01/11/2024

Bệnh cảm, có cần cạo gió đến mức đỏ bầm?

Cảm là một hội chứng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Việc hiểu đúng và biết cách ứng xử với bệnh cảm sẽ giúp người bệnh và gia đình kịp chữa trị tại nhà một cách đơn giản, tiết kiệm và an toàn.

 Bệnh cảm, có cần cạo gió đến mức đỏ bầm?

Cảm là một hội chứng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Việc hiểu đúng và biết cách ứng xử với bệnh cảm sẽ giúp người bệnh và gia đình kịp chữa trị tại nhà một cách đơn giản, tiết kiệm và an toàn.

Bệnh cảm, có cần cạo gió đến mức đỏ bầm?
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Đỗ Tân Khoa – Ảnh: Lê Phan

1. Cảm là gì?

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Đỗ Tân Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyển TP.HCM, cảm là một hội chứng nhiễm siêu vi bao gồm các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, đau đầu, đau bắp cơ.

Theo dân gian thường hiểu cảm là trạng thái bất thường của cơ thể liên quan đến thay đổi thời tiết gây nhiễm lạnh cơ thể.

Trường hợp khác, người bệnh thường hay nhầm lẫn cảm là trạng thái bất thường của cơ thể với các bệnh cấp tính như tai biến mạch máu não, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.

2. Khi bị cảm phải làm gì?

Khi gặp trường hợp này, đầu tiên người bệnh cần nằm nghỉ ngơi ở trạng thái thư giãn, hít thở đều và tránh suy nghĩ hay vận động mạnh.

Sau đó, người thân có thể áp dụng các biện pháp điều trị đơn giản tại nhà như xoa bấm huyệt, làm ấm gan bàn chân, bàn tay.

Ngoài ra, người bệnh có thể uống nước gừng ấm hoặc ăn bát cháo có nhiều hành và tía tô.

Tuy nhiên, nếu cảm thấy cơ thể vẫn khó chịu thì nên đến các bác sĩ có chuyên môn để được điều trị tốt nhất.

3. Bị cảm cạo gió như thế nào?

Theo nguyên tắc, cạo gió là một phương pháp điều trị thuộc nhóm không dùng thuốc của y học cổ truyền và được sử dụng trong các trường hợp cảm nhẹ. Cạo gió nhằm khai thông sự ứ trệ của kinh mạch và nâng cao sức phòng vệ của cơ thể.

Việc dân gian cạo gió để trị cảm là việc thường xuyên và áp dụng ở tất cả các vùng miền. Ngay cả một số nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản cũng áp dụng phương pháp này để điều trị các bệnh cảm thông thường như mệt mỏi, đau nhức cơ.

Vị trí cạo gió thường là ở lưng, dọc cột sống đến thắt lưng. Đây là nơi tập trung nhiều huyệt quan trọng trong cơ thể, có tác dụng kích thích toàn bộ hệ thống lục phủ, ngũ tạng hoạt động, điều hòa khí huyết, giảm đau nhức, mệt mỏi và giữ ấm cơ thể.

Nguyên liệu để cạo gió thường là rượu, củ gừng hoặc dầu gió (không dùng tinh dầu bạc hà vì sẽ tạo cảm giác mát lạnh sau khi bốc hơi) và vật liệu là một đồ vật cứng như muỗng, đồng xu, nắp chai, nhẫn bạc đã được sát trùng.

Trong khi cạo gió cho bệnh nhân, tránh dùng sức nhiều vì có thể làm tổn thương phần da, làm chảy máu. Không nhất thiết phải cạo cho đến khi đau hoặc đỏ bầm.

Môi trường trước, đang và sau cạo gió nên là nơi kín đáo, tránh gió lùa hoặc mở quạt mạnh. Người bị cảm phải luôn giữ ấm cơ thể.

4. Cạo gió có gây ra tử vong không?

Cũng theo bác sĩ Khoa, thông tin lan truyền rằng việc cạo gió gây ra tử vong là không đúng.

Như đã nói ở trên, nhiều khi người bệnh lầm lẫn cảm với các triệu chứng bất thường khác của cơ thể liên quan tới các bệnh cấp tính. Do không hiểu biết nên người nhà vẫn dùng phương pháp cạo gió để chữa trị mà bỏ qua giai đoạn cấp cứu ban đầu. Và chính các bệnh cấp tính đó là nguyên nhân gây ra tử vong cho bệnh nhân chứ không phải do cạo gió.

Không phải bất cứ trường hợp nào cũng sử dụng biện pháp cạo gió. Đặc biệt, với bệnh nhân có bệnh cấp tính, người nhà nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tránh mất đi thời điểm vàng và có được sự can thiệp đúng mức của y khoa.