Phản ứng kịp thời với biến đổi khí hậu
Đó là chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến làm việc với tỉnh Tiền Giang ngày 16-3.
Phản ứng kịp thời với biến đổi khí hậu
Đó là chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến làm việc với tỉnh Tiền Giang ngày 16-3.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm cơ sở của người dân ở xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang – Ảnh: Thanh Tú |
“Đặc biệt phải chủ động điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch để đề xuất trung ương xây dựng mô hình, phương án chống hạn, mặn xâm nhập sao cho thiết thực và phù hợp nhất |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh thời gian qua. Đồng thời đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 10 của tỉnh.
“Sau đại hội, khí thế đang phát triển đi lên, nội bộ tốt, có nhiều đồng chí lãnh đạo trẻ nên phải luôn sáng suốt, sát cánh theo dõi tình hình để đánh giá, đề ra phương hướng thực hiện một cách tập trung, hiệu quả” – Tổng bí thư nói.
Phải có giải pháp giải quyết nước ngọt
Theo Tổng bí thư, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc thường xuyên rà soát kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng.
Qua đó có hướng đầu tư, kế hoạch phát triển thích hợp với từng giai đoạn. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn yêu cầu trước mắt tỉnh Tiền Giang phải có giải pháp tức thời trong việc giải quyết nước ngọt cho sinh hoạt và cho sản xuất trên địa bàn.
Báo cáo với Tổng bí thư, ông Nguyễn Văn Danh – bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang – cho biết trước tình hình hạn, mặn xâm nhập diễn biến phức tạp, Ban thường vụ Tỉnh uỷ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành cấp bách phòng chống mặn xâm nhập.
Tỉnh đã triển khai thi công hàng chục công trình để cứu lúa, đưa nước ngọt về phục vụ cho dân sản xuất, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Danh cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị với trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình bức xúc nhằm khắc phục tình trạng hạn, mặn xâm nhập.
Các dự án như: dự án đê biển Gò Công, trạm bơm điện tại cống Xuân Hoà, nạo vét kênh 14 vùng ngọt hoá Gò Công, dự án chuyển nước ngọt từ tây kênh Chợ Gạo đưa vào dự án ngọt hoá Gò Công, xây đập tạo hồ trên sông Cử Trung trữ nước ngọt sản xuất kinh doanh cho huyện Tân Phú Đông…
Điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp
Nhận xét về các công tác khắc phục những tác động xấu của đợt hạn, mặn xâm nhập, ông Hoàng Văn Thắng – thứ trưởng Bộ NN&PTNT – cho rằng tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt. Nhiều diện tích lúa vụ đông xuân tại Tiền Giang được cứu.
Đây cũng là kinh nghiệm cho các tỉnh trong khu vực nghiên cứu. “Tôi có thể nói vụ lúa đông xuân của tỉnh Tiền Giang đến nay là thành công” – ông Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Chí Dũng – thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư – nêu ý kiến: “Tỉnh Tiền Giang cần điều chỉnh từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất và phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để thích ứng với tình hình nước biển dâng; hạn, mặn xâm nhập. Phải thay đổi kinh tế cho từng vùng để phù hợp với vùng mặn, vùng nước lợ và vùng nước ngọt”.
Nhất trí với kiến nghị của tỉnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các bộ ngành trung ương cần sát cánh với địa phương tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng, nhanh chóng giải quyết những đề xuất đã lâu mà chưa thực hiện được.
“Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực hiện nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động để giải quyết các vấn đề một cách trơn tru, không bị động. Kế hoạch tài chính phải rõ ràng, hài hoà giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn” – Tổng bí thư nói.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tiền Giang cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đang đối diện với thách thức do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, cần phải có phản ứng kịp thời, xác thực, hiệu quả.
Đặc biệt phải chủ động điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch để đề xuất trung ương xây dựng mô hình, phương án chống hạn, mặn xâm nhập sao cho thiết thực và phù hợp nhất.
Cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm, làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.
Tại đây, Tổng bí thư nghe báo cáo của Đảng uỷ xã Gia Thuận và Đảng bộ huyện Gò Công Đông về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2015 cùng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2016.
Sau đó, Tổng bí thư tới thăm cơ sở làm tủ thờ Ba Đức (của nghệ nhân Ngô Tấn Đức, 84 tuổi, ở ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công), thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Y tại xã Gia Thuận.
Mặn bủa vây Bến Tre và Tiền Giang Ngày 16-3, ông Lê Công Tám – giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bến Tre – cho biết theo kết quả đo được tại các cửa sông trên địa bàn tỉnh, dự báo độ mặn xâm nhập sâu, mạnh nhất và đạt mức kỷ lục trong lịch sử nhiều năm sẽ rơi vào ngày 22-3. Cụ thể độ mặn cao nhất đo được trên sông Cửa Đại ngày 8-3 là 25‰; sông Hàm Luông là 30,3‰; sông Cổ Chiên là 25,1‰; độ mặn trên 4‰ xâm nhập sâu các cửa sông Cửa Đại 46km, sông Hàm Luông 70km và sông Cổ Chiên 58km. Độ mặn 1‰ đã xâm nhập từ cửa sông sâu vào đất liền đến 77km. Tuy nhiên, độ mặn trong cuối tháng 3 có thể tăng thêm 1-2‰, xâm nhập sâu thêm 5-7km. “So với lịch sử nhiều năm, đợt mặn năm nay xâm nhập sâu hơn trước khoảng 10km, độ mặn cao hơn khoảng 3‰” – ông Tám nói. Theo ông Bùi Thanh Liêm – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), mặn đã bủa vây gần như toàn bộ các vườn cây ăn trái trên địa bàn được xem là “vương quốc trái cây”. “Với độ mặn này, nếu lấy nước đem tưới thì cây sẽ bị chết hoặc giảm năng suất ngay. Nhằm tránh thiệt hại cho bà con, ngành nông nghiệp và các địa phương phải thường xuyên thông báo cho người dân biết về độ mặn để đóng các cống bọng, không tưới cây trong những lúc nước lớn có độ mặn cao. Khi nước ròng thì tăng cường bơm nước trữ trong kênh, mương để tưới tiết kiệm nhất” – ông Liêm khuyến cáo. Trước tình hình thiếu nước tưới, một số hộ dân có vườn cây đang cho trái tại Chợ Lách phải che bạt để giữ nước trong đất, chống bốc hơi. Một số hộ dân khác phải thuê ghe chở nước ngọt hàng chục cây số từ thượng nguồn về tưới. Tương tự tại Tiền Giang, mặn cũng xâm nhập sâu trong nội đồng ở “vương quốc sầu riêng” như Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên, Mỹ Long thuộc huyện Cai Lậy. Theo bà Trần Thị Nguyên – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, tại các xã này độ mặn đo được mấy ngày qua dao động mức 1-1,7g/lít, nếu tưới sầu riêng, cây sẽ chết ngay. Ông Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi, nông dân trồng sầu riêng ở xã Tam Bình) cho biết đang lo sốt vó vì chưa bao giờ ông thấy mặn xâm nhập như vậy. “Bây giờ tưới cũng không được vì tưới (nếu nhiễm mặn) thì cây sẽ chết, còn nếu không tưới cây đeo trái như vầy cũng chết. Phải chấp nhận để ông trời quyết thôi” – ông Hoàng than. |