01/11/2024

Rượu bia, thuốc lá kéo lùi thanh niên Việt Nam

Chuyện thanh niên Việt Nam “thể lực yếu, hút thuốc nhiều và bia rượu cao” chẳng lẽ chúng ta chỉ thấy, chấp nhận mà không có giải pháp nào khi nghĩ về tương lai của đất nước?

 

Rượu bia, thuốc lá kéo lùi thanh niên Việt Nam

 

 

Chuyện thanh niên Việt Nam “thể lực yếu, hút thuốc nhiều và bia rượu cao” chẳng lẽ chúng ta chỉ thấy, chấp nhận mà không có giải pháp nào khi nghĩ về tương lai của đất nước?

 

 

 

 

Rượu bia, thuốc lá kéo lùi thanh niên Việt Nam
Biểu đồ so sánh giá bia, thuốc lá của VN với một số nước. Theo đó, giá hai mặt hàng có hại cho sức khỏe rất rẻ ở VN! Nguồn: Numbeo.com (chuyên thống kê về điều kiện sống ở các quốc gia) – Đồ họa: Như Khanh

 

 

 

* Thanh niên Việt Nam còn lâu mới “sánh vai” giới trẻ các nước

Đó là nhận định của ông Vũ Đăng Minh (vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) từ báo cáo quốc gia về thanh niên mới đây cho thấy tố chất thể lực – đặc biệt sức bền và sức mạnh, tầm vóc – của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn thế giới, thua nhiều nước trong khu vực.

Ông Minh chia sẻ: Thật ra chúng ta đã nhìn thấy vấn đề này từ lâu chứ không phải bây giờ mới nêu ra. Nhận thức được tầm quan trọng của chăm sóc sức khoẻ cho thanh niên, chiến lược phát triển thanh niên đã đưa ra hai nhóm giải pháp.

Đầu tiên là tăng cường đổi mới hoạt động thể chất và phong trào thể dục thể thao ở các trường chuyên nghiệp, phổ thông nhằm tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thể chất. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp về sức khoẻ sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm trong thanh niên.

Tiếp đến, Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch đã xây dựng “Đề án chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030”, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam lên 168,5cm vào năm 2030 và nữ là 157,5cm ở độ tuổi 18.

* Các số liệu (chưa chính thức) cho thấy một tỉ lệ tương đối cao thanh niên Việt Nam hút thuốc lá và sử dụng rượu bia. Báo cáo quốc gia về thanh niên đưa ra giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

– Chúng ta đã có những chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá, chống lạm dụng bia rượu. Tuy nhiên hiệu quả còn mức độ. Nếu vẫn còn cách làm hành chính theo kiểu lập ban chỉ đạo thì rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Hiện vẫn chưa có chương trình nào đưa mô hình can thiệp điển hình có tác động hiệu quả đến nhóm đối tượng vị thành niên/thanh niên.

Đặc biệt, các mô hình can thiệp giúp trẻ vị thành niên/thanh niên cai nghiện thuốc lá và rượu là một mảng còn thiếu ở Việt Nam. Một điều tra vào năm 2010 cho thấy nhiều người đang hút thuốc muốn bỏ thuốc nhưng không thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ điều trị cai nghiện ở Việt Nam.

* Ở nhiều nước có quy định cấm bán thuốc lá, rượu bia cho trẻ vị thành niên và các quy định này được thực hiện nghiêm túc. Còn ở ta, ông nghĩ sao?

– Việc sử dụng rượu bia còn là câu chuyện văn hoá, ví dụ ở các tỉnh miền núi thì nhiều nơi đã thành tập quán, không muốn uống không được.

Còn ở đô thị, theo kết quả tham vấn cộng đồng về lạm dụng bia rượu ở Việt Nam do Viện Xã hội học thực hiện thì người dân mua rượu bia còn dễ hơn cả mua xăng, 45% hộ gia đình có sẵn rượu bia trong nhà. Như vậy đây là vấn đề phải tiếp cận từ góc độ thay đổi thói quen, tập quán và văn hoá của cả xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tác hại của thuốc lá, chống lạm dụng rượu bia cho thấy nhiều nước có quy định cấm rất rõ ràng, kèm theo chế tài mạnh chứ không chỉ đặt ra quy định cho có.

Một số biện pháp đã được các chuyên gia đề xuất như hạn chế sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh rượu bia; hạn chế điểm bán, giờ bán; tăng thuế liên quan đến rượu bia, thuốc lá, đồng thời đẩy mạnh chống buôn lậu các mặt hàng này…

Tôi nghĩ giải pháp không thiếu, quyết tâm chính trị đã có, việc cần thiết bây giờ là cụ thể hoá thành quy định pháp luật và triển khai nghiêm túc.

Hiện chúng tôi đang đề xuất xây dựng bộ chỉ số thanh niên, về phương pháp tương tự như bộ chỉ số cải cách hành chính, qua đó để đo lường được mức độ thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các tỉnh thành, tỉnh nào tốt, tỉnh nào yếu và nếu yếu phải có chấn chỉnh.

Bia rượu, thuốc lá rẻ quá!

Alessandro Corradi (25 tuổi, người Ý):

Sức mạnh của quảng cáo

Một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ hút thuốc và uống rượu bia nhiều vì sức mạnh của quảng cáo. Những hình ảnh từ báo chí, phim ảnh xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Sản phẩm càng độc hại càng có chiến thuật quảng cáo hấp dẫn.

Việc giới trẻ hút thuốc, uống rượu bia nhiều và không quan tâm đến sức khoẻ xảy ra ở rất nhiều quốc gia chứ không riêng VN. Tuy nhiên, tôi cho rằng ý thức của mỗi người là điều rất quan trọng. Bạn không thể viện lý do để thỏa hiệp việc mình hút thuốc hay uống rượu bia nhiều.

Hãy luôn nhớ rằng sức khoẻ tốt sẽ mang lại tinh thần tốt, đầu óc minh mẫn. Bên cạnh đó thay vì luôn nói về tác hại của thuốc lá và rượu bia, chúng ta nên gợi ý cho giới trẻ những giải pháp giúp họ giảm căng thẳng, giải trí bổ ích và hướng dẫn họ làm theo.

Martin Bernard (27 tuổi, người Pháp):

Sợ uống kiểu “sát phạt”

Tại Pháp, tôi cùng bạn bè vẫn thỉnh thoảng đi uống một vài ly cocktail hoặc rượu, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, chúng tôi không thách nhau uống theo kiểu “sát phạt”, cũng không có các “luật” như ai đến trễ thì bị phạt.

Trong những cuộc gặp gỡ, bia rượu có thể khiến không khí sôi nổi hoặc thêm “gia vị” một phần nào đó. Nhưng dẫu sao đây cũng chỉ là loại đồ uống.

Ai cũng có lúc say xỉn một đôi lần hoặc cần phải hút một điếu thuốc. Tuy nhiên, mỗi người cần biết đâu là giới hạn vì thực chất bia rượu và thuốc lá hoàn toàn không tốt cho sức khoẻ.

Ngoài ra, bạn cũng nên chọn một môn thể thao phù hợp với sở thích và thời gian biểu để luyện tập. Việc rèn luyện sức khoẻ, chế độ ăn uống lành mạnh giúp thải bớt những chất độc hại sau những lần bạn hút thuốc và uống bia.

Kim Tae Hyun (37 tuổi, người Hàn Quốc): 

Uống cả trong giờ làm việc

Ở Hàn Quốc, nhà hàng, văn phòng, công viên, phố đi bộ đều cấm hút thuốc, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền tương đương 480.000 – 4,48 triệu đồng nên nhiều người bỏ hút thuốc và chú ý đến việc hút thuốc nơi công cộng hơn.

Theo luật Hàn Quốc, người trên 20 tuổi mới được hút thuốc và uống bia. Ở Hàn Quốc thường xuyên có các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của rượu bia, thuốc lá, có luật cấm bán cho học sinh và thuế bia rượu, thuốc lá khá cao. Giá thuốc lá năm nay còn tăng lên 89.600 – 134.400 đồng/gói.

Văn hoá bia rượu thì nước nào cũng giông giống nhau nhưng sống ở VN 14 năm, tôi thấy điểm khác nhau giữa văn hoá nhậu của người Việt và người Hàn là ở VN nhiều người uống trong giờ làm việc là bình thường. 

NGỌC ĐÔNG – BÌNH MINH thực hiện

V.V.THÀNH thực hiện