Làm việc quá sức gây nhiều bệnh
Bác sĩ Lê Cao Phương Duy, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết những người làm việc căng thẳng dễ có nguy cơ bị stress.
Làm việc quá sức gây nhiều bệnh
Bác sĩ Lê Cao Phương Duy, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết những người làm việc căng thẳng dễ có nguy cơ bị stress.
Những người làm việc căng thẳng cần sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi tập thể dục đều đặn với các môn làm tăng sức bền của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, bơi…- Ảnh: Châu Anh |
Stress là một hiện tượng rất phức tạp, ảnh hưởng nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có một số cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề như hệ thần kinh, tim mạch và hệ tiêu hoá.
Ở hệ thần kinh, khi bị stress, não sẽ mệt mỏi, hoạt động kém. Người ủ rũ, rã rời, lười vận động, không tự tin trong công việc, dễ quên những cuộc hẹn, hay giận hờn vô cớ, ngại tiếp xúc với người thân và bạn bè, khó chịu với sự ồn ào và vô cảm với sự đau khổ của người khác.
Trái tim mệt mỏi
Một người có sẵn bệnh tim như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ hay bị suy tim do bất kỳ nguyên nhân nào, làm việc quá mức hay stress có thể làm xấu đi tình trạng bệnh tim có sẵn do cơ thể tiết ra một số hormone có hại như cortisone, adrenaline.
Khi đó, người bệnh có thể bị tăng huyết áp không thể kiểm soát, thiếu máu cơ tim có thể nặng hơn hoặc suy tim trầm trọng dù dùng đủ thuốc. Điều này có thể đưa đến những hậu quả như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, phù phổi cấp, thậm chí có thể dẫn đến tử vong đột ngột.
Cần lưu ý với một người không có bệnh tim từ trước thì làm việc quá sức không thể gây ra đột tử.
Ngoài ra, làm việc quá sức sẽ làm mất thăng bằng trong hệ thần kinh giao cảm, làm người bệnh dễ hồi hộp, tức ngực, cảm giác khó thở… Những tình trạng này rất dễ bị nhầm với bệnh tim thực thể.
Có nhiều thuật ngữ miêu tả tình trạng này như rối loạn thần kinh tim, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn cảm giác bản thể. Cho dù tên gọi là gì thì đây cũng là một bệnh tim cơ năng (không có tổn thương thật sự trên hệ tim mạch), không phải là bệnh trầm trọng và có thể chữa khỏi.
Làm việc căng thẳng, quá sức còn làm rối loạn hệ thần kinh trung ương, dẫn đến sự tiết axit tại dạ dày không được kiểm soát, gây đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, thậm chí viêm loét dạ dày. Những trường hợp này cần lưu ý phải kết hợp vừa điều trị bệnh lý dạ dày vừa điều trị stress thì mới mong khỏi bệnh được.
Không có thời gian để ăn, nghỉ
Nghề nào cũng có áp lực, căng thẳng riêng nhưng theo nhiều bác sĩ đang làm việc tại TP.HCM, nghề y là một trong những nghề có rất nhiều áp lực. Những áp lực có thể kể ra là bác sĩ phải khám bệnh quá đông, dễ bị bệnh nhân kiện cáo, trực đêm, mổ nhiều ca bệnh…
Bác sĩ K. ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM kể rất ít khi bác sĩ này ăn đúng bữa. Sáng 6g30-7g, bác sĩ K. có mặt tại bệnh viện, sau đó khám, mổ cho bệnh nhân. Có hôm mổ thông trưa, có hôm mổ dịch vụ đến 8-9 giờ tối mới về, đêm trực cấp cứu sẽ có khi phải mổ thông đêm.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cũng chia sẻ cả ngày anh làm việc tại bệnh viện, sau đó 5g30 chiều đến phòng mạch khám đến hơn 8-9g tối mới về. Có những hôm đi làm về rất mệt nhưng vẫn đến phòng mạch chứ không thể nói với bệnh nhân đang chờ mình rằng hôm nay bác sĩ mệt nên nghỉ.
Bác sĩ Phan Thanh Hải – chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân, giám đốc Phòng khám Hoà Hảo TP.HCM – cho biết trong thực tế có nhiều bác sĩ nói riêng và những người làm công việc căng thẳng khác đã bị stress và từng đến các cơ sở y tế điều trị bệnh.
Những người làm việc quá căng thẳng cần tự điều chỉnh bằng cách tìm nguyên nhân gây stress để giảm strees, dùng thuốc chỉ là biện pháp cuối cùng.
Không nên quá lo lắng về tình trạng bệnh vì như thế tình trạng strees sẽ nặng thêm và hậu quả kể trên tiếp tục lặp lại, rất khó điều trị. Nên có suy nghĩ tích cực, thường xuyên trao đổi với người thân, bạn bè vì đây là một cách giải toả stress.
Cần sắp xếp thời gian để tập thể dục đều dặn với các môn làm tăng sức bền của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, bơi… Ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, lưu ý bổ sung vitamin A, D và các yếu tố vi lượng như kẽm, magiê, canxi.
Nếu không thể tự giảm stress được bằng các biện pháp trên, những người làm việc quá sức nên gặp một chuyên gia tâm lý để được tư vấn hoặc có thể cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần kinh.
Mỗi ngày có 1.600 người Trung Quốc tử vong do làm việc quá sức Truyền thông Trung Quốc cho biết nước này đang đối mặt với “dịch làm việc quá tải”, nguyên nhân khiến có khoảng 600.000 người chết vì đột quỵ hằng năm và trung bình hằng ngày có khoảng 1.600 người đột tử vì lý do này. Cho đến nay, giới ngân hàng Trung Quốc vẫn còn bàng hoàng khi nhắc đến trường hợp của ông Lý Kiến Hoa, giám đốc Uỷ ban điều hành ngân hàng nhà nước, đã bất ngờ đột tử sau nhiều đêm thức trắng để hoàn thành báo cáo về bộ quy tắc sửa đổi dành cho hệ thống ngân hàng của nước này. Báo Tài Tân cho biết ông Lý mất khi chưa tròn 49 tuổi. Trên trang blog Weibo của Trung Quốc đang nhan nhản những lời than phiền của giới trí thức trẻ rằng họ phải làm việc quá mức, làm việc đến chết. Thông tin về những trường hợp đột quỵ do phải làm việc quá căng thẳng xuất hiện ngày càng nhiều. Cụ thể, một lao động trẻ mới 24 tuổi đã chết do làm việc quá căng thẳng. Một người trẻ khác thì bất ngờ qua đời khi tuổi vừa chớm 24-25 vì liên tục làm việc quá 8 tiếng/ngày. Tại Nhật Bản, khái niệm “chết vì làm việc quá sức” được làm rõ từ nhiều năm trước. Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật kêu gọi thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp ngăn chặn tình trạng trên. Năm 2012, chính phủ nước này bồi thường cho các gia đình có người tử vong hoặc ngã bệnh liên quan đến “làm việc quá sức”, kể cả 93 trường hợp tự tử vì căng thẳng trong công việc. |