Bán trú vệ tinh: vừa làm vừa lo
Bán trú vệ tinh – hình thức bán trú tự phát với việc đưa học sinh các trường tiểu học, THCS về ăn trưa, ngủ trưa, học buổi hai tại các cơ sở giáo dục tư nhân.
Bán trú vệ tinh: vừa làm vừa lo
Bán trú vệ tinh – hình thức bán trú tự phát với việc đưa học sinh các trường tiểu học, THCS về ăn trưa, ngủ trưa, học buổi hai tại các cơ sở giáo dục tư nhân.
Học sinh Trường TH An Hội (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vừa được đón về để ăn trưa, ngủ trưa và học buổi 2 tại một cơ sở bán trú vệ tinh gần trường (ảnh chụp sáng 9-3) – Ảnh: Mỹ Dung |
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào trong việc thực hiện, giám sát bán trú vệ tinh khiến cả người làm và nhà quản lý đều bối rối.
10g40 ngày 9-3, tiếng trống tan học buổi sáng vừa kết thúc, khi sân Trường TH An Hội (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đông nghịt phụ huynh đứng đón con cũng là lúc khoảng 70 học sinh của trường này được hướng dẫn xếp hàng, sang đường để đến cơ sở bán trú Thần Đồng, chỉ cách trường chừng 200m.
Tự phát
Cô Phan Thuý Trang, hiệu trưởng Trường TH An Hội, cho Tuổi Trẻ biết cô biết học sinh của trường tham gia học bán trú vệ tinh đã được một thời gian, nhưng trước đây thì ít, nay số lượng tăng lên.
Không chỉ riêng học sinh Trường TH An Hội mà học sinh ở một số trường khác như TH Lam Sơn, Lương Thế Vinh… cũng có học sinh theo học.
Đây là hình thức bán trú tự phát, chỉ có sự thoả thuận giữa phụ huynh học sinh và cơ sở giáo dục có nhận học sinh bán trú, không có bất kỳ liên kết nào giữa nhà trường và cơ sở giáo dục này.
Trường TH An Hội hiện có 4.191 học sinh, chia làm 88 lớp, nhưng hiện có đến 3.031 học sinh chỉ được học một buổi, có 1.183 học sinh (23 lớp) được học hai buổi, có phục vụ bán trú tại trường.
Năm nay, có tám lớp học sinh Trường TH An Hội đang phải “học tạm” tại Trường THCS Tân Sơn. Dự kiến với đà tăng dân số này, năm học 2016-2017 Trường TH An Hội sẽ tiếp tục quá tải trong việc bố trí phòng học và rất khó khăn trong việc tổ chức bán trú, học hai buổi/ngày cho học sinh.
“Chúng tôi dự kiến đưa học sinh ra ngoài sảnh để ăn trưa” – cô Thuý Trang cho biết.
Báo cáo tại buổi khảo sát của Ban văn hóa – xã hội HĐND TP ngày 9-3, ông Đặng Thanh Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho biết tỉ lệ học sinh học hai buổi/ngày ở tiểu học có 23.598/39.580 học sinh, đạt 59,6%; THCS có 13.385/26.572 học sinh, đạt tỉ lệ 50,37%.
Do dân số cơ học tăng, phòng học dù đã xây mới nhiều nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu học bán trú, vì vậy trên địa bàn Q.Gò Vấp hiện có đến bảy nhóm bán trú vệ tinh tự phát, nơi ít nhất giữ khoảng 30 học sinh và nơi nhiều nhất giữ đến 430 học sinh. Tổng cộng số học sinh học bán trú vệ tinh trên địa bàn Q.Gò Vấp ước tính có khoảng 780 em (chủ yếu là tiểu học).
Ít hơn Q.Gò Vấp, nhưng theo nhìn nhận của Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, tình hình bán trú vệ tinh tự phát đã xuất hiện gần hai năm nay. Tại đây hiện có ba cơ sở giáo dục nhận học sinh bán trú vệ tinh, trong đó có hai cơ sở giáo dục ngoài giờ và Trường TH-THCS tư thục Hồng Ngọc. Có khoảng 500 học sinh đang theo học bán trú vệ tinh tại ba cơ sở này.
Tại buổi làm việc với Ban văn hoá – xã hội HĐND TP, ông Tạ Tân – trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú – nhìn nhận: “Nói đến bán trú thì Tân Phú có thể nói là… chót TP. Hiện nay phải xây dựng trên 1.200 phòng học mới khả thi được việc học hai buổi có bán trú tại quận”.
Ông Trần Văn Phúc, phó chủ tịch UBND Q.Tân Phú, cũng cho biết dù quận đã dành 40% ngân sách của quận để đầu tư cho giáo dục, nhưng với 40% người nhập cư, tạm trú như hiện nay thì không chỉ tiểu học, THCS mà ngay cả bậc THPT cũng áp lực. Một vài trường dự kiến xây dựng chuẩn quốc gia tại quận này cũng phải phá chuẩn để đáp ứng chỗ học cho học sinh.
Cần hành lang pháp lý
Cô Trần Thị Nga, hiệu trưởng Trường TH-THCS Hồng Ngọc (Q.Tân Phú), cho biết cô bắt đầu nhận học sinh bán trú vệ tinh từ năm học 2014-2015 và đến nay tuyển được 163 học sinh, chia làm bảy lớp.
Học sinh bán trú vệ tinh tại Trường TH-THCS Hồng Ngọc được đưa đón bằng xe đưa rước và là học sinh tiểu học từ nhiều trường trên địa bàn như TH Phan Chu Trinh, TH Đoàn Thị Điểm…
“Nếu trẻ học buổi chiều thì buổi sáng chúng tôi đón tại trường tiểu học các bé đang học, sau đó cho ôn bài, dạy kỹ năng sống, ăn trưa, ngủ trưa và đưa các bé tới trường.
Nếu các cháu học buổi sáng thì sau giờ học ở trường, xe đưa rước sẽ đón các cháu tại trường, về cho các cháu ăn trưa, ngủ trưa, sau đó ôn bài, dạy kỹ năng sống rồi trả lại trường hoặc nhà theo yêu cầu của cha mẹ các bé.
Các cháu về nhà sẽ không phải học bài nữa, vì chúng tôi theo sát chương trình học của các cháu ở trên lớp” – cô Trần Thị Nga cho biết.
Ngoài tiền xe đưa rước mỗi tháng 200.000 đồng/HS, học phí buổi 2 và tiền bán trú (ăn, ngủ) tại Trường TH-THCS Hồng Ngọc là hơn 1,3 triệu đồng/tháng đối với HS lớp 1, 2, 3 và hơn 1,4 triệu đồng/tháng đối với HS lớp 4, 5.
Qua thời gian thực hiện, cô Trần Thị Nga cho rằng mô hình bán trú vệ tinh thật sự đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phụ huynh, trong lúc trường công lập chưa giải quyết được tình trạng sĩ số cao, quá tải trường lớp và thiếu việc phục vụ bán trú.
Nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn chưa hiểu việc thực hiện đưa đón, chăm sóc, dạy học sinh… như trên có phù hợp với mô hình bán trú vệ tinh hay chưa. Vì vậy trường kiến nghị các cấp sớm có văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động theo đúng luật.
Ông Trần Trọng Khiêm, phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho biết từ khi bán trú vệ tinh xuất hiện, dù chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng Phòng GD-ĐT vẫn phải giám sát thực hiện.
Bán trú vệ tinh đã xuất hiện tại Q.Tân Phú hai năm nay ở ba cơ sở: một ở Trường TH-THCS Hồng Ngọc (thuộc Công ty giáo dục Trí Đức), một ở cơ sở Khải Nguyên và địa điểm dạy học của một nhà giáo đã về hưu.
Trong đó, Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho biết họ chỉ thấy yên tâm ở cơ sở của Trường TH-THCS Hồng Ngọc vì nơi đây được cấp phép hoạt động là trường tư thục, còn những địa chỉ khác chỉ có giấy phép dạy học hoặc giấy phép hoạt động của Sở kế hoạch – đầu tư, không có chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc… nên còn nhiều băn khoăn.
Vì thế, Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú mong có được hành lang pháp lý về bán trú vệ tinh để dễ bề quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tương tự, ông Đặng Thanh Tuấn – trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp – đề nghị chính quyền tạo cơ chế để các cá nhân, tổ chức có điều kiện tổ chức hoạt động phục vụ bán trú, đáp ứng yêu cầu bức thiết của phụ huynh học sinh. Mặt khác, cần có hướng dẫn quản lý các nhóm trẻ bán trú để làm căn cứ cho các quận huyện quản lý.
Trong buổi khảo sát ngày 8-3 tại Q.Tân Phú, bà Thi Thị Tuyết Nhung, trưởng ban văn hóa – xã hội HĐND TP, nhận định bán trú vệ tinh là một trong những giải pháp phù hợp để tổ chức bán trú cho học sinh tại những quận huyện bùng nổ về dân nhập cư như Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp… Hình thức này đang rất cần một hành lang pháp lý để người thực hiện và người quản lý dễ dàng thực hiện hơn.
Giảm tải bán trú trường công bằng bán trú vệ tinh Bà Lê Thị Kim Hạnh, phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho rằng việc trường công lập kết hợp với trường tư thục xây dựng lớp bán trú là một trong hai biện pháp quan trọng (bên cạnh tăng cường xây dựng trường lớp) để giảm áp lực bán trú lên các trường tiểu học công lập hiện nay. Theo đó, hai bên phải có sự ký kết, cho triển khai và vận động phụ huynh học sinh. Trên địa bàn Q.Gò Vấp có Trường TH tư thục Nguyễn Tri Phương mở ra nhưng tuyển sinh được ít học sinh, hiện nay đã nhận một số học sinh bán trú vệ tinh từ các trường công trên địa bàn. |