24/12/2024

Sẽ lấy ý kiến nhân dân về cầu vượt sông Hương

Những ngày qua, phương án kiến trúc cầu vượt sông Hương sau khi được công bố đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Sẽ lấy ý kiến nhân dân về cầu vượt sông Hương

 

 

Những ngày qua, phương án kiến trúc cầu vượt sông Hương sau khi được công bố đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.



 


Sẽ lấy ý kiến nhân dân về cầu vượt sông Hương - ảnh 1

Sẽ lấy ý kiến nhân dân về cầu vượt sông Hương - ảnh 2

Nhiều ý kiến cho rằng phương án Chiếc nón chưa đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ cho việc xây dựng công trình cầu vượt trên sông Hương (ảnh dưới) – Ảnh: phối cảnh của đơn vị dự thi – Đ.N.T

Cuộc thi chọn phương án kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương (thuộc Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, TP.Huế) do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho Ban Đầu tư xây dựng giao thông (Sở GTVT) làm chủ đầu tư, tổ chức thi tuyển. Cuộc thi lần thứ nhất đã nhận được 12 phương án (5 đơn vị) tham gia, nhưng chỉ có 1 phương án được hội đồng chấm giải ba (không có nhất, nhì).
Để có thêm lựa chọn, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản yêu cầu tổ chức cuộc thi lần 2 (từ 17.12.2015, thời gian nộp hồ sơ dự thi đến ngày 22.2.2016). Ban tổ chức nhận được 20 phương án (13 đơn vị) dự thi, trong đó có cả phương án đã được giải ba của lần 1. Ngày 24.2 vừa qua, hội đồng chấm giải đã mở hồ sơ để chấm và công bố 3 tác phẩm đoạt giải, gồm: giải nhất thuộc về phương án Chiếc nón (Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP); giải nhì là phương án Trăng sông Hương (liên danh Trung tâm khoa học công nghệ và tư vấn đầu tư – Công ty CP xây dựng A.S.D) và giải ba thuộc về phương án Núi Ngự Bình (Công ty CP tư vấn thiết kế Kiến Châu).
Sau khi kết quả được công bố, dư luận cho rằng các phương án được giải chưa đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ cho việc xây dựng cầu vượt trên sông Hương. Đặc biệt, phương án đoạt giải nhất – chiếc nón cách điệu bằng dây văng úp xuống cầu ngay giữa dòng sông quá thô cứng và đơn điệu. “Nhìn từ xa nó như một hình kim tự tháp thì đúng hơn là chiếc nón. Nón Huế chỉ đẹp và mềm mại khi gắn liền với tà áo dài người thiếu nữ. Còn nón mà úp trên cầu vậy chẳng còn ý nghĩa gì” – một người dân bình luận.
Mỗi bài thi được chấm trong 6 phút !?
Bên cạnh những ý kiến nhận định các phương án đoạt giải chưa đẹp, nhiều người cũng cho rằng hội đồng chấm thi đã làm việc thiếu kỹ càng trong việc lựa chọn phương án kiến trúc cho một dự án mang nhiều ý nghĩa về dân sinh và kiến trúc đô thị của Huế. Cụ thể, theo hồ sơ thông báo mời dự thi ghi rõ, thời gian chính thức mở hồ sơ chấm thi từ 9 giờ ngày 24.2 (và kết thúc khoảng 11 giờ, tức chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng đồng hồ, 120 phút). Như vậy, mỗi phương án chỉ được chấm bình quân khoảng 6 phút là không đủ thời gian để các giám khảo xem hình ảnh, video, trình chiếu, nghe thuyết minh ý tưởng lẫn thẩm định phương án kiến trúc. Ngoài ra, trong số 11 thành viên hội đồng chấm giải, chỉ có 2 giám khảo chấm giải có đầy đủ các thang điểm chi tiết, còn lại các giám khảo khác chỉ chấm tổng điểm cho các phương án.
Giải thích vấn đề thời gian chấm thi, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó giám đốc Ban Đầu tư xây dựng giao thông, đã viện dẫn căn cứ từ thời gian được ghi trên giấy mời để khẳng định thời gian chấm từ 7 giờ 30 đến gần 12 giờ ngày 24.2, nghĩa là hơn 4 tiếng đồng hồ chứ không phải 2 tiếng. Ông Quyền cho biết, sau khi chấm, ban tổ chức tổng hợp điểm và đến 29.2, mới báo cáo xong. “Hội đồng tuyển chọn phương án gần như được nghiên cứu từ trước nhiệm vụ thiết kế, kiến trúc. Có đề bài người ta đã đọc từ trước rồi. Phương án chấm điểm, cách làm việc, họ cũng đã biết rồi. Hôm 24.2, chẳng qua là họ xem các phương án dự thi như thế nào để bình xét so với khung điểm họ đã ra”, ông Quyền nói.
Sẽ triển lãm, lấy ý kiến nhân dân
Ngày 7.3, trả lời PV Thanh Niên về dư luận trái chiều sau khi công bố giải, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết UBND tỉnh đã giao Ban Đầu tư xây dựng giao thông tổ chức cuộc thi, vì vậy hiện UBND tỉnh đang chờ đơn vị này gửi hồ sơ báo cáo. Ông Cao cũng khẳng định đây chỉ là những phương án kiến trúc được giải của cuộc thi, chưa phải là phương án sẽ được lựa chọn để đưa vào thực hiện. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức triển lãm để trưng cầu ý kiến rộng rãi của nhân dân.
“Dự án chính thức được triển khai, còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Thứ nhất là phương án kiến trúc phải phù hợp yêu cầu thẩm mỹ, kỹ thuật, quy mô, thiết kế của công trình và quan trọng hơn là phải phù hợp với kinh phí được duyệt. Với một dự án xây dựng cầu ở vị trí quan trọng trên sông Hương, lãnh đạo tỉnh phải tranh thủ ý kiến của các bộ, ngành T.Ư, Thủ tướng và cả khuyến nghị của UNESCO. Ngay cả việc đặt tên cầu, như trước đây với cầu Dã Viên, tỉnh cũng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Chúng tôi làm việc thận trọng và đảm bảo quy trình, chứ không vội vàng. Lãnh đạo tỉnh sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để chọn phương án kiến trúc đẹp, khả thi, đáp ứng được các yêu cầu về giao thông, phù hợp văn hoá, cảnh quan sông Hương”, ông Cao nói.
Công trình cầu vượt sông Hương thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng, vượt qua sông Hương (TP.Huế), vị trí xây dựng từ đường Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, nối đường Bùi Thị Xuân (P.Phường Đúc, TP.Huế). Cầu có chiều dài dự kiến 385 m, rộng 40,5 m với 6 làn xe, được đề xuất đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

 

Bùi Ngọc Long