26/12/2024

Ít hiểu luật, dễ vi phạm

Từ kết quả khảo sát 
cho thấy nhiều người trẻ chưa quan tâm đến việc tìm hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật, các chuyên gia cho rằng điều này dẫn đến việc họ dễ vi phạm luật và khó tự bảo vệ mình.

 

Ít hiểu luật, dễ vi phạm

 

 

Từ kết quả khảo sát 
cho thấy nhiều người trẻ chưa quan tâm đến việc tìm hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật, các chuyên gia cho rằng điều này dẫn đến việc họ dễ vi phạm luật và khó tự bảo vệ mình.

 

 

 

 

Ít hiểu luật, dễ vi phạm
Người lao động được tư vấn pháp luật tại Ngày hội pháp luật năm 2015 do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức – Ảnh: Ái Nhân

 

 

 

* Chị Lê Thị Huệ (25 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Đụng chuyện, đọc luật cũng không hiểu

Tôi học đại học chuyên ngành về kỹ thuật nên trong chương trình không hề có những môn liên quan đến luật. Ra trường, đi làm, đối với tôi mọi chuyện khá suôn sẻ và bình yên nên chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ ngồi nghiên cứu một cuốn luật nào tới nơi tới chốn.

Thi thoảng cũng có vài việc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, chế độ ốm đau, thai sản hoặc chính sách miễn giảm học phí cho đứa em, tôi mới lên mạng đọc những quy định liên quan.

Nhưng giữa mênh mông quy định, thú thật là người không có chuyên môn như tôi dù đọc kỹ cũng không hiểu hết, không biết đâu mới là quy định mới nhất và phải áp dụng như thế nào mới đúng.

Hai năm trước, ba tôi đột ngột qua đời, có để lại hai cuốn sổ tiết kiệm. Liên hệ với ngân hàng thì họ nói phải làm thủ tục liên quan đến thừa kế rất phức tạp.

Theo lời nhân viên tư vấn ở ngân hàng thì tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất của ba tôi, gồm mẹ tôi và các anh chị em tôi phải xin giấy xác nhận nhân thân của UBND xã, rồi tất cả có mặt tại phòng công chứng, uỷ quyền cho một người đứng ra rút tiền mới được.

Bạn tôi làm ở một văn phòng công chứng cũng hứa giúp theo cách đó, nhưng vì năm anh em tôi ở mỗi người một nơi, không sao tập hợp cùng một lúc được nên cuốn sổ vẫn còn nằm đó.

Gần đây, tình cờ đọc báo Tuổi Trẻ có một bài liên quan đến việc thừa kế sổ tiết kiệm, tôi lại thấy có một cách giải quyết đơn giản hơn: chỉ cần từng người làm giấy từ chối nhận di sản đó thì mọi việc sẽ được giải quyết nhanh. Vậy mà khi hướng dẫn cho tôi, nhân viên ngân hàng và cả người bạn ở văn phòng công chứng (rành luật) lại không tư vấn được cách làm này.

Từ câu chuyện ấy, tôi nghĩ rằng hiểu luật là một chuyện, áp dụng được luật trong đời sống lại là chuyện khác.

GS.TS Trần Ngọc Đức (Trường đại học Cảnh sát):

Thiếu sự quan tâm tìm hiểu luật

Việc báo khảo sát có đến 22% số người trẻ được hỏi cho rằng tìm hiểu pháp luật là cần thiết, theo tôi cũng là nhiều rồi. Bởi thực tế, nhiều thanh niên bây giờ không quan tâm đến chính trị cũng như các quy định của luật pháp. Họ không biết hành vi vượt đèn đỏ là có thể gây nguy hiểm cho người khác, quan hệ tình dục với ai thì không vi phạm pháp luật…

Khi không được trang bị về mặt pháp luật thì thanh niên không biết cái gì là quyền và trách nhiệm của mình, họ rất dễ trở thành đối tượng vi phạm pháp luật. Và như vậy, đương nhiên họ không thể bảo vệ được mình và lợi ích của các cá nhân và tổ chức khác, không đóng góp được gì cho xã hội.

Theo tôi, cần giáo dục sớm cho thanh niên và người trẻ biết được quyền, nghĩa vụ và địa vị pháp lý của mình. Khi họ đã biết thì hướng dẫn cho họ biết cách cần phải tìm hiểu quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào từng lĩnh vực cụ thể liên quan trực tiếp đến họ.

Về việc tìm hiểu luật pháp, tôi nghĩ cơ bản là thanh niên có ý thức tìm hiểu hay không, bởi hiện nay công cụ tìm hiểu rất thuận lợi. Các nhà làm luật, Quốc hội, Bộ Tư pháp… đều có các trang thông tin điện tử có dữ liệu luật. Các trang thông tin văn phòng tư vấn của luật sư cũng rất nhiều, chỉ cần lên mạng là tìm được.

PGS.TS Đỗ Văn Đại (trưởng khoa luật dân sự, Trường đại học Luật TP.HCM):

Đưa luật vào chương trình giáo dục

Việc thanh niên không tìm hiểu và không biết về luật pháp thì tác động tiêu cực là chính, và chắc chắn xảy ra do không hiểu biết. Chúng ta đang sống trong một môi trường mà cả xã hội đang làm việc theo pháp luật, do đó một người không am hiểu, không quan tâm và tìm hiểu đến luật pháp thì tác động trước tiên đến quyền và lợi ích của họ.

Tôi từng học tập, làm việc tại Pháp 13 năm và thấy rằng công dân của họ đều hiểu và tôn trọng pháp luật hơn ở ta rất nhiều lần, vì vậy việc vi phạm pháp luật không diễn ra phổ biến. Còn ở ta, nói ví dụ như luật quy định người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm thì ra Hà Nội thấy người ta vi phạm nhan nhản.

Đấy là những điều luật họ dư biết nhưng họ vẫn vi phạm. Không chỉ không đội mũ bảo hiểm, người ta còn có nhiều hành vi vi phạm khác nữa dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thật thảm khốc.

Bởi vậy, giải pháp mà tôi nghĩ là tốt nhất, đó chính là việc phải đưa ngay luật pháp vào trong các chương trình giáo dục. Bắt đầu bằng những bộ luật gần gũi, cơ bản đối với đời sống như Luật giao thông, vấn đề an toàn về tình dục, vấn đề hôn nhân và gia đình…

Còn nếu xảy ra tình huống khó khăn cần sử dụng pháp luật, tôi nghĩ rằng hiện nay có nhiều kênh thông tin để có thể tiếp cận luật, các văn phòng luật sư, các trung tâm hỗ trợ pháp lý miễn phí ở các tỉnh, thành…

Tìm hiểu luật chủ yếu qua mạng, báo chí

Khảo sát 100 bạn trẻ ở TP.HCM cho thấy kênh tiếp nhận thông tin về luật pháp phổ biến nhất hiện nay của các bạn trẻ này là những trang mạng xã hội (59%) và các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng (58%).

Những người trẻ trong cuộc khảo sát dường như không hứng thú với những kênh tiếp nhận như các cuộc họp phổ biến quy định mới về các điều luật được tổ chức tại địa phương, tại cơ quan họ công tác hay bảng thông báo công cộng… Trong đó, đáng chú ý là việc tiếp nhận thông tin luật pháp ở kênh trường học – nơi gần gũi với phần đông người trẻ – chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ là 5%. M.N.

ThS Đinh Văn Đoàn (giảng viên Đại học Luật TP.HCM):

Chủ động nắm những nguyên tắc luật cơ bản

Để tăng cường sự hiểu biết, quan tâm đến pháp luật của người dân, theo tôi cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là trách nhiệm của các cơ quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật.

Có thể mở những đợt tuyên truyền, tập huấn, mời các chuyên gia về tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, hình sự – vốn là những vấn đề người dân rất hay gặp trong đời sống hằng ngày.

Với các sự việc điển hình, báo chí nên đưa ra và phân tích từ góc độ pháp lý. Đây cũng là một kênh hữu hiệu để khi người dân đụng chuyện có thể nhờ đến để đánh động các cơ quan công quyền phải vào cuộc giải quyết.

Khi gặp vướng mắc liên quan đến pháp lý, người dân thường tìm đến các trung tâm trợ giúp pháp lý, văn phòng luật sư… Do vậy, Nhà nước cần phải thể hiện vai trò của mình bằng việc tạo ra hệ thống các cơ quan, đoàn thể trên một cách đầy đủ, có chất lượng.

Về phía người dân, mỗi người một công việc một lĩnh vực khác nhau, rất khó để đòi hỏi họ phải quan tâm tìm hiểu tất cả về luật pháp.

Ngay cả bản thân tôi là người giảng dạy về luật nhưng cũng không thể nắm hết toàn bộ các quy định về tất cả các lĩnh vực, mà chỉ chuyên sâu về một số lĩnh vực nhất định thôi. Các luật khác thì nắm các nguyên tắc cơ bản để khi cần có thể tìm hiểu thêm và vận dụng linh hoạt cho từng trường hợp.

Nghĩa là mỗi người nên có sự chủ động. Khi cần, hãy chủ động tìm hiểu và nhờ sự trợ giúp của các cơ quan nói trên để được tư vấn, giải thích trên cơ sở luật định và cả thực tiễn áp dụng.

HOÀNG ĐIỆP – MAI HOA ghi