15/11/2024

Chủ tịch huyện tìm lại tên cho dân

11g40 trưa 25-2, ông Dương Mah Tiệp, chủ tịch UBND huyện Ia Grai (Gia Lai), nhận cuộc gọi: “Xin “nỗi” ông vì tôi gọi giữa trưa nhưng tôi mừng quá nên gọi điện để cám ơn ông. Tôi được xã “nàm nại” tên cho rồi ông à. Tôi cám ơn ông nhá!”.

 THÚC ĐẨY THỰC THI CÔNG VỤ:

Chủ tịch huyện tìm lại tên cho dân

 

 

 

11g40 trưa 25-2, ông Dương Mah Tiệp, chủ tịch UBND huyện Ia Grai (Gia Lai), nhận cuộc gọi: “Xin “nỗi” ông vì tôi gọi giữa trưa nhưng tôi mừng quá nên gọi điện để cám ơn ông. Tôi được xã “nàm nại” tên cho rồi ông à. Tôi cám ơn ông nhá!”.

 

 

 

 

 

Chủ tịch huyện tìm lại tên cho dân
Chủ tịch huyện tìm lại tên cho dân
Bà Lê Thị Lởi và các giấy tờ sai tên mình từ chữ “L” thành chữ “N” – Ảnh: T.B.D.

Nghe giọng nói ngọng từ chữ “L” chuyển thành chữ “N”, ông Tiệp nhận ra đó là bà Lê Thị Nởi – người nông dân trồng cà phê nghèo ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao (huyện Ia Grai) – mà trước đó mấy ngày ông đã tiếp nhận câu chuyện hành trình khốn khổ bảy năm đi tìm tên thật của bà.

Chuyện của một 
công dân “bị hành”

Bà Nởi là nhân vật trên bài báo của Tuổi Trẻ cách đây bảy tháng (bài “Sáu năm đi tìm một chữ… L”, Tuổi Trẻ ngày 18-7-2015).

Bà tên thật là Lê Thị Lởi, là nông dân nghèo, có chồng, hai con và cái nhà nhỏ giữa rẫy cà phê. Bà ít chữ nên mấy chuyện giao dịch giấy tờ cũng không rành lắm, thành ra bị cán bộ hành lên hành xuống.

Bà Lởi quê gốc ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ở vùng này thì người ở nông thôn thường mắc lỗi nói ngọng, từ chữ “L” thành chữ “N”.

Năm 2009, sau khi chuyển vào ở huyện Ia Grai, bà về quê xin cắt hộ khẩu. Khi cán bộ ở đó kêu đọc tên, bà đọc là “Lê Thị Nởi” và cán bộ ghi vào hồ sơ tên đó.

Vào xã Ia Sao, huyện Ia Grai, cán bộ phát hiện cái sai này nhưng đành tặc lưỡi: “Lởi hay Nởi cũng được”. Rắc rối từ đây.

Năm ngoái, con đầu của bà là Đỗ Đăng Long học hết lớp 12, làm hồ sơ thi kỳ thi quốc gia. Khi gửi hồ sơ, thầy cô giáo nói “tên mẹ con trong các hồ sơ liên quan bị sai chữ L với chữ N, về bổ sung gấp”.

Bà Lởi đang tưới cà phê thấy con hốt hoảng cầm đơn về thì bỏ dở cả ống tưới, chạy lên xã. Cán bộ tiếp nhận ở đây bảo: “Mấy năm không lo mà đi sửa, giờ ai giúp cho nổi. Về quê mà làm”.

Bà đón xe về quê gấp trong đêm. Dù không còn là công dân của Hải Dương nữa nhưng xã vẫn linh động xác nhận cho bà chính là Lê Thị Lởi. Bà lại lên xã Ia Sao, cán bộ lại kêu cái này không được, khó lắm!

Bà Lởi khóc lên khóc xuống. Ông chủ tịch UBND xã biết được kêu lên hỏi sự tình. Nghe thế, ông nạt cán bộ xã rằng bà Lởi là công dân xã rồi, sai thì lo mà tìm cách sửa chứ không con bà không thi được đại học thì to chuyện.

Cán bộ xã mới chạy đi làm một cái giấy xác nhận tạm thời rằng hai tên là một rồi đưa cho bà Lởi. Con trai bà Lởi được thi tốt nghiệp.

Nhưng tên bà thì vẫn không được sửa. Bà lên xã thì xã bảo về quê, về quê thì bảo vô trong đó vì “chúng tôi cắt khẩu từ lâu rồi”.

Phải chi cô gọi cho tôi sớm hơn

Ngày 18-2 vừa rồi, bà Lởi gọi điện cho một người quen, khóc nói rằng con trai đầu của bà đi xuất khẩu lao động nhưng công chứng hồ sơ người ta không cho vì tên mẹ không khớp. Bà lại lên UBND xã cầu cứu nhưng không có phản hồi.

Chiều 22-2, từ người quen này, câu chuyện của công dân Lê Thị Lởi được chuyển đến chủ tịch UBND huyện Ia Grai – ông Dương Mah Tiệp.

Ông Tiệp lắng nghe, lấy tờ giấy ghi rõ tên, địa chỉ, tình tiết sự việc… Do bận cuộc họp, ông nói với phó chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Quý: “Em xử vụ này cho anh, ngay trong chiều nay”.

Nghe câu chuyện, ông Quý cũng không giấu được bực tức: “Họ là công dân của mình rồi thì trách nhiệm của cán bộ xã lo mà đi làm cho họ, đúng ra là cán bộ xã đón xe về ngoài quê đi xác nhận cho người ta nữa kìa, chi phí đi lại Nhà nước lo mà! Chứ không có hành hạ kiểu đó được.

Cán bộ xã nhỏ lắm nhưng giờ nhiều nơi thế, ghê gớm lắm”. Rồi ông yêu cầu cán bộ văn phòng soạn công văn gửi hoả tốc, yêu cầu xã phải trả lời và thông báo kết quả xử lý muộn nhất là trong vòng bảy ngày.

Rời cuộc họp chiều 22-2, chủ tịch huyện Ia Grai Dương Mah Tiệp ký công văn gửi hoả tốc yêu cầu UBND xã Ia Sao phải làm lại tên cho bà Lê Thị Lởi.

Ngoài công văn, ông Tiệp còn trực tiếp gọi điện nói rõ nếu UBND xã mà không giải quyết xong vụ này, bắt bà Lởi phải chạy đi chạy lại nữa, dù lý do là bên nào thì chủ tịch xã cũng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Kết quả, sáng 25-2 chủ tịch UBND xã Ia Sao báo cáo với ông Tiệp đã làm xong việc điều chỉnh tên trong các giấy tờ cho bà Lởi rồi.

Tiếp xúc với PV Tuổi Trẻ, ông Tiệp nói: “Chúng tôi xin lỗi vì không nắm sự việc. Nhưng xã họ làm như thế thì vô cảm quá, hành dân quá”. T

rong cuộc nói chuyện qua điện thoại trưa 25-2 với bà Lởi, ông Tiệp cũng bày tỏ: “Tôi cũng xin lỗi cô vì làm lãnh đạo mà không biết anh em dưới làm thế. Số tôi đây, lần sau cô có việc gì phiền cứ alô cho tôi. Có chút vậy mà khổ cho cô, phải chi cô gọi cho tôi sớm hơn”.

Họ ân cần, khác trước…

Trưa 25-2, chúng tôi gọi điện cho bà Nởi hỏi UBND xã làm giấy cho bà chưa, bà không giấu hết vui sướng: “Tôi đang mừng chết được đây. Ông chủ tịch huyện bắt họ làm rồi. Vui vẻ lắm chú à!”.

Bà kể một người ở xã đem giấy tờ xuống nhà cho bà, nói là chủ tịch huyện gọi điện bắt làm. Bà nói lần này họ ân cần, vui vẻ lắm, họ còn hỏi bà có cần gì nữa không để họ đáp ứng.

“Họ còn nói họ đổi toàn bộ giấy tờ tôi thành tên Nởi để cho ổn định, cấp giấy khai sinh lại cho hai đứa con tôi. Nói chung lần này họ khác lắm” – bà Nởi vui vẻ cho biết.

THÁI BÁ DŨNG ([email protected])