24/12/2024

Sài Gòn “Hẹn nhau ở đường sách nhé”

Cụm từ “Hẹn nhau ở đường sách nhé” đang trở thành quen thuộc với cư dân trẻ Sài Gòn, sau hơn một tháng đường sách TP.HCM đi vào hoạt động.

 

Sài Gòn “Hẹn nhau ở đường sách nhé” 

 

 

Cụm từ “Hẹn nhau ở đường sách nhé” đang trở thành quen thuộc với cư dân trẻ Sài Gòn, sau hơn một tháng đường sách TP.HCM đi vào hoạt động.

 

 

 

 

Sài Gòn “Hẹn nhau ở đường sách nhé” 
Đường sách TP.HCM đang trở thành một không gian văn hoá ý nghĩa của TP.HCM, điểm hẹn của nhiều công dân TP – Ảnh: Tự Trung

Không chỉ các đơn vị tham gia đường sách đang nỗ lực tổ chức những hoạt động mà sự ủng hộ của người dân TP đối với đường sách cũng là một động lực để đường sách thật sự trở thành “điểm đến” định vị trong nhịp sống thường nhật của TP này.

Để đường sách thăng hoa

“Trong các hoạt động văn hóa tại đường sách, chúng tôi chú trọng tổ chức không gian cho các cháu thiếu nhi. Phải làm sao để các cháu được gần gũi, tiếp xúc với sách từ thuở nhỏ, cảm tình với sách sẽ phát sinh và thói quen tìm đến sách, đọc sách mới hình thành một cách tự nhiên trong mỗi người khi lớn lên” – TS Quách Thu Nguyệt, thành viên ban điều hành Đường sách 
TP.HCM, tâm sự.

Khi chọn các đơn vị tham gia đường sách, Sở Thông tin – truyền thông cũng như Hội Xuất bản Việt Nam – thành phần chính điều hành đường sách – đã thống nhất cao ở một yêu cầu: những đơn vị này phải có năng lực tổ chức sự kiện, để làm sao đường sách phải là một “con đường sống”, tức người dân không chỉ đến đây vì nhu cầu mua sách, mà bạn đọc còn đến đây bởi những sự kiện thiết thực, hấp dẫn mà họ quan tâm.

Vừa qua, từ triển lãm thơ ca kháng chiến, báo xuân, phiên chợ xuân, các cuộc giao lưu giới thiệu tác giả tác phẩm của các NXB Kim Đồng, Phương Nam, Nhã Nam, Trí Việt… đều cho thấy đường sách quả là không gian thuận tiện cho việc thiết kế các sự kiện về sách.

Bà Xuân Hạnh, giám đốc NXB Văn Hoá – Văn Nghệ, cho biết từ khi hiện diện ở đường sách, những người làm sách Văn Hoá – Văn Nghệ như được thêm kinh nghiệm về tổ chức sự kiện và quan trọng hơn, được tiếp xúc với bạn đọc ở cự ly gần, khiến cho lãnh đạo NXB cũng nắm được nhu cầu đọc của công chúng.

Một nhóm bạn đọc mê sách cũ sau khi quan sát đường sách trong những ngày nhộn nhịp vừa qua đã lập tức nhận ra không gian này sẽ rất thú vị nếu đặt một số tượng sáp, tạc các nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước để công chúng chiêm ngưỡng và… chụp hình lưu niệm.

Đã có nhận xét vui rằng hoạt động chính của công chúng tại đường sách thời gian qua là chụp hình post lên Facebook. Như vậy, nếu đường sách có tượng Nguyễn Tuân ngậm tẩu ngồi đọc sách, Nguyên Hồng đang đăm chiêu, Phùng Quán khề khà làm thơ… chẳng hạn thì việc chụp hình của công chúng hẳn thêm nhiều ý nghĩa.

Trong mạch ý tưởng ấy, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty Trí Việt – First News, cho biết ông vừa có ý tưởng sẽ dựng tượng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn ở tư thế dắt chú chó becgiê quen thuộc tại đường sách.

Rõ ràng, đường sách đang có cơ hội thăng hoa hơn nữa trong nội dung hoạt động và trong chiều kích kết nối với cộng đồng, bởi nơi đây đang là không gian để cả công chúng và giới làm sách thể hiện 
các ý tưởng, sáng tạo.

Sài Gòn “Hẹn nhau ở đường sách nhé” 
Một “đặc sản” của đường sách là khu vực sách cũ cũng sẽ được đổi mới hình thức trong tương lai, theo hướng thiết kế mái che đẹp hơn và bày bán sách đa dạng hơn Ảnh: L.Điền

Và những thách thức phía trước

Có rất nhiều ý kiến bạn đọc ghi vào sổ góp ý đặt tại đường sách, bên cạnh những niềm hân hoan đồng thuận với hoạt động đường sách, còn một số vấn đề được nêu ra, như cần có thêm lượng ghế ngồi dọc đường để khách ngồi nghỉ, không nhất thiết phải là vào quán cà phê, tăng thêm số lượng sách tổng hợp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc…

Nhà sưu tập sách Vũ Hà Tuệ cho rằng đường sách là nơi diễn ra các sự kiện thường xuyên, nên chăng ở hai đầu đường cần bố trí bảng thông tin để thông báo các sự kiện đang và sắp diễn ra cho công chúng tiện theo dõi, cũng là cách thu hút bạn đọc đến với đường sách.

Thầy Quảng Tuấn – quản thủ thư viện Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp) – sau khi dạo một vòng đường sách, nhận định: Tính về dung lượng, cả đường sách không bằng một nhà sách tổng hợp của Fahasa, như vậy nếu ai muốn mua sách, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập… thì họ vào các nhà sách tổng hợp sẽ tiện hơn.

Về thực tế này, theo ông Lê Hoàng – phó trưởng ban điều hành đường sách – có một giải pháp đã được tính đến, đó là: mỗi đơn vị tại đường sách phải “bán thêm” một số chủng loại sách, nhằm mục đích lấp khoảng trống các đề tài.

“Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở các đợt bán sách theo chủ đề và theo đối tượng bạn đọc, chẳng hạn sẽ có những đợt bán sách kỹ năng giáo dục, sách chuyên đề doanh nhân, sách dành cho phụ nữ, gia đình… để điều hòa các mảng đề tài” – ông Lê Hoàng bày tỏ.

Điều cốt yếu là cả 14 đơn vị xuất bản ở đây cùng bắt tay để duy trì một đường sách thân thiện và hữu ích. Chính sự sáng tạo của những đơn vị tham gia đường sách sẽ quyết định sự thành công của đường sách trong tương lai, bởi không lý gì ở một nơi có khách hàng, có sức mua, có điều kiện tổ chức hoạt động mà những người làm nghề lại không thành công ngay trong chính 
công việc của mình.

Sài Gòn “Hẹn nhau ở đường sách nhé” 
Đường sách là nơi gặp gỡ giữa các tác giả và độc giả trẻ. 

Thành lập Công ty Đường sách TP.HCM

Giới chuyên môn cho rằng TP.HCM hội tụ đủ một số điều kiện để đường sách thành công. Thứ nhất, thị trường sách TP.HCM và cả nước nói chung đang vượng, đang khởi sắc chứ không suy yếu, cụ thể là hệ thống Fahasa và Phương Nam năm 2015 tăng trưởng từ 15-30% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai là sức mua sách của TP.HCM luôn cao. Thứ ba là đường sách tập trung hơn 10 đơn vị xuất bản uy tín, bạn đọc sẽ tìm được ở đây những quyển sách đáng tin cậy. Và nơi đây còn có sức hút từ cây xanh bóng mát, quán cà phê, chỗ ngồi thoải mái và là nơi trung tâm TP, tiện đường đi lại…

Phản hồi từ một số đơn vị cho thấy doanh thu bán sách tại đường sách trong một tháng qua rất khả quan: Phương Nam: 15 triệu đồng/gian hàng/ngày; Nhã Nam: hơn 5 triệu đồng/gian hàng/ngày; NXB Trẻ: 5 triệu đồng/gian hàng/ngày; cá biệt có NXB Kim Đồng trong các ngày mùng 4, 5, 6 tết vừa qua bán đạt 20 triệu đồng/ngày.

Thông tin mới nhất là Hội Xuất bản Việt Nam đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường sách TP.HCM, do ông Lê Hoàng làm giám đốc. Công ty sẽ hoạt động theo hình thức hợp đồng với Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM để điều hành toàn bộ hoạt động của đường sách TP.HCM bắt đầu từ ngày 1-3.

LAM ĐIỀN ([email protected])