Giữ từng cột mốc biên giới
Trong số 1.971 cột mốc cắm ở 7 tỉnh biên giới phía bắc, Cao Bằng có nhiều cột mốc nhất (634 cột mốc), nên được gọi là tỉnh có ‘thế mạnh cột mốc’ – thế mạnh mà đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, xương máu…
Kỷ niệm 27 năm ngày Biên phòng toàn dân (3.3.1989 – 3.3.2016)
Giữ từng cột mốc biên giới
Trong số 1.971 cột mốc cắm ở 7 tỉnh biên giới phía bắc, Cao Bằng có nhiều cột mốc nhất (634 cột mốc), nên được gọi là tỉnh có ‘thế mạnh cột mốc’ – thế mạnh mà đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, xương máu…
Ông Lý Viết Coỏng, nguyên Đồn trưởng biên phòng Đàm Thuỷ, nghỉ hưu năm 2007 khi là thượng tá, Phó trưởng phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng nhớ lại: “Từ năm 1965, phía Trung Quốc đã có ý đồ lấn chiếm thác Bản Giốc, xây dựng trạm thuỷ điện ngay cạnh nhánh sông cực Bắc và ngăn nước thay đổi dòng chảy. Lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc nhiều lần xâm nhập lãnh thổ nước ta, ngăn cản Bộ đội biên phòng và nhân dân ta đi lại, nhất là trong năm 1975 – 1976. Thậm chí họ còn ngang ngược nhận đường biên giới đi qua dòng phía nam của thác, cồn Pò Thoong là lãnh thổ của họ!” và chi tiết: “Từ lúc ký Hiệp ước biên giới đất liền tháng 12.1999 đến cuối năm 2004, phía Trung Quốc tập trung làm cầu, bè mảng để du khách vào chân thác tham quan, xâm nhập cồn Pò Thoong, làm đường ra mốc 53, lấn sang đất ta. Cuộc đấu tranh ở khu vực cồn Pò Thoong và đoạn từ đỉnh thác nối đến mốc 53 là dai dẳng và khốc liệt nhất!”.
Tiếng kẻng giữ đất
Ông Trần Quý Sơn (57 tuổi), nguyên Trưởng thôn Bản Giốc hồi tưởng: “Thời điểm 1998 – 2000, khi manh nha các dịch vụ du lịch, bè chở khách Trung Quốc đi qua đường trung tuyến, áp sát bờ sông phía VN, thậm chí còn định cho người Trung Quốc nhảy lên” và cắn môi: “Hàng trăm người dân thôn Bản Giốc đã cắt cử nhau ra trực ven bờ sông Quây Sơn để ngăn chặn và bị họ ném gạch đá làm nhiều người bị thương!”.
|
Nhớ lại những ngày này, ông Nông Tài Nghĩa (77 tuổi, nguyên Bí thư Đảng uỷ chuyên trách biên phòng của xã Đàm Thuỷ) kể lại: “Cam go nhất là những ngày đấu tranh ở cồn Pò Thoong dưới chân thác Bản Giốc. Dân mình trồng ngô thì họ ra nhổ!” và trầm giọng: “Từ năm 1974, dân trong xã đã quen với việc nghe tiếng kẻng dân quân huy động đấu tranh giữ đất. Cứ nghe 3 hồi kẻng liên tục là mọi người bỏ công việc, chạy ra thác ngăn cản bên Trung Quốc sang trồng cấy, lấn đất. Có khi hàng nghìn dân dựng lều canh suốt mấy ngày đêm, khiến lính Trung Quốc mặc thường phục cũng phải sợ!”.
Xây nhà trước họng súng
Ngày 28.8.1996, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ mở cửa khẩu Sóc Giang – Bình Mãng và ngày 3.6.1997 khởi công xây dựng trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu ở cách mốc 114 khoảng 25 m về phía VN. “Ngay lập tức, phía Trung Quốc phản ứng” – ông Nông Văn Nhà (57 tuổi, Trưởng xóm Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) cho biết như vậy và liệt kê: Ngày 7 và 8.6.1997, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, xua đuổi dân ta đi chợ bên đó và mắc 2 loa phóng thanh công suất lớn hướng sang khu vực ta đang thi công, liên tục phát thanh tuyên truyền xuyên tạc, kích động, vu khống đe doạ ta. Đồng thời, Trung Quốc cho 1 đại đội vũ trang đào công sự từ mốc 113 đến mốc 115, áp sát trước cửa khẩu và triển khai hoạt động trên các nhà cao tầng đối diện và chĩa súng vào khu vực trạm biên phòng của ta trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Đặc biệt, buổi sáng 7.6.1997, sau khi bố trí đội hình chiến đấu, phía Trung Quốc cho 10 binh sĩ mặc quần áo rằn ri mang súng AK tràn qua cửa khẩu vượt mốc 114 và gí nòng súng vào ngực cán bộ chiến sĩ biên phòng và nhân dân ta đang đấu tranh ngăn chặn. “Các ngày sau đó, họ huy động 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu định sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Số người này hò hét, đe dọa hòng làm công nhân xây dựng lo sợ, bỏ về”, ông Nhà kể.
“Hôm ấy tôi đang làm nương, nghe tiếng hô: lính Trung Quốc tràn sang đất mình, không cho mình xây nhà. Ra giúp bộ đội đi!”, ông Nông Văn Niêm (63 tuổi, ở thôn Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nhớ lại những ngày đầu tháng 6.1997 và kể tỉ mỉ: Mọi người dù đang làm nương, buôn bán, nấu ăn đều rầm rập kéo ra cửa khẩu, chỗ mốc 114 (nay là mốc 647). Tới nơi đã thấy lính Trung Quốc mặc quần áo rằn ri tràn sang đất ta, qua cả cột mốc và chĩa súng vào lực lượng Bộ đội biên phòng, cán bộ huyện xã đang khoác tay nhau đứng chặn, vừa không cho họ đi vừa giải thích. Bà con của thôn gần 100 người ùa ngay vào, đứng ngay sau bộ đội thành khối đông đặc, đẩy lính Trung Quốc sang bên kia cột mốc. Khoảng 10 phút sau, hàng trăm bà con các thôn Quý Xuân, Trường Hà, Xuân Hoà cũng rùng rùng kéo lên, nối thành vòng người chắn dọc biên giới. Ai nấy đều bừng bừng sắc mặt, giơ nắm tay hô: “Đất này của VN. Lính Trung Quốc về đi!”, khiến lính Trung Quốc chùn chân, chỉ giơ súng dọa và lùi dần chứ không dám tiến lên đẩy người, định đánh đập công nhân xây dựng như lúc trước… “Tôi hô lên: “Bà con đừng sợ!” và lao lên đẩy bật thằng đang chĩa súng. Bà con thấy vậy cũng ào ào lao lên, cùng hô phản đối!” – ông Niêm cười sảng khoái: “Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất thì giàu lắm!”…
Đất của tổ quốc, dù chết cũng quyết giữ
Ngay từ năm 2003, các đơn vị thi công của tỉnh Cao Bằng đã tiến hành mở tuyến đường tuần tra biên giới theo kế hoạch của Chính phủ và hoàn tất thi công từ mốc 116 sang hướng đông mốc 115, sát khu vực Nà Khum (Sóc Hà, Hà Quảng). Tháng 8.2004, đội thi công tiếp tục mở tuyến từ hướng đông mốc 114 sang hướng tây mốc 115 (nay là mốc 644 -1), cách khoảng 100 m thì phía Trung Quốc ngăn cản, không cho thi công. Ròng rã gần 1 năm trời hội đàm khẳng định chủ quyền và viết thư phản đối phía Trung Quốc ngăn cản vô lý, tháng 1.2005, UBND H.Hà Quảng quyết định thi công tuyến đường, trong các ngày 29 – 30.1.2005 với 150 bộ đội, nhân dân bảo vệ 10 công nhân thi công.
“Đúng như dự đoán, công nhân vừa đến thì lính biên phòng Trung Quốc đã ra ngăn cản và sau đó là 90 binh sĩ Trung Quốc cải trang thành dân binh ào ra khiêu khích, chửi bới, kích động”, ông Hà Văn Bình, Bí thư Chi bộ xóm Trúc Long (Sóc Hà), kể lại và nói thẳng: “Lính họ đi lại phía bên kia biên giới suốt, cách chúng tôi vài chục mét nên lạ gì? Họ cải trang thành dân binh, chúng tôi phát hiện ngay”.
Giằng co suốt gần 1 ngày, những người dân và Bộ đội biên phòng Sóc Hà xếp thành vòng cung bảo vệ công nhân và đẩy đuổi lính Trung Quốc tràn sang. Không thể phá vỡ vòng vây bảo vệ, lính Trung Quốc chĩa súng vào ngực những người dân – Bộ đội biên phòng Sóc Hà dọa bắn, nhưng vòng cung càng thêm chắc chắn. Bất lực, lính Trung Quốc dùng gạch đá ném như mưa khiến nhiều người bị thương. Không run sợ, cả trăm người kiên quyết bảo vệ việc thi công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Nông Văn Niêm chỉ cho chúng tôi xem vết thương ở ngực, do gạch đá lính Trung Quốc ném, khi tham gia bảo vệ Nà Khum ngày 29.2.2005: “Tôi đi giám định, bị thương tật 21% và được công nhận thương binh” và bảo: “Thương binh vì giữ đất như tôi, ở vùng Sóc Hà này nhiều lắm. Đất của Tổ quốc, dân Cao Bằng dù chết cũng quyết giữ, đâu cần danh hiệu gì”…
Mai Thanh Hải