao. Quan trọng là mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui.

Nhưng phụ huynh thì đâu có nghĩ như thế. Họ ép con mình phải luyện thi bằng nhiều tài khoản, họ ép con mình đi thi mặc dù em không thích, họ tạo áp lực cho con mình phải đoạt giải để có cái khoe với dòng họ, bạn bè…

Tội cho các em quá!

THU TÂM (TP.HCM)