01/11/2024

Một xô nước ngọt dùng ba lần

Người dân ở vùng hạn, xâm nhập mặn phải tiết kiệm nước ngọt đến mức một xô nước ngọt được dùng tới ba lần: rửa đồ dùng, tắm giặt, tưới cây.

 

Một xô nước ngọt dùng ba lần

 

 

Người dân ở vùng hạn, xâm nhập mặn phải tiết kiệm nước ngọt đến mức một xô nước ngọt được dùng tới ba lần: rửa đồ dùng, tắm giặt, tưới cây.

 

 

 

 

Một xô nước ngọt dùng ba lần
Những can nước từ giếng ngọt của bà Nguyễn Thị Huơn (xã Phú Hưng) đã giúp người dân “giải khát” tạm trong những ngày này – Ảnh: Mậu Trường

 

 

Với giá nước 50.000 đồng/m3, người dân tại hai xã Bình Thới, Thừa Đức (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) tìm đủ mọi cách để hạn chế xài nước ngọt.

Bến Tre: giặt quần áo bằng nước lợ

Bà Hai bán tạp hoá trên đường dẫn ra bãi biển Thừa Đức cho biết tất cả mọi thứ đều rửa bằng nước mặn, sau đó mới rửa lại bằng nước ngọt một lần trước khi sử dụng. Xô nước ngọt rửa lại đồ cũng được tận dụng để tắm giặt, rửa tay chân rồi cuối cùng tới tưới cây.

Trong khi đó, ông Bảy Dũng (59 tuổi, ngụ ấp Thừa Trung, xã Thừa Đức) lại có cách tiết kiệm khác. “Tôi chỉ giặt những bộ đồ trắng, đồ để mặc đi đám tiệc bằng nước ngọt. Còn lại quần áo khác giặt bằng nước nhiễm mặn vẫn mặc bình thường. Mọi sinh hoạt khác, kể cả rửa chén bát tôi cũng dùng nước mặn, sau đó rửa sơ lại bằng nước ngọt một lần” – ông Dũng nói.

Theo ông Bảy Dũng, do hạn, mặn đến sớm và kéo dài chắc ông phải mua nước ngọt xài liên tục ít nhất trong bảy tháng.

Tình trạng hạn, xâm nhập mặn đã dẫn đến khan hiếm nước sinh hoạt. Ngay từ 28 tết (6-2-2016), khoảng 1,3 triệu dân tỉnh Bến Tre đã phải sử dụng nước nhiễm mặn do các nhà máy nước phải lấy nước nhiễm mặn về xử lý.

Ngày 1-3, ông Cao Văn Trọng, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh vừa đầu tư làm một hồ chứa nước ngọt để cung cấp cho nhà máy nước.

Trong tuần tới sẽ có khoảng 300.000 hộ dân ở TP Bến Tre và các huyện lân cận như Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành sẽ có nước ngọt để sử dụng, không còn tình trạng xài nước nhiễm mặn như trước đây.

Còn người dân ở các huyện vùng ven như Bình Đại, Ba Tri…, tỉnh sẽ bán nước ngọt đúng giá quy định và hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển để giá nước ở mức từ 10.000-13.000 đồng/m3.

Riêng các bệnh viện, khách sạn cao cấp, khu công nghiệp, công ty chế biến thực phẩm tỉnh sẽ bố trí sà lan chở nước ngọt tới tận nơi để cung cấp nhằm duy trì hoạt động trong thời điểm hiện nay…

Ninh Thuận: lấy nước 
vo gạo để rửa chén

Trưa 1-3, nhiều hộ dân thôn Thương Diêm 1 (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) liên tục gọi điện cho các chủ đầu nậu cung cấp nước sinh hoạt.

Ông Phan Ngọc Quang cho biết đã gọi từ hôm qua đến sáng nay (1-3) chủ cung cấp nước mới chở nước đến. Nhà ông có sáu người, mỗi tháng phải mua ba xe nước (3m3/xe) với giá 40.000 đồng/m3.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (ngụ cùng thôn) nói chị dùng nước nấu ăn, rửa chén rất tiết kiệm vì nước giờ bắt đầu khan dần. “Tôi vo gạo chắt nước để lại sau đó rửa xoong, chén bát” – chị nói.

Tương tự, nhiều hộ dân hai thôn Thương Diêm 2 và Lạc Tân 3 (cùng xã Phước Diêm) đều thiếu nước sinh hoạt và cho biết họ đang mua nguồn nước bị nhiễm mặn dùng tắm giặt, rửa chén, còn nước uống thì phải mua từng bình lọc về uống hoặc đi mua nước ngọt từ hệ thống cấp nước của công ty cấp nước cách thôn 3-4km với giá 50.000 đồng/m3.

Ông Trần Liễu, người chở nước từ giếng khoan về bán, cho biết trước đây bơm hút có nước ngọt nhưng hơn tháng nay nguồn nước bị lợ mặn do khô hạn. “Tuy vậy người dân vẫn mua. Vì không mua lấy nước đâu xài” – ông Liễu nói.

Theo UBND huyện Thuận Nam, có hơn 1.200 hộ dân ở hai xã phải xài nước lợ. Ông Trần Quốc Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh chỉ đạo huyện Thuận Nam trích nguồn dự phòng chống hạn chi tiền cho các hộ dân thôn Tam Lang (xã Phước Nam) mỗi hộ 75.000 đồng/tháng/người để người dân tự mua nước ngọt sinh hoạt, bắt đầu từ ngày 2-3.

Còn ba thôn ở xã Phước Diêm, tỉnh chỉ đạo huyện Thuận Nam phối hợp Công ty cổ phần cấp nước Ninh Thuận đấu nối đường ống chính vào đường ống của doanh nghiệp Thạnh Đức (đã bị ngừng sử dụng lâu nay) để cung cấp nước cho người dân sử dụng, thời hạn phải trước ngày 10-3.

“Các hộ dân được tỉnh hỗ trợ tiền sử dụng nước trong thời gian xảy ra hạn hán, hết hạn thì người dân tự trả” – ông Nam nói.

Một xô nước ngọt dùng ba lần
Ông Lữ Văn Thành (xã Đông Thái, huyện An Biên, Kiên Giang) phải tắm bằng nước mặn dưới kênh, sau đó xối lại một ít nước ngọt – Ảnh: Khoa Nam

Kiên Giang: giá mỗi lu nước tăng 5.000 đồng

Ông Lữ Văn Thành (54 tuổi) – ngụ tổ 6, ấp Thành Trung, xã Đông Thái, huyện An Biên – cho hay các năm trước mùa khô thường bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc khoảng tháng 3. Nhưng năm nay mùa khô ập tới từ giữa tháng 9 năm ngoái và kéo dài gay gắt cho đến tận bây giờ.

Hiện tại giá mỗi lu nước (chứa khoảng 600 lít) được các ghe chở nước đi bán từ 20.000-50.000 đồng.

“Gia đình tui có bốn người, cứ bốn ngày đổi ba lu nước giá 120.000 đồng, tính ra mỗi tháng tiền nước cả triệu đồng, số tiền này quá cao nhưng nếu không đổi thì không có nước để nấu ăn, giặt đồ” – ông Thành nói.

Nhiều người dân cho biết giá mỗi lu nước đã tăng khoảng 5.000 đồng. Đó là chưa kể càng ngày dung tích các lu chứa nước càng nhỏ. Hiện tại, giá mỗi cặp lu ximăng đã lên tới 700.000 đồng, tăng 100.000 đồng so với cách đây một năm, trong khi dung tích giảm đi khoảng 100 lít.

Nước sạch ưu tiên cho nấu ăn trước tiên. Còn chuyện tắm rửa thì chỉ phụ nữ và trẻ em mới được tắm hoàn toàn bằng nước sạch. Đàn ông thì tắm nước mặn dưới kênh trước, sau đó xối lại vài ca nước ngọt để… rửa mặn. Nước sạch sau khi dùng để tắm, giặt sẽ được tận dụng cho chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Nguyễn Văn Tâm – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang – nói: “Chuyện hỗ trợ 
kinh phí chở nước cho người dân tuyến biển An Biên, An Minh hiện tại rất khó thực hiện, bởi tỉnh vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân vừa bị mất mùa, rồi còn chuyện chở nước ra các xã đảo nữa”.

Trong bối cảnh đó, ông Đào Thanh Hoá – giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang – đề nghị: “Bà con ở gần nhà máy nước nên chủ động cùng nhau kiếm phương tiện đi chở về dùng. Giá nước tại nhà máy chỉ có 4.500 đồng/m3, khoảng năm hộ thuê ghe chở nước về dùng cũng còn rẻ hơn mua nước bên ngoài, chất lượng lại đảm bảo an toàn hơn nhiều”.

Cho nước

Trước căn nhà ọp ẹp được lợp tạm bằng những tấm tôn nằm bên đường Nguyễn Thị Định, xã Phú Hưng, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre có treo tấm bảng “Cho nước”.

Giữa trưa nắng, bà Nguyễn Thị Huơn (75 tuổi) – người cho nước – kéo ống nước từ trong giếng ra để sẵn ngoài lề đường. Rồi bà Huơn bắc ghế ngồi gần môtơ chờ phục vụ người tới lấy nước.

“Nhà tui cũng nghèo nhưng may trời thương nên cho được cái giếng nước ngọt như nước đóng chai, uống vào mát rượi nên không cần phải đi mua. Thấy nhiều người phải bỏ tiền mua nước về xài tui xót quá. Tui đành treo bảng và thông báo cho những người hàng xóm thiếu nước tới lấy về xài, đừng mua, tốn tiền bạc” – bà Huơn nói.

Nhận can nước ngọt từ nhà bà Huơn, bà Sương (TP Bến Tre) nói: “Cũng may có được nguồn nước của nhà bà Huơn để xài, chứ đi mua nước thì không có tiền”.

Cũng có lúc do nhiều người đến lấy nước nên giếng cạn. Gia đình bà Huơn xài nhín lại, chờ mạch nước ngầm chảy đầy lên rồi mới lấy dùng. Vì theo bà Huơn: “Người ta xa xôi lại đây lấy nước, hổng lẽ bắt họ phải chờ đợi. Còn mình thì có giếng sẵn đây, lúc nước đầy lên xài cũng hổng muộn”.

MẬU TRƯỜNG

MẬU TRƯỜNG – KHOA NAM – MINH TRÂN ([email protected])